Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Một bà đến gặp tôi, bà đau khổ vì có một cảm nhận kỳ lạ. Bà oán giận Chúa. Cảm nhận của bà mơ hồ và không định hình rõ rệt, nhưng bà cho rằng, dù sao thì cũng vì Chúa mà bà không hạnh phúc.
Bà nói cuộc đời trôi quá nhanh và bà đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để sống một cuộc sống đích thực. Bà, một người tốt, có tín ngưỡng, đạo đức, rộng lượng, sống vì người khác, trung tín giữ lời hứa.
Nhưng ở tuổi năm mươi, bà giận dữ và cay chua, một cơn giận và cay chua bà không cách nào giải thích, chấp nhận và kềm chế.
Bà bối rối và đau khổ. Một mặt bà không hối tiếc quãng đời đã qua. Bà trung tín, vị tha, giữ đạo. Tuy nhiên, mặt kia, khi thấy tuổi trẻ, sức khỏe, năng lực tính dục, và các cơ hội thành công mờ dần thì bà cảm thấy hụt hẫng: bị vắt chanh bỏ võ, bế tắt, ám ảnh bởi ý nghĩ suốt đời mình chưa bao giờ quyết định một cái gì riêng cho mình.
Ở một khía cạnh nào đó, dường như lòng tin của bà chỉ là chuyện hoạ chăng hay đó, một sắp xếp của hoàn cảnh. Bà tự hỏi có phải mình chọn cuộc sống hay nó áp đặt lên mình. Mỗi khi ý tưởng này đến trong đầu là một cảm giác hối hận, cay chua xâm chiếm lòng bà. Bà tiếc mình đã luôn quá đạo đức, mộ đạo, chuẩn mực. Trong những giây phút này, bà thú nhận là đã thầm ghen với người khác, những người không quá đạo đức, không quá đức hạnh, không mang cái gông gia đình để rồi bị tôn giáo, đạo đức đè nặng.
Tận tấm lòng, bà có cảm tưởng đã bị Chúa lường gạt, quyến rũ. Đó là lỗi của Chúa. Bà quả quyết, Chúa luôn luôn ở đó, đủ để nắm giữ bà nhưng không bao giờ đủ để bù đắp cho bà, ít nhất là về mặt cảm xúc.
Vì vậy bà giận dữ, bà giận chính bà vì đã giận dữ. Oán trách, mặc cảm tràn ngập con người bà… Bà không thể cầu nguyện vì bà không chấp nhận mình giận Chúa, nên mỗi lần bà cố gắng cầu nguyện thì có vẻ như giả tạo và xếp đặt.
Nói gì với bà bây giờ? Trước hết, tôi giải thích cho bà hiểu sự oán trách và giận dữ của bà đã là một hình thức rất cao của cầu nguyện, hay ít nhất nó tiềm tàng như vậy.
Thường chúng ta có cảm tưởng Chúa không muốn chúng ta chiến đấu với Ngài, Chúa thích con chiên ngoan ngoãn chấp nhận (dù chúng khó nuốt cho trôi cay đắng, phát sinh một cách tự phát trong các động cơ cảm xúc, tâm lý và tính dục).
Nhưng hoàn toàn ngược lại, Chúa muốn chiến đấu với chúng ta. Như Giáo sĩ Heschel nhấn mạnh, kể từ ngày tổ phụ Áp-ra-ham đồng ý với Thiên Chúa về số phận của người dân thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra, và tổ phụ Gia-cóp vật lộn với thiên thần, những người gần gũi với Thiên Chúa đôi lúc cũng có những chạm trán như vậy.
Từ chối chấp nhận sự khắc khe con đường của Chúa, những con đường nhân danh tình yêu Chúa là hình thức nguyên thủy của cầu nguyện. Quả thật các ngôn sứ và các thánh không phải lúc nào cũng đồng ý: Ý cha thể hiện.
Họ cũng thường chiến đấu, thách đố, đi lòng vòng và cầu xin, như thể nói: Cầu cho ý cha được thay đổi! Tôi nghi đôi khi họ cũng bỏ qua các kế hoạch thiêng liêng. Thiên Chúa muốn chiến đấu với chúng ta, nhất là khi đã có lúc chúng ta sống trong nhà của Chúa.
Tại sao? Tại sao Chúa lại muốn như vậy? Làm sao sự chiến đấu lại cũng là một hình thức cầu nguyện?
Chiến đấu có thể là một hình thức cầu nguyện vì nó có thể là một hình thức của tình yêu. Những ai sống chung và yêu thương nhau từ lâu đều có những căng thẳng cần giải quyết. Đời sống lứa đôi của họ là một cuộc chiến đấu thường xuyên, nhiều giận dữ và đôi khi cay đắng. Nhưng với sự chạm trán này, nếu họ kiên trì thì lúc nào cũng đi đến một tình yêu sâu đậm hơn.
Người đàn bà tôi nói trên đúng là bà đang đứng ở một giai đoạn mới của tình yêu. Nhưng trước hết bà phải cầu nguyện trong cay đắng. Khi đứng trước giai đoạn mới mẻ này, quằng người dưới ách của Chúa, dưới con mắt ghen tương của Ca-in, dưới ánh mắt van xin của người Cha trong dụ ngôn người con hoang đàng, như đang năn nỉ bà bước vào một quỹ đạo mới, quỹ đạo của những người cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa.
Giáo sĩ Heschel kể câu chuyện người Ba-Lan gốc Do Thái vì cay đắng nên ngưng cầu nguyện “vì những gì đã xảy ra trong trại tập trung Auschwitz.” Sau này, anh cầu nguyện lại. Khi được hỏi vì sao, anh trả lời: “Tôi thấy tội cho Chúa.”
Ông đã đạt đến một giai đoạn mới của tình yêu, giai đoạn đồng cảm, thương xót. Nỗi lo lắng, gia nghiệp, nhà của Thiên Chúa giờ đây là của ông. Nhưng giai đoạn ấy chỉ đến sau khi chiến đấu, giận dữ và cay đắng đã được hóa giải.
Thiên Chúa mời gọi vào cuộc chiến và tôi dám nói Ngài thích cuộc chiến đó. Như nhà văn Nikos Kazantzakis viết:
Mọi con người đều dự phần vào bản chất thiêng liêng cả trong tinh thần lẫn thể xác. Cuộc chiến đấu giữa Thiên Chúa và con người diễn ra trong tất cả mọi người, cùng lúc với nỗi khao khát hòa giải. Thường thường, cuộc chiến đấu này diễn ra trong vô thức và chóng qua. Một tâm hồn yếu đuối không thể nào có sức chịu đựng lâu dài để chống lại xác thịt. Nó trở nên nặng nề, trở nên giống xác thịt, và cuộc chiến đấu chấm dứt. Tâm hồn và xác thịt càng mạnh mẽ, cuộc chiến đấu càng phong phú và sự hòa hợp càng mạnh. Thiên Chúa không ưa những tâm hồn yếu đuối và xác thịt yếu mềm. Tinh thần muốn chiến đấu với xác thịt mạnh mẽ và có sức chống chịu.
Cầu cho tất cả chúng ta đều chiến thắng – bằng cách đầu hàng cuộc chạm trán này!
Nguyễn Kim An dịch
Xin đọc thêm: Cầu nguyện trong cơn khủng hoảng