Cứu rỗi không nằm trong giới tính học
Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Một trong các cô bạn nữ tu của tôi, bà đi du lịch bằng máy bay, bà ngồi gần một thanh niên trẻ hoạt bát và rất hiếu kỳ.
Anh đặt nhiều câu hỏi và phần lớn là về độc thân. Có một lúc, anh nhận xét: “Nhìn vào xơ, điều làm con tò mò muốn biết là rõ ràng xơ là người yêu đời. Giờ thử tưởng tượng nếu xơ có đời sống tình dục nữa, thì cuộc sống của xơ sẽ phong phú biết bao!”
Xơ đơn giản trả lời: “Nhìn vào con, điều làm xơ tò mò muốn biết là rõ ràng con là người chân thành và đang đi tìm tình yêu. Nhưng tình yêu và tình dục không phải lúc nào cũng giống nhau. Giờ thử tưởng tượng nếu con hiểu được điều đó, thì cuộc sống của con sẽ phong phú biết bao!”
Đoạn đối thoại trên có thể giúp chúng ta hiểu được tại sao Đức Ki-tô đã chọn khiết tịnh để nhập thể bản năng giới tính của Người.
Sống và yêu thương trong khiết tịnh, Đức Ki-tô không cố gắng chỉ dạy điều gì cả – như thỉnh thoảng chúng ta được dạy trong quá khứ – rằng đời sống độc thân được thánh hóa cao đẹp hơn đời sống hôn nhân, hay trong các quan hệ tình dục có một cái gì đó chống lại đời sống thiêng liêng. Nó muốn nói nước Trời thuộc về quả tim hơn là cơ quan sinh dục.
Trong tầm nhìn của Đức Ki-tô, nước Trời là tình yêu, là cuộc gặp gỡ của hai quả tim không tìm cách khai thác nhau. Cuộc gặp gỡ của Chúa với tất cả những người thiện tâm trong một cộng đoàn thương yêu, nơi quả tim con người nối kết nhau trong tình bằng hữu, tình yêu, trong dâng mừng và nhiệt thành.
Tình dục cũng có chỗ trong đó, một chỗ tốt đẹp, sâu đậm và lý thú. Nhưng nó không phải là vương quốc, và để trở thành món quà tốt đẹp mà Đấng Tạo Dựng đã trao ban, nó phải luôn luôn gắn liền với cuộc gặp gỡ trinh khiết và lâu dài của hai quả tim. Nó không bao giờ như “cuộc chữa răng, đau tê nhức và bịt lỗ trám” như văn sĩ Margaret Atwood nói.
Ít có thông điệp nào cần kíp cho thời đại chúng ta cho bằng lời kêu gọi phân biêt giữa tình yêu và tình dục của Đức Giê-su. Bởi vì xã hội chúng ta thật sự đã biến khoa giới tính học thành một học thuyết cứu rỗi.
Ngôn ngữ cổ điển về cứu rỗi là (ngôn ngữ của tình thương) – “đền tội,” “hy sinh trên thập giá,” “đau khổ đến chết” – đa số đã bị thay thế bằng ngôn ngữ tình dục. Tình yêu và sự cứu rỗi được đề cập nhiều theo ngôn ngữ của Masters and Johnson hơn là ngôn ngữ của Đức Ki-tô.
Vì thế, đối với nhiều người trong chúng ta, tình yêu và sự cứu rỗi phù hợp với chung sống tạm thời của hai thể xác hơn là cuộc gặp gỡ lâu dài của hai quả tim.
Cái giá chúng ta phải trả cho chuyện này là cô đơn. Có phải là một trùng hợp: có lẽ chúng ta sống trong một xã hội đơn độc nhất trong lịch sử nhân loại và cũng có lẽ chúng ta sống trong một xã hội năng động nhất về mặt tình dục. Gia tăng hành vi tình dục không giảm bớt cô đơn và day dứt. Dù được giải phóng, dù có thanh tao về mặt tình dục, chúng ta càng ngày càng dấn sâu trong một nỗi hoang mang day dứt.
Chỉ có cứu rỗi trong tình yêu. Chỉ có cứu rỗi trong tình dục thì không đúng. Điều khó hiểu trong sự khiết tịnh của Đức Ki-tô là ngoài sự gần nhau trên các lãnh vực khác, là sự gần nhau giữa các quả tim đã nảy sinh ra tình yêu và tình bạn, lễ hội và tình cộng đoàn, hạnh phúc và nước Trời. Bản năng giới tính chỉ đóng góp phần xây đắp và hoàn thiện cho cộng đoàn các quả tim khi nó làm thuận lợi cho niềm vui, cho trật tự phát xuất từ sự chung tình và khiết tịnh.
Là ki-tô hữu, chúng ta phải nhập thể bản năng giới tính của mình làm sao để nó luôn luôn thể hiện tình yêu và quả tim trong các thực tế trọng tâm của cuộc sống và nước Trời.
Chúng ta làm chuyện này không phải để cố gắng thành người vô tính hay để đối nghịch lạc thú tình dục với đời sống thiêng liêng, nhưng đúng hơn là cố gắng sống bản năng giới tính của chúng ta theo cách sống của Chúa Giêsu. Và đó là điều có thể thực hành được, dù chúng ta lập gia đình hay độc thân.
Nếu chúng ta độc thân và khiết tịnh, không rụt rè e sợ người khác, tình dục trong sáng và đầy tình người, thì chúng ta sẽ có dịp tỏ cho thế giới biết, dù họ có cố gắng như thế nào, họ vẫn sống trong cô đơn và đau khổ. Độc thân, nếu sống tốt, có thể đó là một cách đặc biệt để duy trì sức sống, để sống lành mạnh, để khi nói về tình yêu, bộ phận chính trong cơ thể vẫn là quả tim.
Đời sống hôn nhân, nếu sống tốt, cũng có thể nói lên ý nghĩa như vậy. Những người lập gia đình cũng góp phần duy trì bản năng giới tính của Đức Ki-tô nhập thể giống như người độc thân. Trinh khiết của Đức Ki-tô không có mục đích cho rằng lạc thú tình dục ngược lại với đời sống thiêng liêng. Nếu được trân trọng, hướng đến cái đẹp, gắn liền với chung tình thì, tình yêu trong đời sống hôn nhân cũng là một sự trong sáng và cụ thể của nhập thể.
Vì tình yêu của đời sống hôn nhân đặt mối tương quan đúng đắn giữa bản năng giới tính và tình yêu, nó thực hiện sự tiếp nối trong sáng và hóa thể bản năng giới tính của Đức Ki-tô.
Nó không những chỉ giúp duy trì một cách cụ thể quyền lực mà bản năng giới tính mang đến cho cuộc sống, nó còn thách đố một cách mạnh mẽ quan niệm sai lầm cho rằng tình dục, tách biệt với khiết tịnh và cam kết, chỉ có tình dục mới đóng vai trò đáng kể cho hạnh phúc tối hậu và phát triển trọn vẹn con người – hay chẳng ích lợi gì trong việc xây dựng và hoàn thiện nước Trời cả.
Cuộc sống chúng ta sẽ phong phú thêm lên biết bao nếu chúng ta hiểu điều đó!
Nguyễn Kim An dịch
Xin đọc thêm: Bản năng giới tính không phải là chuyện gối chăn