CapMissio nhắm đến giới trẻ!

367

CapMissio nhắm đến giới trẻ!

france-catholique.fr, Antoine Bordier, 2019-03-07

Năm mươi năm sau phong trào Tháng 5-68 (Mai 68) ở Pháp và việc từ bỏ nhiều công trình cho giới trẻ, liệu Giáo hội có đặt ưu tiên lại cho giới trẻ không? Câu trả lời của linh mục René Luc, người thành lập trường CapMissio, một trường truyền giáo của giáo phận Montpellier, nước Pháp.

Cha là tác giả quyển sách bán chạy “Chúa ở trọn tâm hồn” trong đó cha kể tuổi trẻ bi thảm và cuộc trở lại của cha. Xin cha cho biết quá trình của cha?

Linh mục René Luc: Tôi ở miền Camargue và sống tuổi thơ ở Nỵmes, khi nhỏ tôi không biết cha tôi, người lính lê dương Đức, người cha của một đêm. Sau này khi tôi lên 10, mẹ tôi yêu một găng-tơ. Anh chị em tôi sống với nhau, chúng tôi có các cha khác nhau, chúng tôi sống bốn năm trong địa ngục với người găng-tơ này. Ông kết liễu đời mình bằng một phát súng bắn vào tim trước mắt chúng tôi, khi đó tôi 14 tuổi. Tôi đã sống tuổi thơ và tuổi vị thành niên trong thảm kịch và trong bạo lực. Tôi, tôi cũng hung bạo. Ngày 19 tháng 3 năm 1980, tôi gặp mục sư Nicky Cruz ở thành phố Montpellier, ông là cựu găng-tơ của một băng đảng ở New York, ông trở lại và thành một mục sư tin lành nổi tiếng. Khởi đầu hành trình trở lại của tôi: Chúa Giêsu đã đột nhập vào đời tôi, đến những năm tuổi hai mươi, tôi trả lời tiếng gọi của Chúa, và tôi làm linh mục.

Làm thế nào để đến với người trẻ ngày nay trong văn hóa của họ?

Bằng cách làm chứng đời mình, quá trình của mình, trở lại của mình và đức tin của mình. Trong những năm 80, dường như Giáo hội chưa dễ dàng đón nhận các lời chứng. Và các ngày Ngày Thế giới Trẻ đã thay đổi: các bạn trẻ làm chứng việc trở lại của họ. Vào thời điểm đó, ở mức độ của chúng tôi, với ảnh hưởng của môi trường tin lành, chúng tôi thường làm chứng với nhau. Và đó là điều mới mẻ trong một số nhà thờ, trước đây họ thấy “đáng nghi” vì nghĩ làm chứng như thế là làm nổi lên một cá nhân. Nhưng chính Chúa Giêsu, rồi Thánh Phaolô cũng đã làm chứng đời mình. Vào thế kỷ thứ 4, Thánh Âugutinô qua quyển sách Tự Thú, ngài đã làm chứng. Và gần đây Thánh Têrêxa với quyển Câu chuyện của một tâm hồn cũng đã làm chứng. Mục đích của làm chứng không phải là để nói về mình. Nhưng là để nói đến hành động của Chúa trong cuộc sống chúng ta. Như thế chứng từ rất quan trọng đối với các bạn trẻ, những người đặt nhiều câu hỏi và muốn đi tìm một ý nghĩa cho cuộc đời của họ. Và chúng ta phải thêm ở đây một yếu tố: sau văn hóa và làm chứng là tình huynh đệ.

Cha đã làm linh mục từ 25 năm nay, đâu là bí quyết của cha để thu hút các bạn trẻ đến với Giáo hội?

Muốn đến với người trẻ phải làm cho họ tin tưởng, phải áp dụng câu châm ngôn của Thánh Gioan-Phaolô II: Các tông đồ tốt nhất cho người trẻ là chính người trẻ! Ngày nay ở Pháp, Giáo hội có thể mang đến một câu trả lời đích thực cho người trẻ. Với các ngày Ngày Thế giới Trẻ , các sáng kiến, các phát triển nở rộ gấp bội trong những năm 2000. Chẳng hạn chúng tôi đã thành lập trường CapMissio. Nhưng cũng có các phong trào như Anuncio hàng năm tổ chức lễ hội rao giảng Tin Mừng trên các bãi Hérault. Anuncio cũng là nguồn gốc của Đại hội Truyền giáo được ra mắt cách đây bốn năm ở Paris.

Nét đặc biệt nào của trường CapMissio so với hai mươi trường rao giảng Tin Mừng đã có ở Pháp?

Nét đặc biệt của CapMissio là dự án trường truyền giáo của giáo phận mà tôi đã đệ trình lên giám mục Carré, giáo phận Montpellier năm 2013. Điều làm cho ngài và hội đồng giám mục bằng lòng là chiều kích giáo phận của trường. Chúng tôi đang ở năm thứ tư và ngày tựu trường bắt đầu vào tháng 9 sắp tới.

Hiện nay trường có 8 người trẻ trong khả năng có thể đón nhận 12. Họ được học hỏi và làm nhiều sứ mệnh: các chiều thứ tư họ đi dạy thêm cho học sinh ở một trại của Roms (những người thiếu giấy tờ). Các chiều thứ sáu, họ làm việc với nhóm Cứu trợ Công giáo hay cơ quan Từ thiện Vinh Sơn để lo cho người vô gia cư. Còn mục vụ ở bệnh viện, họ đi thăm trẻ em bị bệnh, các người lớn tuổi ở nhà già. Họ có mặt bên cạnh các người trẻ, các học sinh trung học, các sinh viên. Về phần tôi, tôi là linh mục tuyên úy cho sinh viên trường đại học Montpellier. Trong chương trình hợp tác với Giáo hội Đông phương, vào cuối năm học, trong vòng một tháng, các bạn trẻ của chúng tôi làm việc nhân đạo ở một bệnh viện Đất Thánh, Nazarét.

Làm thế nào để cha  quản trị với thế hệ bẩm sinh “kỹ thuật số”, thế hệ sinh ra với Internet, mạng xã hội, điện thoại cầm tay?

Về việc dùng điện thoại cầm tay, chúng tôi đưa ra vài quy tắc nhỏ: các em chỉ có thể dùng trong thời gian tự do, từ 16h đến 18h, không bao giờ được dùng trong cộng đoàn. Còn về mạng xã hội thì Đức Phanxicô đã nói với các bạn trẻ trong ngày Ngày Thế giới Trẻ ở Panama về Mẹ Maria: “Cô thiếu nữ Nadarét thời đó không có mạng xã hội, không phải là người ‘gây ảnh hưởng’, nhưng không tìm cũng không xin, Mẹ Maria lại là người có ảnh hưởng lớn nhất lịch sử.”

Cha nghĩ gì về Giáo hội và tuổi trẻ?

Giáo hội dưới tác động của Thánh Gioan-Phaolô II đã hiểu, muốn nói với người trẻ thì phải để người trẻ nói với nhau và phải đáp ứng cơn khát thiêng liêng của họ. Điều làm cho tôi xúc động sâu xa là khi nghĩ đến Adriana, cô đã huy động các bạn trẻ trong thánh lễ ở Strasbourg, đến Laetitia dấn thân làm việc ở văn phòng sinh viên quốc gia ở Hội đồng giám mục Pháp. Tôi nghĩ đến Jonathan và Xavier đã vào chủng viện. Năm nay là năm lấy đà. Giáo hội nhắm đến các người trẻ càng ngày càng dấn thân hơn! Và giáo phận chúng tôi đã hiểu. Năm nay là năm thứ năm chúng tôi dựng trường truyền giáo. Và đó là điều khích lệ để chúng tôi tiếp tục.

Chứng từ của Clara, 25 tuổi

Năm 22 tuổi, cô Clara quyết định ngưng cao học về thương mãi để đáp trả tiếng gọi của Chúa. Trước khi trở lại, vào những năm từ 15 đến 20 tuổi, cô chao đảo đi tìm Chúa. Cô tóm tắt tiến trình của mình như sau: “Tôi thử mỗi tôn giáo một chút, từ phật giáo, qua khoa học huyền bí, thuật bí truyền… Năm 15 tuổi, tôi bị một căn bệnh hiểm nghèo, tôi phiêu lưu trong nhiều chuyện. Và chuyến phiêu lưu cuối cùng là Giêsu.” Năm 20 tuổi, cô Clara quyết định vào hội tam-điểm. Giờ chót cô không vào khi xem các chứng từ trên YouTube. “Tôi xem chứng từ của một người trong hội tam-điểm trở lại công giáo. Chứng từ này cho tôi biết tôi đã đi sai đường. Tôi bắt đầu lại, sau đó tôi đọc Tân Ước. Tôi nhớ tôi rơi vào đoạn Tin Mừng Thánh Gioan 14-6: ‘Ta là đường, là sự thật, là sự sống.’ Sự thật, đó là điều từ lâu nay tôi đi tìm, lúc đó tôi cảm nhận, trong thân xác tôi, Chúa đã hiện diện trong đáy lòng tôi.”

Clara không tin tưởng một ai. Năm 2015, 6 tháng sau khi trở lại, cô quyết định đi tĩnh tâm lần đầu ở Cộng đoàn Các Mối Phúc Thật ở Nouan-le-Fuzelier. Trong một giấc mơ, cô cảm thấy mình được gọi đến CapMissio, và tháng 9 năm 2018 cô vào đây. “Là người trở lại trẻ, tôi sống hết mình cho Giáo hội. Với tôi, không có hố ngăn cách giữa Giáo hội và người trẻ.”

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: CapMissio dấn thân vì các bạn trẻ

Đáng lý là sếp băng đảng nhưng lại làm linh mục

 Găng-tơ, câu chuyện đời của Linh mục René-Luc