Làm thế nào các nạn nhân chiếm được vị trí của họ ở Vatican

141

Làm thế nào các nạn nhân chiếm được vị trí của họ ở Vatican

la-croix.com, Céline Hoyeau và Gauthier Vaillant, Rôma, 2019-02-24

Tập họp dưới danh hiệu tổ chức quốc tế Chấm dứt bị Giáo sĩ Lạm dụng (Ending Clerical Abuse) các nạn nhân bị lạm dụng tình dục từ khắp nơi trên thế giới có mặt ở Vatican trong kỳ họp thượng đỉnh bảo vệ trẻ vị thành niên.

Nếu đa số không tham dự trực tiếp vào các cuộc trao đổi, họ đã thất vọng nhưng cũng có một số đã đóng vai trò quyết định khi họ đưa ra các lời chứng nhói lòng trước các giám mục.

Đức Hồng y Reinhard Marx nghe lời chứng của ông Jean-Marie Fürbringer, 56 tuổi người Thụy Sĩ, nạn nhân lạm dụng tình dục. / Massimiliano Migliorato/CPP/Ciric

 

Vào chiều ngày 24 tháng 2, ngọn gió quất lạnh giá ở Quảng trường Thánh Phêrô vào chiều chúa nhật đầy nắng, nhưng nếu ông Jean-Marie Fürbringer kêu lạnh thì đúng hơn là do bài phát biểu của Đức Phanxicô. Dưới mắt ông, bài phát biểu của ngài không có gì cụ thể, chỉ “làm rối mù” khi nhắc đến nạn khiêu dâm trên Internet hay du lịch tình dục trên thế giới mà không “trực tiếp nói đến các vấn đề của Giáo hội”.

Ông Fürbringer bị một tu sĩ Dòng Capuxinô lạm dụng khi 11 tuổi, ông là giáo sư vật lý ở Trường Đại học Bách khoa Lausanne, ông nói ông không phải là người chống Vatican nhất trong số hàng trăm nạn nhân từ khắp nơi trên thế giới về Rôma dịp này. Nhưng ông lấy làm tiếc “lập trường của ngài như vậy là sai đối với những người chưa mất hy vọng”.

Các nạn nhân tụ lại dưới biểu ngữ của tổ chức quốc tế “Chấm dứt bị Giáo sĩ Lạm dụng” đã biểu lộ thất vọng của họ trên đường phố Rôma suốt ba ngày họp, họ quyết định không để cuộc họp lịch sử này diễn ra mà không có họ.

Các nạn nhân tuyên bố “không khoan nhượng”

“Không khoan nhượng” là khiếu nại chính của họ. Nếu thuật ngữ này được các giám mục và các hồng y đưa ra, nhưng nó không có cùng ý nghĩa. Đối với các nạn nhân, điều này thật ra rất đơn giản: tất cả linh mục, giám mục đã bao che các vụ lạm dụng đều phải bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ. Vậy mà “bây giờ, trên thế giới, nếu một linh mục bị lên án lạm dụng trẻ em, linh mục đó không nhất thiết phải bị trục xuất khỏi sứ vụ. Đó là chuyện không thể tưởng tượng”, ông Peter Isely giận dữ khi ngày thứ năm 21 tháng 2, ông khám phá thấy 21 khuyến nghị của Đức Phanxicô không thấy ghi trên giấy trắng mực đen biện pháp này. Một điểm mà ông, người đồng sáng lập Snap, tổ chức chính của các nạn nhân người Mỹ cũng như cho nhiều người khác, cũng không thấy bất kỳ đề xuất nào khác về chủ đề này. “Chúng ta không thể xây dựng bất cứ điều gì một lần nữa mà trước hết không thiết lập nền tảng này.”

Các nạn nhân chưa được thấm nhập đầy đủ vào cuộc họp thượng đỉnh

Một lý do chính khác để họ thất vọng là dù tất cả những gì đã làm, họ vẫn ở bên lề cuộc họp thượng đỉnh. Ông Jean-Marie Fürbringer ngạc nhiên: “Tôi không hiểu tại sao chúng tôi không có một vị trí cố định trong suy nghĩ của các giám mục. Như thế sẽ tiết kiệm thời gian: Tôi đã thấy nó hiệu quả như thế nào ở Thụy Sĩ, chúng tôi có một ủy ban ba bên, chính quyền dân sự, các nạn nhân và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Chúng tôi không còn là những đứa con nít”.

Trong suốt thời gian họp, các nạn nhân đã cầm cây thánh giá lớn đi chung quanh Vatican, họ tuyên bố với báo chí và các câu khẩu hiệu của họ: “Chúng tôi không muốn có thêm lời hứa, chúng tôi một các sự việc”, “Công lý dân sự cho tất cả”. Trong số các nạn nhân đến từ khắp nơi trên thế giới, rất nhiều người nói họ vẫn còn đức tin và nét đa dạng của nguồn gốc chứng minh cho thấy “tai họa này là tai họa toàn cầu, họ đã có các lời chứng đau lòng. 

Các nỗi kinh hoàng đều tương tự, từ Canada cho đến Congo

Một anh nạn nhân trẻ người Ý bị lạm dụng khi 11 tuổi, anh vừa khóc vừa giải thích “trong suốt đời tôi, tất cả, tất cả đều nhắc tôi nhớ lại những gì tôi đã phải chịu đựng”. Bà Evelyn Korkmaz, người bản địa Canada, cựu nội trú sinh ở trường Thánh Anna dành cho người bản địa ở bang Ontario, bà cho biết mình bị lạm dụng cả “thể xác, tinh thần và tình dục”, bà bị bứng ra khỏi văn hóa gốc của mình.

Và còn anh Benjamin Kitobo, người Congo, nạn nhân duy nhất đến từ Phi châu. Anh cho biết mình bị hiếp khi ở tiểu chủng viện Kanzenze thuộc giáo phận Kolwezi và bị giám mục thời đó đuổi ra khỏi chủng viện khi anh báo cho giám mục biết những gì anh đã chịu. Anh lấy làm tiếc, “ở Phi châu khi chúng tôi nói lên, người ta lên án chúng tôi làm bẩn Giáo hội. Người ta nói không có vấn đề gì ở đó“, bằng sự hiện diện của mình, anh đến đây để chứng minh điều ngược lại. Trên thực tế, chỉ một thời gian ngắn trước cuộc họp thượng đỉnh, nhiều chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi châu đã đưa ra lời bình luận kiểu trên.

Tuy nhiên tất cả các nạn nhân không ở bên lề cuộc họp thượng đỉnh. Nhiều người muốn giữ ẩn danh, họ đã được mời để nói lên lời chứng của mình trước các giám mục. Các lời chứng nhói lòng đã đánh động mạnh đến các người tham dự và đã làm thay đổi tinh thần của họ. Ý thức mạnh về vấn đề này, các nạn nhân quyết tâm “tiếp tục duy trì áp lực”. Dưới mắt họ đây là điều kiện duy nhất để tình trạng được tiến triển.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Tại Vatican, bốn ngày họp thượng đỉnh đã “thay đổi” các giám mục