Đức Phanxicô, nhà ngoại giao đích thực cuối cùng

349

Đức Phanxicô, nhà ngoại giao đích thực cuối cùng

lexpress.fr, Christian Makarian, 2019-02-04

Thái tử Thừa kế của Abu-Dhabi, lãnh tụ hồi giáo Mohammed ben Zayed al-Nahyane đón Đức Phanxicô ở phi trường Abu-Dhabi ngày 3 tháng 2-2019, afp.com/Andrew Medichini

Khi đi thăm Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất, nhà lãnh đạo công giáo tiếp tục đặt cược bằng đối thoại. Rủi ro và can đảm.

Đức Phanxicô vừa thực hiện chuyến đi đến Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất từ ngày 3 đến 5 tháng 2-2019, đàng sau đặc tính chưa từng thấy, có tính cách lịch sử và ngoạn mục này ẩn giấu một chiến lược sâu xa, vừa tìm cách phá thế cô lập của kitô giáo, vừa thúc đẩy sự phát triển của hồi giáo theo hướng hiện đại. Trên thực tế, các mối quan hệ tinh tế được duy trì bởi vị lãnh đạo công giáo với hồi giáo được thấy ở hai cấp độ; một được diễn ra giữa ánh sáng, một diễn ra trong bóng tối. 

Tham vọng của nhà kiến tạo hòa bình

Quyết định đi Abu-Dhabi không tình cờ: thủ đô Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất là thủ đô gần nhất với vương quốc Ả rập Wahhabi, cả về địa lý và về liên minh với Ryad. Thậm chí người ta thường có thói quen đưa lại gần nhau hai số phận của Mohammed Ben Salman, Thái tử thừa kế sôi sục và hỗn độn của Ả-rập Xê-út và Mohammed Ben Zayed, Thái tử thừa kế và bộ trưởng Quốc phòng của Abu-Dhabi (tiểu vương quốc giàu nhất trong bảy tiểu vương quốc Ả rập), muốn cấp bách đưa đất nước mình kịp với thế kỷ 21 qua các phương tiện tập trung hóa mọi thế lực.

Nói cách khác, để gây ảnh hưởng hay đơn giản là thể hiện qua sự hiện diện ở Abu-Dhabi, thực chất là để tạo tiếng vang trực tiếp ở Ả rập, một quốc gia trị vì trên hai thánh địa chính của tất cả hồi giáo. Tuy nhiên ngược với vương quốc Wahhabit, tiểu vương quốc nhỏ bé và giàu có này cho phép việc xây dựng các nhà thờ, (có 9 cơ sở công giáo trên tổng cộng 76 cơ sở kitô giáo), để cho người công giáo tự do giữ đạo với điều kiện họ ở trong khuôn viên thờ phượng (có khoảng một triệu giáo dân, đa số là tín hữu Ấn Độ và Phi Luật Tân) và họ tỏ ra cứng rắn với tổ chức Huynh đệ hồi giáo hơn là với tổ chức Huynh đệ của các trường phái kitô giáo.

Vì vậy đây là một quốc gia lý tưởng cho “thông điệp hòa bình” mà Đức Giáo hoàng muốn mang đến cho vùng Vịnh Ba Tư, tâm điểm của một xung đột tay ba giữa Ả rập sunnit và người Iran chiit, giữa người sunnit của vùng bán đảo Ả rập và phiến quân chiit của Yemen, giữa những người ủng hộ một xã hội truyền thống mà tôn giáo ở trong tay những người thừa kế và những người ủng hộ một Hồi giáo biến thành học thuyết chính trị (hay còn gọi là chủ thuyết Hồi giáo, Islamisme). Trung thành với con đường của mình, Đức Giáo hoàng đến trọng tâm của các xung đột, ngài không giữ khoảng cách, như ngài đã từng làm với người di dân ở Địa Trung Hải hay với người Rohingya ở Á châu.

Như vậy để tố cáo các tội ác mà đa số người dân Yemen là nạn nhân, tốt hơn là đến đồng minh chính của Ả-rập Xê-út để bày tỏ sự không tán thành nhà cầm quyền Ryad, đặc biệt họ đóng cửa không đối thoại về vấn đề này. Chắc chắn Đức Phanxicô không có ảo tưởng nhưng muốn thực hiện tham vọng nghệ nhân hòa bình của mình, theo câu của Thánh Phanxicô Axixi, “Xin cho con là khí cụ bình an”. 

Một loại quan hệ đôi tác chiến lược

Một khía cạnh khác kín đáo hơn trong hành động của ngài, nhưng không kém phần quan trọng. Người mà các đối thủ hung dữ nhất gọi mình là “giáo hoàng hồi giáo”, người đó thực sự đi một con đường rất tế nhị – và gây tranh cãi -, con đường đã dẫn ngài đến Ai Cập, đến Azerbaidjan (cốt để “quân bình” chuyến đi của ngài trước đây ở Armenia), ở Bangladesh (nơi ngài ủng hộ các người tị nạn hồi giáo Rohingya bị người phật tử cực đoan bách hại) và ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo hoàng muốn mình là nhà ngoại giao của tiếp xúc trực tiếp: ngài tái tạo lại một kitô giáo hành động vị lợi ích cho con người, một khía cạnh mà các cường quốc phương Tây đã bỏ từ lâu (nước Mỹ ủng hộ Ả-rập Xê-út gần như vô điều kiện trong hành động quân sự thảm khốc của họ với Yemen).

Chính vì để tham dự “Hội nghị thế giới về Tình huynh đệ nhân loại” do hội đồng Kỳ lão hồi giáo tổ chức mà Đức Phanxicô đến Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất. Và ngài đến tham dự cũng là theo lời mời của lãnh tụ hồi giáo Ahmed Al Tayeb, viện trưởng viện đại học Al-Azhar của Ai Cập, người mà cách đây vài năm ngài đã xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược; đây là lần thứ năm hai người gặp nhau. Nhìn dưới khía cạnh này, việc Đức Giám mục giáo phận Rôma đến biên giới các khu vực xung đột nhất thế giới mang một nhiệm vụ táo bạo, gây ra nhiều phản đối trong thế giới công giáo thuần chất và dĩ nhiên cũng để thu hẹp hố ngăn cách do những người hồi giáo tạo ra. Đức Phanxicô đã đặt cược, ngài bước qua các rào cản bằng đối thoại và bắt tay: có lẽ ngài là một trong các nhà ngoại giao đích thực cuối cùng của thế giới hiện nay.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch