Phong trào hướng đạo, trường học của thánh thiện

655
Phong trào hướng đạo, trường học của thánh thiện
famillechretienne.fr, Charles-Henri d’Andigné, 2013-10-28
“Với các buổi xưng tội, các lần đi hành hương, phong trào hướng đạo đã giúp tôi có đời sống thiêng liêng sâu đậm và đích thực” © P.Lissac-Godong
Các tác giả của 250 câu trả lời về phong trào hướng đạo (250 réponses à vos questions sur le scoutisme) đề cao tinh thần giáo dục và phúc âm hóa đầy tương lai của phong trào hướng đạo.
Phong trào hướng đạo là gì?
Bruno Rondet:Theo Đức Bênêđictô XVI, nếu sống đúng theo tinh thần hướng đạo thì phong trào hướng đạo là “nơi không những tăng trưởng về nhân bản mà còn là nơi đưa ra một tinh thần kitô giáo mạnh mẽ […] cũng như một con đường thánh thiện đích thực”. Đúng vậy, phong trào hướng đạo không đơn thuần là nhà giữ trẻ!
Linh mục Hervé Tabourin: Theo Huân tước Baden Powell, phong trào hướng đạo là con đường giáo dục. Theo Linh mục Dòng Tên Jacques Sevin, người đã đưa phong trào hướng đạo vào Pháp và đã công giáo hóa phong trào thì phong trào hướng đạo cũng là một con đường thánh thiện.
Bruno Rondet: Linh mục Jacques Sevin đã thêm hai chuyện vào phong trào hướng đạo gốc: con đường nhỏ của Thánh Têrêxa Hài đồng và tình yêu của thánh nữ với Thánh tâm Chúa Giêsu như đã được thấy ở Paray-le-Monial. Huân tước Baden Powell là tín hữu Anh giáo có đức tin rất sâu đậm. Trước khi rời quân đội để hiến mình cho tuổi trẻ, ông đã cầu nguyện rất nhiều. Là người Anh, ông rất thực tiễn và nhận thấy cần phải chăm sóc cho tuổi trẻ của nước mình. Mục đích của ông là tạo một nơi giáo dục bên ngoài học đường. Ông có một người mẹ đáng ngưỡng phục, bà để ông tự do hành động.
Triết lý của Huân tước Baden Powell là, qua kinh nghiệm, qua tiếp xúc với thiên nhiên, tuổi trẻ đến gần với Tạo dựng và với Thiên Chúa.
Linh mục Hervé Tabourin: Linh mục Sevin không có gì để làm khác hơn là công giáo hóa phương pháp của mình cũng như Giáo hội đã làm như vậy với phong trào hiệp sĩ thời Trung cổ. Nơi Linh mục Sevin và Huân tước baden Powell, quy chiếu hướng đạo với tinh thần hiệp sĩ là chuyện đương nhiên. Trong quyển sách Hướng đạo cho trẻ em của mình, Huân tước Baden Powell muốn làm cho các người trẻ thành các hiệp sĩ rừng xanh.
Ở điểm nào là con đường thánh thiện trong phong trào hướng đạo?
Bruno Rondet: phong trào hướng đạo là sự giáo dục bổ túc cho giáo dục gia đình trên đường dài. Khi thành sói ở 8 tuổi, thanh ở 12 tuổi, kha ở 17 tuổi, tráng ở 20 tuổi thì các em có các cam kết rất rõ ràng, đặc biệt qua lời hứa hướng đạo. Người hướng đạo sinh tốt luôn là người phục vụ suốt đời. Họ luôn làm nhiều hơn, cao hơn và tốt hơn.
Huân tước Baden Powell đã xây dựng tinh thần cam kết hướng đạo như một nghĩa vụ vinh dự. Theo lời hứa của Baden Powell, “Với danh dự của tôi, tôi cam kết phục vụ…” Linh mục Sevin thêm vào “và nhờ ơn Chúa”. Ngài đã học điều này ở Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Vừa đơn sơ và vừa quan trọng. Phong trào hướng đạo là một cam kết, một chủ đích, một la bàn cho suốt cả đời.
Linh mục Hervé Tabourin: Các sói sinh nói “Theo sự tốt nhất của chúng tôi” rất gần với tinh thần trọn hảo của các tu sĩ. “Hướng đạo suốt đời” là con đường vạch ra cho trọn cuộc sống.
Chúng ta không là cựu hướng đạo sinh theo nghĩa của một hoài niệm, nhưng hướng đạo sinh suốt đới. Tinh thần này là tinh thần của nhà dòng, linh mục Jacques Sevin hẳn đã có trực giác về vấn đề này.
Trại hướng đạo là điểm chính của hướng đạo?
Bruno Rondet: Huân tước Baden Powell đã nghĩ như thế, ông muốn đưa người trẻ ra khỏi thành phố để cắm trại, sống ở đồng quê để tiếp xúc với thiên nhiên.
Ngày nay điều này lại thành quan trọng hơn. Thế hệ trẻ ngày nay không còn hiểu thế nào là thực tế, với điện thoại cầm tay, với máy bảng, Internet v.v. Đem trẻ em vào rừng để tập cho các em nhóm lửa, dựng trại, ăn thức ăn tự nấu lấy, đó là trở về với thực tại. Điều cần thiết ở thế kỷ 19 thì lại thành điều khẩn cấp ở thế kỷ 21.
Hướng đạo sinh làm gì ở trại hướng đạo?
Bruno Ronde: Có rất nhiều sinh hoạt, trò chơi, đi bộ, lửa trại. Các em ca hát rất nhiều. Có những nhu cầu cơ bản và những nhu cầu cao hơn. Đó là điều phong trào hướng đạo bổ túc và phong trào hướng đạo công giáo còn bổ túc nhiều hơn qua sự chiêm ngắm. Không phải lãng mạn chiêm ngắm thiên nhiên, nhưng chiêm ngắm nét đẹp và tầm cao cả của Chúa trong công trình Tạo dựng của Ngài. Vì Tạo dựng nói về Chúa. Huân tước Baden Powell nêu bật việc tiếp xúc với thiên nhiên là vì vậy. Suốt đời mình, ông ngưỡng phục sự cao cả của Chúa và ca ngợi Chúa ở mọi nơi.
Linh mục Hervé Tabourin: Một trong các điều tài tình của phong trào hướng đạo là siêu nhiên, theo cách diễn tả của Huân tước Baden Powell thì siêu nhiên không hệ ở bộ áo ngày chúa nhật nhưng được triển nở như một cái gì tự nhiên. Đứng trước một cảnh đẹp, con người thường nảy sinh ra tâm tình chiêm ngắm. Khi chúng ta ngắm một bức tranh, chúng ta ngắm công trình này qua tác giả.
Một cách chung chung, phong trào hướng đạo là một phương tiện để ca tụng cái đẹp dưới mọi hình thức. Huân tước Baden Powell và Linh mục Jacques Sevin là nghệ sĩ, họ có ưu tư này. Phong trào hướng đạo có âm nhạc trong máu, nhất là dưới ảnh hưởng của Linh mục Doncœur (1880-1961) người đã phát triển các ca đoàn trước thời chiến tranh.
Theo các ông, phong trào hướng đạo vẫn còn hợp thời?
Linh mục Hervé Tabourin và Bruno Rondet: Ngày nay phong trào hướng đạo ngày càng hợp thời hơn. Chúng tôi nghĩ, sau thời khủng hoảng tăng trưởng của mình, phong trào hướng đạo sẽ đi vào tuổi chín chắn. Nó sẽ đóng góp để có một sức khỏe quân bình, mang đến cá tính, tinh thần phục vụ, tinh thần tâm linh. Chưa bao giờ các mục đích của phong trào hướng đạo mang tính thời sự như bây giờ!

Các tên rừng có là điều cấm kỵ?
Đặt tên rừng là một truyền thống xưa cổ của hướng đạo. Giáo sư François-Xavier Nève khoa ngôn ngữ của Viện Đại học Liège, nước Bỉ giải thích: “Người ta đặt tên các súc vật phù theo đức tính hoặc có thì tùy theo những khiếm khuyết nhỏ của hướng đạo sinh, kèm theo một tính từ; điều này cũng có thể là một lời chúc, một loại dự án cho cuộc sống, để đương sự lấy đó làm gương mẫu, một đức tính để tập luyện. Chung chung là một phác họa khôi hài làm suy nghĩ và có thể mang đến rất nhiều điều tốt.
Ông Bruno Rondet đưa ra một bất trắc khi vật tổ hóa (totem), đó là tạo một thứ trật song song có thể làm cho đời sống của các trưởng trở nên phức tạp, và chính Huân tước Baden Powell cũng chỉ trích cách làm này. Linh mục Hervé Tabourin giải thích: “Tất cả trẻ vị thành niên đều cần nghi thức vượt qua”.
Giáo sư François-Xavier Nève cho biết, vật tổ hóa cũng là một điều hay, nhưng tôi cực lực phản đối việc vật tổ hóa có các thử thách nguy hiểm và không đúng cách. Nó có thể trở thành vô ích và đi xa tinh thần vật tổ hóa”. Nhưng tên rừng của giáo sư François-Xavier Nève là gì? “Babiroussa ống loa”. Thật buồn cười!

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch