Bỏ trốn và ở tù

190

Bỏ trốn và ở tù

Trích sách Chúa ở trọn tâm hồn, René-Luc, nxb. Presses de la renaissance

Mùa xuân năm 1978. Tôi vừa lên mười hai tuổi. Vì không có các anh tôi, mẹ tôi càng ngày càng dựa vào tôi. Bây giờ tôi đóng vai người anh cả và người tâm sự của bà.

Tôi không “cool” mấy với hai em gái tôi. Thỉnh thoảng tôi rất hung hăng. Có một buổi chiều, tôi rất giận Galinette, tôi tát em một bạt tai. Tôi tát mạnh, quá mạnh. Ngày hôm sau em thức dậy bầm mặt. Tôi đang trở thành người mà tôi ghét đây chăng?

Buổi chiều hôm đó, Martial gọi tôi:

– René-Luc, lên đây!

Ông chờ tôi ở bếp. Tôi đến gần. Ông tát tôi một cái trời giáng văng từ bên này qua bên kia. Ông nghiêm khắc nhìn tôi:

– Để dạy cho con một bài học như thế nào là đánh em!

Đó là bài học hay nhất! Ông đánh mẹ tôi bất cứ lúc nào ông muốn, còn tôi, đây là lần đầu tiên tôi đánh em tôi!

Nhưng bây giờ đây lại là chuyện duy nhất tôi biết ơn ông: dù ông không dạy tôi bằng gương, Martial đã chận để tôi không rơi vào con đường hung dữ, ít nhất là với các em tôi.

Hố ngăn cách giữa ông và tôi ngày càng sâu. Mẹ tôi nói với tôi, bà không chịu đựng được ông nữa. Bà nghĩ đến chuyện ra đi. Chính xác là bỏ trốn. Ông sỉ vả bà, càng ngày ông càng đánh bà nhiều hơn. Một buổi chiều, tôi nghe một tiếng hét, rồi tôi không nghe gì nữa. Bình yên lại. Đây là chuyện không bình thường vì cuộc cãi vã chấm dứt nhanh. Tôi đi ngủ, tôi không nghi ngờ gì.

Sáng hôm sau tôi thấy mẹ tôi tay ôm bụng đi ra khỏi nhà. Martial đi theo bà, bình thường ông hiếm khi ra khỏi nhà ban ngày.

Mẹ tôi cố gắng cười với tôi:

– Lulu, con trông hai em giùm mẹ, mẹ bị thương khi làm bếp tối hôm qua, bây giờ mẹ đi bệnh viện, không sao đâu con.

Sau này tôi mới biết là không phải như vậy. Hai người cãi vả khi Martial đang làm bếp. Ông có con dao trong tay. Và con dao đâm vào bụng mẹ tôi. May là không đụng vào chỗ hiểm. Nhưng hôm nay là con dao. Ngày mai là cái gì đây?

* * *

Mấy ngày sau đó, mẹ tôi quyết định bỏ trốn. Bỏ trốn lúc này không phải là vấn đề lớn với việc học vì chúng tôi sắp nghỉ hè. Tôi là người để mẹ tâm sự. Mẹ cho tôi biết bà rất lo vì không biết trước được phản ứng của Martial. Mẹ nói với tôi:

– Phải đi trước khi ông biết.

Ban đêm chúng tôi chuẩn bị mỗi người một xắc đựng đồ đạc tối thiểu nhất. Sáng sớm hôm sau, mẹ tôi kêu taxi, xe đậu trước cửa. Martial còn ngủ.

Mỗi người một xắc, chúng tôi kín đáo ra cửa. Mẹ tôi đưa hai em vào xe, bà kêu tôi đi lấy cái xắc cuối cùng bà để trước cửa. Tôi chạy như bay đi lấy, khi tôi cầm cái xắc thì tôi run bần bật. Martial đang ở đó, ông làm tôi hết hồn. Lúc đó tôi nghĩ ông sẽ đánh tôi, ông sẽ làm một cái gì đó, tôi lặng người. Nhưng không có gì, ông đóng sầm cửa lại. Hoảng vía, tôi lượm cái xắc và chạy đến xe taxi. Chúng tôi đi không quay lại. Có thể ông khựng lại vì ông sợ người tài xế taxi chăng?

* * *

Mẹ tôi tìm một căn nhà nhỏ để thuê ở Nîmes. Căn nhà không ở mặt tiền mà ở khuất đàng sau một vườn hoa. Chúng tôi nghĩ mình đã ở chỗ khuất, nhưng Martial tìm ra dễ dàng. Nếu không phải dễ với một người trốn cảnh sát, thì cũng không phải dễ với một bà mẹ đi trốn với năm đứa con.

Nhưng những ngày sau khi “tìm lại nhau” thì Martial bị bắt trong một lần kiểm soát lưu thông và ông bị tù. Trong thời gian đầu tôi nghĩ, thế là hết, mình sẽ được yên. Rồi tôi tự hỏi: “Đến khi ông ra tù thì sao? Chẳng lẽ mình lại sống như trước?” Dĩ nhiên mẹ tôi phải giải quyết vấn đề này. Mẹ tôi không may trên đường tình nhưng bà lại có một quả tim yêu người vô biên, bà luôn sẵn sàng giúp đỡ những người khốn cùng, những người đau khổ. Sự đau khổ không làm cho một số người đối xử tốt với người chung quanh, nhưng ở một số người khác, sự đau khổ lại khơi lên dòng sông trắc ẩn, dòng sông này không ngừng chảy. Mẹ tôi thuộc thể loại thứ hai này.

– Lulu, mẹ nghĩ mình không nên để mặc Martial trong tù, ông cần đến chúng ta. Con sẽ thấy, rồi khi ra tù ông sẽ biết ơn mình, và ông sẽ thay đổi hoàn toàn! Con đồng ý mình đi thăm ông không?

Tôi suy nghĩ một chút. Điều mẹ nói có vẻ hợp lý: “Martial sẽ cảm động khi mình không bỏ ông. Khi ông ra tù ông sẽ dễ thương như thời gian đầu khi ông dắt tôi đi nhặt cải xoong hay đi câu. Ông đã trả nợ xã hội, ông sẽ đi làm bình thường và không có lý do gì để ông uống rượu hay hung dữ nữa.”

– Được mẹ ạ, con đồng ý.

Tôi còn nhớ như in lần đầu đi thăm ở nhà tù Nîmes. Trời tháng 8 năm 1978 rất nóng. Chúng tôi chờ ngoài nắng trước khi được vào. Không có một bóng cây che nắng nào. Chúng tôi khoảng ba chục người chờ phòng khách mở cửa. Thăm viếng bắt đầu từ 14 giờ. Trước giờ thăm, một người canh tù xuống sân. Mọi người chen nhau bám vào song sắt. Ông ở phía bên kia. Ông thu may rủi mười thẻ căn cước, đó là mười người đầu tiên. Những người khác phải chờ thêm một đến hai giờ ngoài nắng. Vì sao họ không lên chương trình như ở các tổ chức khác? Có thể ban giám đốc nhà tù không nghĩ các gia đình tù nhân này có thể giữ đúng giờ chăng. Mẹ tôi đã đến trước, bà biết hệ thống này.

– Lulu, con cầm hai thẻ này và con bám vào thanh sắt, con sẽ thấy mình sẽ được thăm đầu tiên.

Bà nói đúng. Khi người cai tù thấy cái đầu tóc vàng của đứa bé mười hai tuổi, cánh tay giang ra, miệng nở nụ cười giả tạo nhưng tôn trọng, hai con mắt van xin làm cho băng đá cũng phải tan thì ông lấy hai thẻ của tôi.

Cứ mỗi chuyến thăm, tôi lại lặp lại bổn cũ và chúng tôi luôn là người thăm đầu. Tôi học cách che giấu. Mỗi lần như vậy tôi tự hào như thử tôi thắng một trò chơi. Nhưng cùng lúc, tôi thấy nhục nhã, tôi thấy mình như con thú trong sở thú. Người canh tù thật ra cũng vui với chúng tôi, ông vui thấy chúng tôi bám vào thanh sắt, chờ vào thiện tâm của ông: một ân huệ nhỏ, một giấy khen đàng sau song sắt.

Khi tôi đi qua trước các người canh tù, trong bụng tôi chửi bới họ với tất cả các tên loài chim mà tôi biết. Đúng là một tổ chim linh!

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Gia đình gãy đổ

Băng nhóm của làng

Martial

Hạnh phúc bay theo mây khói

Thức ăn của chó

Anh em khác cha khác mẹ?

Cha vô danh