“Các lạm dụng tình dục thường phát sinh từ một quan hệ khởi đầu là thiêng liêng”
Nữ tu Geneviève Médevielle, Giáo sư luân lý thần học tại Viện Công giáo Paris.
la-croix.com, Christophe de Galzain, 2019-01-17
Từ nhiều năm nay, nhà nữ thần học Geneviève Médevielle tháp tùng một số nữ nạn nhân bị các linh mục lạm dụng.
Giáo sư có ngạc nhiên với chứng từ của các nữ tu nạn nhân các vụ lạm dụng ở Giáo hội Phi châu không?
Nữ tu Geneviève Médevielle: Thật sự mà nói thì không. Đáng tiếc là các nhà luân lý và các nữ tháp tùng viên đã biết thực tế này từ lâu và bây giờ chuyện này mới được đưa ra ánh sáng. Và cũng không đúng nếu chỉ nhấn mạnh chuyện này duy nhất chỉ xảy ra ở Phi châu, Chi-lê, Ấn Độ, Phi Luật Tân… Theo riêng tôi biết, tôi thấy có nhiều phụ nữ lớn tuổi hơn tôi, họ từng bị các linh mục lạm dụng khi họ còn trẻ, chính ngay ở đây, ở lục địa Âu châu cổ của chúng ta. Các nữ tu trẻ gần đây hơn thì trong những năm 1980, khi có phong trào các tân cộng đoàn bùng lên, liên hệ đến hoặc phong trào canh tân đặc sủng hoặc các phong trào truyền thống hơn. Sự suy thoái phổ biến là sự thiếu phản ảnh về mặt nhân học, xã hội học và phân tâm học. Chúng ta đã không suy nghĩ đủ khi trong các cộng đoàn đặc sủng đã để đàn ông, đàn bà sống chung với nhau, trong khi đời sống dòng tu đã tách họ ra từ 2000 năm nay. Còn đối với các cộng đoàn gắn với truyền thống, một lớp học về đức khiết tịnh theo ngày xưa là đủ để giải quyết vấn đề.
Làm thế nào để giải thích cơ chế dẫn đến các lạm dụng này?
Một nữ tu trẻ trong tình cảnh mong manh. Với tấm lòng nhiệt thành muốn tận hiến hoàn toàn cho Chúa, trong ưu tư được hoàn hảo, nữ tu đó lý tưởng hóa đức vâng lời mà họ được dạy phải đặt đời sống mình vào tay người khác. Các nữ tu hướng dẫn tập sinh có kinh nghiệm dày dạn sẽ làm tất cả để nữ tu trẻ này được tự lập. Nhưng nếu nữ tu trẻ này không gặp những người giúp họ sống kinh nghiệm của một đức vâng lời trong tự do, thì tất cả các trường hợp chi phối tâm lý, cũng như rơi vào các trạng thái tình dục đồi trụy đều có thể.
Các lạm dụng tình dục của các nữ tu bởi các linh mục đa số ở trong quan hệ mà khởi đầu có tính cách thiêng liêng. Bởi vì người đó là cha tuyên úy, là cha giải tội, là giám mục… Khi một cha giải tội đến giảng tĩnh tâm cho một cộng đoàn, cha đó có thể dùng sức quyến rũ trí tuệ, thiêng liêng, nhất là trên những người trẻ chưa được đào tạo kỹ lưỡng. Chủ yếu trước hết là họ bị chi phối về mặt tâm lý hay thiêng liêng.
Người nữ tu trẻ sẽ lý tưởng hóa linh mục được giao làm người tháp tùng thiêng liêng cho mình. Nếu nữ tu này rơi vào tay của người săn mồi thì ông sẽ tận dụng tốt nhất mối quan hệ tâm linh để biến nữ tu này thành con mồi tình dục. Ông sẽ làm cho nữ tu này hiểu cô không xinh đẹp, cũng không thông minh, không hấp dẫn. Khi đó nữ tu này sẽ tự nhủ, có thể mình không phải là đối tượng ham muốn, và nếu không phải như vậy thì đây là trách nhiệm của mình… Người đồi trụy sẽ đổi ngược chu trình và gợi ý cho nạn nhân biết chính cô là người chịu trách nhiệm.
Tại sao tai họa này vẫn còn ít được biết đến?
Vì phụ nữ không nói lên vấn đề này một cách dễ dàng. Để nhận thức được mình bị lợi dụng là một tiến trình khó khăn và thường phải nhờ đến khoa phân tâm. Nói lên là phải đi qua cả một quảng đời đen tối, nhất là khi người đi lạm dụng lại đổ trách nhiệm lên nạn nhân. Một số nữ nạn nhân lại cảm thấy có lạc thú. Và về mặt trí tuệ, đó là sự nhầm lẫn vì người ta đi tìm phần trách nhiệm mà không thấy rằng đó là do thể chế thiếu thận trọng.
Giáo hội đang làm gì và phải làm gì để ngăn chặn sự lạm dụng này?
Cho đến giờ phút này, chúng ta đang ở giai đoạn chết lặng về các tiết lộ này. Đào tạo là cần thiết trong các nhà tập, trong chủng viện nơi các môn học nhân văn phải được nhấn mạnh hơn. Chúng ta cũng phải nói, về mặt đạo đức tình dục phải làm thế nào để có sự trưởng thành về mặt tâm lý trong cuộc sống.
Đó cũng là trách nhiệm của các nhà nữ đào tạo, các bề trên dòng nữ, biết mình giao các nữ tu của mình vào tay ai, không ngây ngô trước các hiện tượng tán tỉnh của các linh mục này. Các ngôi sao lớn trong Giáo hội cho thấy họ là những kẻ đi săn mồi. Chúng ta hãy xem lại thần học của dân Chúa trong Công đồng Vatican II, vấn đề này chưa được phát triển đủ. Đức Giáo hoàng cũng đã tố cáo nạn giáo quyền và đòi hỏi chúng ta phải thay đổi hình ảnh của linh mục, đem hình ảnh này ra khỏi sổ đăng ký thiêng liêng. Một điều thiêng liêng, như trong các tôn giáo xưa, đến từ một nơi nào khác và làm cho chúng ta sợ. Linh mục là người tận hiến đời sống mình cho sự hiệp thông của cộng đoàn kitô, nhưng linh mục cũng là người như chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch