Dụ ngôn lò sưởi hay Chúa quá nhân lành, vì sao lại có đau khổ?
Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon
Tháng 11 năm 1979, cha ghẻ của tôi tự tử trước mặt tôi, ông bắn một phát vào ngực. Ngày hôm sau, tôi ngã gục. Tôi than phiền với mẹ tôi:
– Mẹ, mẹ không thấy chuyện đó đối với con là ghê gớm lắm sao?
Mẹ tôi nhìn thẳng vào mắt tôi, bà nói:
– Con thấy như thế là ghê gớm? Con nghĩ đến các em bé trong chiến tranh Việt Nam đã chứng kiến cả gia đình mình chết dưới bom đạn, để rồi em chỉ còn một mình trên đời, không còn ai… Con đã sống như thế nào bên cạnh các em này?
Câu trả lời của bà làm tôi không nói gì được. Bức hình nổi tiếng của Kim Phúc trần truồng chạy dưới làn bom napalm đến trong đầu tôi. Thật tội nghiệp cho em bé! Đúng, tôi không có quyền than phiền! Phải nghiến răng lại, phải tiếp tục sống, tôi phải chấp nhận số phận của mình.
Vài tháng sau, tôi trải qua một kinh nghiệm thiêng liêng sâu đậm, tôi bắt đầu gắn kết với Chúa Kitô. Đời tôi thay đổi tận căn và tôi không còn đau khổ như trước, dù đau khổ đó vẫn còn trong đời của tôi. Các biến cố này không thể nào không có tác động trong suốt đời tôi, cả về mặt cá nhân cũng như gia đình.
Có những cơn đau về thể xác, những cơn đau bình thường và cũng có những cơn đau do cơ thể suy yếu, nhưng cũng có cơn đau do tai nạn trong cuộc đời, như tai nạn môtô trầm trọng của tôi năm 2012, tôi bị vỡ xương chậu và một dây thần kinh bị kẹt dọc chân trái.
Và cũng có những cơn đau đặc biệt của những người tận hiến cho sứ mạng mà chúng ta có thể gọi là “đau khổ tông đồ” liên hệ đến việc rao giảng Tin Mừng qua truyền thông: ghen tương, thiếu thông cảm, chỉ trích…
Đúng, nhưng cũng ngược đời vì đối với nhiều người, đau khổ là con đường kết hiệp với Chúa. Thánh Bernadette Soubirous đã bị hen suyễn kinh niên do bị nhiễm trong thời có bệnh dịch tả và chết năm 34 tuổi vì bệnh ho lao. Thánh Têrêxa Lisiơ cũng chết vì ho lao năm 24 tuổi. Gần chúng ta, những năm cuối đời của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, người chuộng thể thao, lại bị căn bệnh liệt cơ làm liệt một nửa khuôn mặt. Sự đau khổ kết hiệp với sự Thương Khó của Chúa Kitô như lò nung, nung một không gian yêu thương lớn hơn trong lòng chúng ta. Nó làm tương đối hóa mọi sự, đưa chúng ta về điều thiết yếu, và từ sự đau khổ này, Chúa mới rút ra điều tốt, vì: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).
Trong số các thánh chịu đau khổ, có một người lạ thường, đó là chân phước Marthe Robin. Ngày 7 tháng 2 năm 1981, tôi may mắn được ở bên giường chết của chân phước. Bà bị bệnh từ năm 16 tuổi và nằm liệt giường cho đến khi qua đời, bà không bao giờ ra khỏi căn phòng tối của mình vì ánh sáng làm đau mắt. Bà không nuốt, không uống, như vậy trong vòng 50 năm bà không ăn uống gì, chỉ sống nhờ Thánh Thể mỗi tuần bà rước một lần. Bị in dấu thánh, mỗi cuối tuần bà sống sự Thương Khó của Chúa Giêsu. Nhiều năm trời, căn phòng nhỏ của bà tiếp hàng ngàn khách hành hương. Bà kiên nhẫn nghe câu chuyện của họ và tất cả đều làm chứng cho niềm vui của bà. Bà nói: “Vác thánh giá không phải mang xích dưới chân, nhưng mang đôi cánh trong tâm hồn để có niềm vui, hạnh phúc, có bầu trời cho cuộc sống!”
Không ai tránh được đau khổ. Bạn cũng như tôi, tất cả đều đau khổ. Một số người đau khổ hơn người khác, họ đau khổ đến mức họ đúng lý khi tự hỏi: “Chúa nhân lành nhưng vì sao Chúa không loại bỏ đau khổ?” Tôi thử trả lời cho bạn qua dụ ngôn lò sưởi.
Dụ ngôn lò sưởi
Thiên Chúa báo trước cho con người
Bạn hình dung người cha của đứa con trai 15 tuổi đang bị khủng hoảng tuổi vị thành niên. Đứa bé đàn đúm với nhóm bạn ‘punk’ và thường về nhà trong tình trạng say sưa, nghiện ma túy. Người cha cố thuyết phục con, ông nói với con rất nhiều, làm mọi cách để con đừng giao du với bạn bè xấu, nhưng người con không nghe và càng ngày nó càng đi xuống địa ngục.
Cũng vậy, Chúa là Chúa Cha của tất cả mọi người, Ngài không ngừng nói Lời của mình cho mọi thế hệ qua các tông đồ của mình. Nếu chúng ta không nghe lời Ngài, quay lưng với điều thiện và hướng về điều xấu, thì chúng ta sẽ đối diện với một chuỗi đau khổ. Như anh thanh niên trẻ này, họ không lường được hậu quả chọn lựa của họ. Họ tin rằng điều quan trọng nhất là điều họ muốn làm.
Chúa có khóa trái cửa lại với chúng ta không?
Không biết làm cách nào hơn, người cha nhốt con trong phòng rồi khóa trái lại. Nhưng đêm về, người con leo cửa sổ ra ngoài đàn đúm với bạn. Sáng hôm sau người con về máu chảy đầm đìa: dưới tác dụng của ma túy, đám trẻ nhảy điệu nhảy ma quái: ôm nhau nhảy với lưỡi dao cạo móc ở quần áo.
Lần này thì quá đáng. Người cha sợ cho con mình. Vấn đề trở thành vấn đề sống chết. Vì người con không nghe lời, vì người con không ở lại trong căn phòng, ông chỉ còn một giải pháp: ông túm đứa con kéo nó về phòng, ông lấy còng cột nó vào lò sưởi. Lần này không cách nào trốn thoát!
Người con bắt đầu la hét, chửi ông đủ thứ danh từ. Người cha hét lại, vì thương con mà ông phải làm vậy để bảo vệ con. Nhưng dĩ nhiên cách này chẳng giải quyết được gì, hận thù lớn dần trong lòng người con đến mức không đi lui được. Cuối cùng, người cha buộc phải chấp nhận, nhốt con không phải là giải pháp tốt, ông không thể nhốt con, ông không có lựa chọn nào khác là để con tự do, dù với tự do này nó có thể mất mạng sống.
Cũng vậy với Chúa. Không có chuyện Chúa bắt mình nghe Chúa, vâng lời Chúa. Con người tự do và đã từ lâu con người đã quyết định không nghe tiếng Chúa nữa. Chúa sẽ trả lời sao trước sự cứng lòng này? Chúa để con người tự do. Chúa không có lựa chọn nào khác vì Ngài là tình yêu và tình yêu là tự do. Chúa có thể tạo một thế giới không đau khổ, không tội lỗi. Nhưng như thế Chúa là nhà độc tài; chúng ta buộc phải làm điều tốt, “Chúa quyền năng”, “Chúa của đạo binh” là Chúa “không có vũ khí” vì tự do của chúng ta. Như nhà thần học chính thống giáo Paul Evdokimov nói: “Chúa yếu vì Ngài có điểm yếu đối với con người.”
Tự do của chúng ta
Chính vì dùng tự do sai nên phần lớn đau khổ trên thế giới là vì lý do này. Chúng ta hình dung một nền văn minh, đặt trọng tâm là nghe Lời Chúa và loại bỏ những gì dẫn đến sự xấu: không có ăn cắp, không còn nói dối, không còn bạo lực chiến tranh, không còn thờ tà thần. Chúng ta hình dung một nền văn minh phát triển với các giá trị của tình tương trợ, tha thứ, chia sẻ, phục vụ người anh em, nhân hậu, khiêm tốn. Bệnh tật sẽ được giảm vì có một số bệnh do ăn uống không lành mạnh, một khía cạnh tệ hại khác của xã hội tiêu thụ.
Cũng khó mà lượng định sẽ có đau khổ nào trong xã hội này, nhưng người ta có thể lượng định một cách chủ quan, 80% đau khổ sẽ biến mất. Chỉ còn 20% không tùy thuộc vào các quyết định xấu hay tốt của con người, như điều xấu do tai ương thiên nhiên sóng thần, động đất, bão lụt… Dù cũng có một số tai ương do con người gây ra như biến đổi khí hậu.
Yêu thương trong đau khổ
Đâu là câu trả lời của Chúa trước đau khổ? Câu trả lời, chính Chúa Giêsu đã mang lấy gánh nặng đau khổ và gánh nặng cái chết. Chúa Giêsu đã tha thứ, đã yêu thương khi đau khổ. Và từ đó, đau khổ đã thay đổi bộ mặt. Đau khổ luôn là điều khủng khiếp nhưng đau khổ được sống trong lời cầu nguyện, và nếu chúng ta được anh em mình nâng đỡ, thì đau khổ này có thể trở thành trường yêu thương vô bờ. Như câu nói thường được trích của nhà văn Paul Claudel: “Chúa không đến để loại bỏ đau khổ, cũng không đến để giải thích đau khổ, nhưng đến để lấp đầy sự hiện diện của Ngài.”
Sẽ sai lầm khi nghĩ chỉ cần tin vào Chúa Giêsu là sẽ có một cuộc sống hạnh phúc không thử thách. Thánh vịnh 23 nói lên hình ảnh lý tưởng của người đặt lòng tin vào Chúa: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.”
Người tín hữu có vẻ như thoát được mọi bất hạnh, sống trong thế giới tốt lành như “căn nhà trong đồng cỏ non”. Nhưng cũng trong Thánh vịnh này tiếp đó là câu: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng: côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”. Chúa xuống lũng âm u đau khổ, Ngài biết con đường đau khổ. Khi chúng ta ở trong thử thách, Ngài đưa tay ra. Chúng ta đưa tay ra để Ngài dẫn chúng ta như chính Ngài đã qua lũng âm u trước chúng ta. Người tín hữu kitô không tránh được đau khổ, các vị tử đạo gần đây cũng nói với chúng ta như vậy.
Chúng ta luôn nắm lấy bàn tay Chúa Kitô, chúng ta đau khổ nhưng với sự nâng đỡ đặc biệt này, với niềm hy vọng Chúa Kitô chiến thắng đau khổ và cái chết. Chúng ta chọn lựa đau khổ ít nhất có thể bằng cách lắng nghe Lời Chúa, theo các điều răn của Người trong đời sống, trong xã hội chúng ta. Và nếu chúng ta phải đối diện với đau khổ, chúng ta cùng đi tay trong tay với Chúa Giêsu, mặc cho mọi sự, chúng ta vẫn cố gắng vẫn yêu thương.
Marta An Nguyễn dịch
Dụ ngôn lò sưởi hay Chúa quá nhân lành, vì sao lại có đau khổ?