Dụ ngôn phòng chờ ánh sáng hay chuyện gì xảy ra lúc lâm chung?
Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon
Ngày thứ hai. Ngày nghỉ ngơi của các linh mục. Một ngày đi trong sa mạc, một ngày trước mặt Chúa và trước mặt chính mình. Trời u ám và bây giờ là tháng mười một. Tôi thích đi dạo trong rừng ở những con đường ít ai đi. Tôi đi hàng giờ ở rừng Gaulois này cho đến chỗ rừng thưa ở chân đồi. Ở đó tôi thích thú khám phá một căn nhà xây trong đá không ai ở nhưng tình trạng vẫn còn tốt. Hang đá khép lại bằng một bức tường và nhà chỉ có một cửa chính và một cửa sổ. Cánh cửa bằng gỗ cũ không còn bản lề. Tôi đi vào. Nền nhà bên trong là cát. Căn nhà trống rỗng, không có gì, chỉ có lò sưởi ở tận trong hang. Tôi ngồi nghỉ và nhóm lửa. Ống khói còn tốt và lửa bén không khó khăn. Tôi tự hỏi khói bay ra ngã nào. Tôi đi ra và leo lên ngọn đồi bên cạnh. Phía trên hang có một lỗ nhỏ giữa cây cối và khói bay ra từ đó. Đơn giản như thế. Tôi thèm đời sống của những người quen sống khiêm nhường gần với thiên nhiên này.
Tôi xuống lại hang đá và ở đó, ngồi bất động trước lò sưởi. Tôi lần chuỗi, tôi nguyện ngắm, chiêm nghiệm và im lặng.
Trên đường về, tôi vội vã đi tìm chủ nhân của nơi huyền bí này. Và tôi nhanh chóng tìm ra, đó là ông chủ khu vực này. Tôi xin nếu được cho tôi đến hang đá của ông để nghỉ. Ông rất vui, ông còn vui hơn khi biết có một linh mục muốn thường xuyên đến vùng đất của ông. Và trong năm đầu tiên làm linh mục, tôi thường hay đến đây.
Năm mục vụ đầu tiên, giám mục chỉ định tôi về một làng vùng nông thôn. Công việc tiếp xúc với giáo dân diễn ra tốt đẹp. Các công việc mục vụ thánh lễ, rửa tội, chuẩn bị hôn nhân cứ liên tục nhau. Và cả các tang lễ. Các tang lễ đầu tiên đã thật sự đánh động tôi. Sylvain là thanh niên trẻ của làng. Anh mới 16 tuổi và vừa qua đời trong một tai nạn xe gắn máy. Tôi gặp gia đình, họ không giữ đạo, họ quá đau đớn. Tôi tìm lời để an ủi họ, nhưng không tìm được một lời nào. Sự đau đớn của họ làm tôi quặn ruột. Tôi chưa quen ở bên cạnh các gia đình có tang. Sylvain chết ngày thứ bảy và tang lễ sẽ cử hành thứ ba. Hôm trước ngày tang lễ, như thường lệ vào ngày thứ hai, tôi đến căn nhà trong vách đá để nghỉ. Khu rừng chung quanh hang đá không được bảo quản, như thế cả hàng chục năm nay nó bị bỏ hoang. Vừa đi tôi vừa nghĩ đến Sylvain, đến gia đình, đến bạn bè cùng lớp của anh. Ngày mai tôi sẽ nói gì với họ?
Bỗng nhiên chân tôi đụng đến một thân cây mục dưới đất. Ngạc nhiên thấy mình như bước qua nó mà không hay. Cây đã thành bụi. Tôi ngừng lại và thầm nói trong lòng với Chúa Giêsu:
– Chúa thấy đó, cây này nó già, nó tắt lịm, nó gãy xuống đất và bây giờ nó thành bụi. Vì sao Sylvain lại không thể sống như vậy? Vì sao anh không chết già như cây già này?
Tôi nhìn chung quanh và tôi thấy nhiều cây cũng chết như vậy, có thể nói là một “cái chết đẹp”. Nó củng cố cho suy nghĩ của tôi, thậm chí cho sự phẫn nộ của tôi, dù sao tôi cũng không thể hiểu được chuyện này.
Tôi không nghĩ mình sẽ có câu trả lời của Chúa. Tôi nghĩ tôi sẽ ra về với các câu hỏi của mình, và tôi bỗng thấy một cây nhỏ vừa mới mọc nhưng đã gãy làm hai. Khi ngã cây già này đã làm gãy cây nhỏ kia mà các lá xanh của nó e còn xanh được thêm vài ngày. Lúc đó, tôi tìm được câu trả lời trong thiên nhiên, quyển sách mở của Chúa cho loài người. Tôi hiểu ai cũng mong chết tự nhiên, thọ nhất có thể như cây già nua này. Nhưng cũng chính thiên nhiên cũng tạo ra tai nạn, một cây non có thể ngưng ngang tiến trình tự nhiên của mình như luật tự nhiên của thiên nhiên. Tôi hiểu chúng ta phải chấp nhận thực tế: chúng ta là những người phải chết! Thiên nhiên nhắc chúng ta và chúng ta phải chấp nhận không điều kiện số phận của mình.
Khi từ căn nhà vách đá về, tôi đọc các bài đọc gia đình chọn cho buổi lễ. Trước hết là đoạn Tin Mừng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình” (Ga 12,24).
Thiên nhiên tiếp tục công việc giáo huấn của mình. Khi người nông dân gieo hạt giống xuống đất, ông biết trong thời gian đầu hạt giống sẽ rã ra và gần như biến mất. Nhưng thời gian sau đó, hạt giống nẩy mầm và có một đời sống mới. Cũng vậy với Sylvain. Những gì chúng ta thấy, đó là thi thể của Sylvain vùi xuống đất. Nhưng như hạt lúa mì, những gì chúng ta thấy không phải là thực tế. Đời sống vẫn tiếp tục dù chúng ta không thấy bằng mắt của mình.
Sau đó tôi đọc bài đọc một, thư thứ nhất Thánh Phaolô gởi tín hữu Thêxalônica. Theo như tôi biết, đây là bài duy nhất Thánh Kinh nói trực tiếp với người đang chịu tang: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Th 4,13- 14).
Một sứ điệp phi thường của hy vọng! Nếu thánh Phaolô có thể giảng cho cha mẹ của Sylvain thì ngài sẽ giảng:
– Anh chị thân mến, anh chị đừng như những người không tin và nghĩ rằng không còn gì sau cái chết! Chúa Giêsu đã chết và sống lại, cũng vậy Sylvain đã chết và sẽ sống lại với Chúa Giêsu!
Dụ ngôn phòng chờ ánh sáng
Các bản văn về Lời Chúa là lời an ủi để sống khi chịu tang, nhưng làm sao giải thích cái gì xảy ra cho linh hồn chính xác vào lúc này? Để trả lời cho câu chuyện này, tôi đề nghị với các bạn dụ ngôn phòng chờ ánh sáng.
Diện đối diện
Chúng ta tin khi linh hồn lìa khỏi xác, nó sẽ đứng trước mặt Chúa, nguồn của Ánh sáng và Tình yêu. Dù đời sống của mình như thế nào, tất cả mọi người sẽ đối diện với Chúa Giêsu lúc chết. Trong truyền thống công giáo, chúng ta gọi đó là “phán xét đặc biệt”.
Địa ngục
Chúng ta ai cũng nghe nói đến địa ngục. Chúng ta hình dung đó là nơi Chúa đuổi những người dữ xuống để bị thiêu đốt. Có người không tin. Nhưng chắc chắn là có địa ngục, phải có một nơi cho những người cố tình từ chối Chúa. Ngược lại, chúng ta tin với lòng thương xót của Ngài, Chúa sẽ làm tất cả để cứu con người dù nó có như thế nào. Ví dụ của người trộm lành là bằng chứng; người này là kẻ sát nhân như chính ông tự thú nhận, và xứng đáng bị tử hình. Dù vậy, chính ông là người lên thiên đàng đầu tiên. Vậy nếu chúng ta có thể xác tín nói rằng có địa ngục, nhưng chúng ta không thể nói có ai trong đó, điều này chỉ có một mình Chúa mới nói được. Dù người trọng tội nhất trong các người trọng tội, họ có thể nói ‘vâng’ với Chúa vào giờ cuối.
Cây ngã về phía nó nghiêng xuống
Vì Chúa là trọn tình yêu, và đến giờ lâm chung chúng ta vẫn còn nói ‘vâng’ được với Ngài, có thể nào có một số người lại không nói ‘vâng’? Đúng, như câu châm ngôn ‘cây luôn ngã về phía nó nghiêng’. Nếu ai cả đời ruồng bỏ Chúa thì có thể cuối đời họ cũng ruồng bỏ. Địa ngục là nơi đến của những người từ chối Chúa tới tận cùng, dù diện đã đối diện! Nếu chúng ta không thể xác quyết được có người xuống địa ngục, thì chúng ta cũng có lý khi nghĩ sẽ có nhiều người xuống đó. Điều quan trọng là hiểu không phải Chúa Giêsu vì phạt mà đuổi họ xuống địa ngục: những người từ chối Chúa mới xuống.
Phòng chờ ánh sáng
Như thế thì cuộc đời quá dễ! Chúng ta cứ làm đủ chuyện xấu trên thế gian, chúng ta hưởng đời tối đa, xem thường các đòi hỏi của đời sống Phúc Âm, chúng ta đi thẳng lên thiên đàng nếu giây phút lâm chung nói ‘vâng’ với Chúa! Không, chỉ những người có đời sống kết hiệp với Chúa sẽ lên thẳng thiên đàng. Những người khác xuống luyện ngục. Nơi thanh tẩy. Có thể chúng ta nên gọi đó là nơi chờ ánh sáng. Nếu ai đó đã sống suốt đời trong hang động và bỗng nhiên họ bị đẩy ra ánh sáng, đôi mắt họ không thể chịu được ánh sáng chói lòa và họ sẽ bị mù. Như thế trong trường hợp này phải để họ trong phòng tối cho họ quen. Dần dần và từ từ chúng ta mang ánh sáng đến cho họ cho đến khi họ có thể thấy Chúa với trọn ánh sáng.
Lời cầu nguyện rọi sáng của chúng ta
Chúng ta tin Chúa muốn phối hợp chúng ta trong công việc chờ ánh sáng này. Qua lời cầu nguyện của chúng ta cho các đẳng, chúng ta có thể hành động ở cánh cửa và mở hé cửa ra dần dần. Như thế chúng ta giúp linh hồn những người đã khuất được nhanh chóng vào trong ánh sáng của Chúa. Vì thế nên cầu nguyện cho những người đã khuất. Có thể họ đã lên thiên đàng, có thể họ vẫn còn ở phòng chờ ánh sáng, trong trường hợp này, lời cầu nguyện của chúng ta giúp họ nhận được thêm ánh sáng.
Những người đã được cứu
Chúng ta hiểu những người ở trong phòng chờ ánh sáng họ đã được cứu! Họ không ở nơi bị tra tấn với lò nung không to bằng lò nung ở địa ngục. Chắc chắn họ đau khổ, nhưng sự đau khổ này là do họ không thể nào trọn vẹn vào trong ánh sáng của tình yêu mà họ vừa nhận ra, vừa nếm được. Họ phải kiên nhẫn chờ để được trọn vẹn thỏa hiệp với Chúa.
Chúng ta cố gắng sống trong ánh sáng Phúc Âm ngay tại thế gian này và đến giờ cuối chúng ta có thể nói như Thánh Têrêxa Lisiơ, nữ tu Dòng Kín chết khi 24 tuổi:
– Không, tôi không chết, tôi vào trong sự sống!
Marta An Nguyễn dịch
Dụ ngôn phòng chờ ánh sáng hay chuyện gì xảy ra lúc lâm chung?