Giám mục Đức Peter Kohlgraf: “Giáo hội phải xem lại quyền lực của các giám mục”
Cộng đoàn và Giáo hội phải làm việc để lấy lại uy tín; chắc chắn lấy lại uy tín trước hết và quan trọng trên hết là đối với những người có trách nhiệm trong Giáo hội.
la-croix.com, Christa Pongratz-Lippitt, Vienna, 2019-01-07
Giám mục Peter Kohlgraf, giáo phận Mainz thừa nhận vụ khủng hoảng lạm dụng tình dục, “khía cạnh đen tối” của Giáo hội đã làm cho đức tin của ngài bị thử thách.
Giám mục Peter Kohlgraf, một trong các giám mục trẻ nhất và được phong gần đây của Đức đã yêu cầu có một kiểm tra sâu rộng về cách mà các nhà lãnh đạo trong Giáo hội dùng quyền của mình. Ngài cho rằng quyền uy này thường không phù hợp với gương mẫu mà Thánh Phaolô đòi hỏi ở các người lãnh đạo đầu tiên của Giáo hội.
Trong một bản tuyên bố đăng trên nhật báo Đức Kölner Stadt Anzeiger ngày 31 tháng 12-2018, Giám mục Peter Kohlgraf, giáo phận Mainz tuyên bố: “Chúng ta phải cấp bách xem lại vấn đề quyền lực và trách nhiệm của các giám mục. Và chúng ta không vì lý do gì mà coi nhẹ tầm quan trọng của vấn đề này, vì đây là vấn đề được các Giáo hội kitô tiên khởi quan tâm”.
Giám mục Kohlgraf, 51 tuổi, ngài kế vị hồng y quá cố Karl Lehmann ở giáo phận Mainz tháng 8 năm 2017, ngài cho biết quyền lực là một cám dỗ quan trọng đối với các giám mục. Ngài cho rằng, quyền lực chứng tỏ cho thấy các giám mục có tôn trọng các quyết định lương tâm độc lập của giáo dân hay họ cho rằng chỉ có các giám mục mới có quyền phán quyết.
Giám mục Kohlgraf cũng thừa nhận, trong những tháng gần đây vấn đề bạo lực tình dục trong Giáo hội đã làm cho đức tin của ngài bị thử thách.
Ngài tuyên bố: “Tôi chưa bao giờ trải nghiệm khía cạnh nhân bản và khía cạnh đen tối của Giáo hội gần sát như vậy trong 16 tháng sau khi tôi được phong giám mục”.
“Cách đây vài ngày, tôi đọc suy tư của hồng y Christoph Schönborn: Có lẽ chúng ta có quá nhiều Giáo hội và có quá ít Chúa Kitô! Từ đó tôi suy nghĩ về lời nói này. Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài hiếm khi hòa hợp với nhau. Tôi nhớ lại lời của một bài giảng khi tôi còn trẻ: Giáo hội là Chúa Kitô sống”.
Tình yêu của Chúa Kitô cho loài người
Nhưng nếu Giáo hội giống y hệt Chúa Kitô thì thì Giáo hội phải trở nên không thể tấn công được, các truyền thống không lay chuyển, các mục tử là “những người đại diện chính Chúa Kitô” được ở ngoài khỏi mọi trách nhiệm.
“Tôi cảm thấy rất rõ ràng, chúng ta không còn có thể tuyên bố Giáo hội là Chúa Kitô. Chúa Kitô không thuộc về chúng ta. Ngài không ở trong tầm tay chúng ta. Ngài đến thế gian này bằng tình yêu. Ngài không bám vào một quyền lực nào, Ngài ở trong hình hài của người nô lệ và trở nên như tất cả chúng ta”, giám mục Kohlgraf trích dẫn Thánh Phaolô.
Ngài nhấn mạnh chương 2 thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu ở Philípphê (2: 1-4), khẳng định cộng đoàn kitô được mời gọi để bắt chước Chúa Kitô theo cách mà các tín hữu sống với nhau và cư xử tốt với nhau. Cộng đoàn chỉ có thể tỏa tình yêu của Chúa Kitô đối với nhân loại nếu cộng đoàn nghe nhau và sống hòa hợp với nhau. Cộng đoàn và Giáo hội phải làm việc để lấy lại uy tín; chắc chắn lấy lại uy tín trước hết và quan trọng trên hết là đối với những người có trách nhiệm trong Giáo hội.
Giám mục Kohlgraf lưu ý Thánh Phaolô đã cảnh báo rõ ràng chống lại chủ nghĩa thăng quan tiến chức và phù phiếm, ngài chính xác đưa ra, thái độ căn bản của kitô giáo là lòng thương xót, lòng trắc ẩn, sự hiệp nhất, thấu cảm và nhạy cảm với nhu cầu của người khác. Kiêu căng, thăng quan tiến chức và cãi vả là điều cấm kỵ.
Giám mục lấy làm tiếc, rất nhiều tín hữu kitô, kể cả giám mục đã không sống theo mong chờ của Thánh Phaolô.
Ngài thừa nhận đôi lúc ngài cảm thấy bất lực, đặc biệt kể từ khi được phong làm giám mục.
Nhưng ngài tin chắc, sứ điệp Tin Mừng muốn con người được cứu rỗi và hy vọng Chúa Kitô sẽ làm cho các bước mới khả thể sẽ thực hiện được nếu “chúng ta trở nên và giống Ngài hơn”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nhà báo Christa Pongratz-Lippitt viết từ Vienna, chuyên về các vấn đề Giáo hội trong giới nói tiếng Đức.