Đỡ đầu một em bé là mang ý nghĩa đến cho món quà mình tặng
fr.aleteia.org, Domitille Farret d’Astiès, 2018-11-19
Vì sao không bảo trợ một em bé như một món quà tặng? Bảo trợ một em bé Á châu, đó là món quà làm vui lòng các người lớn tuổi nhân dịp lễ Giáng Sinh! Và đó là điều hội Trẻ em sông Mê Kông đề nghị.
Mười ngàn cây số cách nhau giữa Théophane và Y-Quynh, người bạn Việt Nam 11 tuổi của Théophane 9 tuổi ở Pháp. Từ Pháp, Théophane bảo trợ Y-Quynh qua hội Trẻ em sông Mê Kông. Cha mẹ gởi tiền giúp nhưng em lo việc thư từ liên lạc. Théohane tự hào nói với trang Aleteia: “Nhờ vậy mà Y-Quynh có thể đến trường. Chúng con trao đổi thư từ, con kể chuyện ngày lễ Phục Sinh con đi giấu trứng. Còn Y-Quynh thì kể cho con nghe Y-Quynh phải đi xe đạp đi học vì nhà xa trường ba cây số. Thư của Quynh có dán tem nên con giữ tem làm sựu tập”. Một món quà giúp trẻ em mở ra với thế giới bên ngoài và có tinh thần đoàn kết với các em bé kém may mắn khác trên thế giới.
Chính mẹ của em Théophane có ý tưởng này. Bà Claire, 35 tuổi là mẹ của bốn đứa con, cách đây 20 năm bà đã ý thức việc cần phải bảo trợ một em bé. Bà giải thích: “Khi tôi 13 tuổi, cha mẹ tôi nhận số báo Trẻ em sông Mê Kông ”. Qua các trang báo, bà Claire thích chương trình này, bà nghĩ mình phải bảo trở một em. Và thế là bà biết em Tchang, một em bé Việt Nam 6 tuổi. Cha mẹ gởi tiền nhưng cô bé Claire giữ việc trao đổi thư từ, dịp lễ Giáng Sinh thì cô cho thêm một chút tiền túi của mình. Năm 22 tuổi cô về Việt Nam, cô được gia đình Tchang đón trong căn nhà nhỏ xíu, cô cho biết: “Thật là tuyệt vời. Gia đình Tchang để hình tôi ở phòng khách của họ. Khi đó tôi mới hiểu mình thật sự quan trọng đối với họ như thế nào. Chúng tôi là một phần của gia đình họ. Bây giờ tôi muốn làm như vậy với các con tôi”.
Ba người con lớn mỗi đứa bảo trợ một em bé, một em ở Việt Nam, một em ở Cao Miên, một em ở Thái Lan. Như thế các con chứng nghiệm được lòng quảng đại và ý thức được chúng may mắn được đi học và trở thành… vô địch về môn địa lý! Theo bà, đây là các đức tính không chối cãi được, bà đi khắp nơi trên thế giới với các con. Với hành vi này, bà mang lại ý nghĩa cho món quà cho các con. Một hành động mang nhiều ý nghĩa trong mùa Giáng Sinh khi chúng ta mừng Chúa Giêsu Hài Đồng hạ thế.
Một ánh sáng rọi trên cả gia đình
Ông Xavier Guignard phụ trách chương trình đỡ đầu của Hội giải thích: “Tại Pháp, chúng ta không ý thức hết tầm quan trọng của hành vi này. Người ta thường hay nói, chẳng là bao và nó cũng không làm thay đổi thế giới. Nhưng trên thực tế, hành vi này có một tác động phi thường. Nó rất hữu ích cho gia đình. Trường học là tương lai tốt nhất cho em bé.” Từ 60 năm, hiệp hội Trẻ em sông Mê Kông đã hỗ trợ cho 60.000 trẻ em ở trên bảy nước Đông Nam Á.
Cụ thể Hội điều hành như thế nào? Mỗi ân nhân bảo trợ tài chánh cho con đỡ đầu của mình và hứa trao đổi thư từ với em bé. Em bé được bảo trợ là con nhà nghèo, thích đi học. Tiền giúp cho gia đình trả học phí, đồng phục và tiền di chuyển. Ông Xavier Guignard cho biết: “Đa số các em không coi mình ra gì cả.” Ông kể lời của một em bé trai đã nói với ông: “Con không thể nào có giấc mơ: con là một em bé nghèo”. Ông không bao giờ quên “câu nói đau lòng” này vì thế bây giờ nó cho ông sức thổi để tiếp tục công việc của mình. Hội đặc biệt giúp đỡ các em bé thuộc dân tộc thiểu số như người Karen ở Miến Điện, người Hmong ở Việt Nam. Sự giúp đỡ này giúp các em đi học, hiểu biết văn hóa của nước các em đang ở. Việc các em được đến trường kéo theo sinh hoạt của cả nhà: sự thành công của một em là niềm tự hào của cả gia đình.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Trẻ em: Các anh hùng rao giảng Tin Mừng