Cuộc trở lại lạ lùng của nhà soạn nhạc Ba Lan Frédéric Chopin trên giường chết

635

Cuộc trở lại lạ lùng của nhà soạn nhạc Ba Lan Frédéric Chopin trên giường chết 

fr.aleteia.org, Marzena Devoud, 2018-10-24

Chopin ngồi trên giường bệnh; bên cạnh là công chúa Marcelina Czartoryska; bên phải  là Wojciech Grzymala bạn của ông; đàng sau là Kwiatkowski; ngồi bên trái là chị Ludwika Jendrzejewicz của ông, đằng sau chị là linh mục Aleksander Jelowicki, cha giải tội của Chopin.

“Không có cha là người bạn thân của tôi, tôi sẽ chết như một con heo.” Trên giường chết, Frédéric Chopin (1810-1849), 39 tuổi đã tuyên bố câu nói hãi hùng với cha giải tội của mình. Khi chúng ta biết cuộc đời của đại nhạc sĩ, chúng ta tự hỏi không biết làm sao cha giải tội lại có thể thuyết phục bạn mình xưng tội trước khi hấp hối, cơn hấp hối kéo dài ba ngày.

Nhà soạn nhạc Frédéric Chopin không còn giữ đạo khi ông từ Ba Lan di trú qua Pháp ngày 2 tháng 11 năm 1830. Đa số các bạn mới người Pháp của ông không tin đạo. Và rất nhanh, Chopin cũng quên luôn lòng sốt sắng có từ tuổi thơ của mình. Ngoài giờ sáng tác, cuộc sống mới của ông hoàn toàn nhập vào các quay cuồng, các buổi tiếp tân của đời sống nghệ sĩ. Và cũng mau chóng, thiên tài trẻ đến từ xa này bị cuốn vào cơn lốc của tất cả các phòng khách Paris. Đức tin có từ bà mẹ sốt sắng tan thành mây khói khi Frédéric Chopin yêu cô Delfina Potocka và nhất là khi yêu nữ văn sĩ George Sand, tên thật là Aurore Dudevant.

Bạn tuổi thơ

Từ khi còn nhỏ, Chopin đã có một sức khỏe yếu. Những năm cuối, sức khỏe của ông càng ngày càng yếu, vì chứng sưng phổi bị tái phát và trở nặng. Vào giai đoạn này, các bạn ông tả khuôn mặt của ông “xanh như tàu lá”. Dù có các dấu hiệu cho thấy mình gần qua đời, ông cũng không quay về với đời sống thiêng liêng. Một ngày nọ, ông gặp người bạn tuổi thơ của mình là cha Aleksander Jelowicki, cha làm tuyên úy cho cộng đoàn người di dân Ba Lan ở Paris. Frédéric cảm thấy gần với cha Aleksander, nhưng còn cảm thấy gần hơn với người anh Edward của cha, chết trong thời Cách mạng Áo ngày 10 tháng 11 – 1848.

Biết Chopin đang rất yếu, cha Aleksander nhiều lần muốn giải hòa ông với Chúa. Vô hiệu. Cuối cùng nhà soạn nhạc chỉ chấp nhận nói chuyện với cha như một “người bạn.”  Ông chỉ kể chuyện đời mình, dứt khoát không nhận phép giải tội. Ý thức hoàn toàn mình sắp chết, Chopin buồn cho mẹ vì bà đang còn sống mà thấy con mình chết không nhận được các phép bí tích cuối cùng. Nhưng ông giải thích với bạn mình, vì chân thật, ông không thể nào nhận các phép bí tích: ông không tin. 

Một mẹo nhỏ

Chiều tối 12 tháng 10 – 1849, bác sĩ Cruveilhier là bác sĩ riêng của nhà soạn nhạc cho linh mục biết, có thể Chopin không qua khỏi đêm nay. Linh mục Aleksander đến thăm ngay. Khi cha vào phòng thì người bệnh nói liền: “Tôi rất thương cha, nhưng đừng nói gì hết, cha đi ngủ đi”. Cha Aleksander ra đi và suốt đêm cha cầu nguyện. Sáng hôm sau, nhân ngày lễ qua đời của anh Edward của mình, cha dâng thánh lễ cầu nguyện cho anh mình và cùng lúc cha cầu nguyện xin Chúa cứu linh hồn Chopin.

Cha quyết định đến thăm bạn lại, khi đó người bệnh đang ăn sáng, cha cởi mở nói: “Bạn biết đó, hôm nay chúng ta mừng lễ anh Edward, người mà bạn rất thương…” Chopin tỏ ra rất xúc động. Không để mất một giây, cha tiếp tục nói:

“Ngày lễ của Edward, anh cho tôi một món quà nào.

– Tôi tặng cha món quà nào cha muốn.

– Anh cho tôi tâm hồn của anh.

Chopin hiểu lời xin này và ông bằng lòng. Ông muốn ngồi dậy trên giường. Cha Aleksander ra dấu cho các người khác ra khỏi phòng. Cha Aleksander quỳ xuống và cầu xin “Chúa nhận linh hồn bạn mình”. Cha cầm cây thánh giá lên và hỏi Chopin:

“Anh tin không?

– Có

– Anh tin như mẹ anh đã dạy anh?

– Có, như mẹ tôi đã dạy cho tôi.”

Buổi giải tội kéo dài mấy giờ không ngưng nghỉ. Sau đó Chopin hấp hối ba ngày. Khi ông tỉnh lại, ông nhìn những người chung quanh đang đau buồn. Ông xin linh mục: “Nhưng họ làm gì vậy? Vì sao họ không cầu nguyện?”

Mồ của Frédéric Chopin ở nghĩa trang Linh mục Lachaise. 

Về với nguồn hạnh phúc

Trong những giờ cuối, Chopin cầm tay cha Aleksander và xin cha canh giữ mình. Ông cầu xin Đức Mẹ, Chúa Giêsu và Thánh cả Giuse và ông xin các bác sĩ để cho ông chết: “Hãy để tôi đi, đã đến lúc tôi phải chết. Chúa đã tha thứ cho tôi. Ngài đã gọi tôi. Hãy để tôi đi, tôi muốn chết.”

Ông an ủi các bạn: “Tôi yêu Chúa, tôi yêu các bạn… Đã đến lúc phải chết. Các bạn yêu quý của tôi, các bạn đừng khóc. Tôi cảm thấy tôi sắp chết. Cầu nguyện cho tôi. Xin chào từ giã, tôi về Trời. Tôi về với nguồn hạnh phúc.”

Frédéric Chopin chết vì ho lao đêm 17 tháng 10 – 1849 ở nhà 12 Place Vendôme, Paris. Được bạn bè bao bọc chung quanh, ông cầm cây thánh giá trong tay. Mười ba ngày sau, người thân, bạn bè, người ái mộ tiễn ông lần cuối ở nghĩa trang Linh mục Lachaise. Ông Albert Grzymala, người bạn của nghệ sĩ ở bên cạnh ông trong những giờ cuối đã viết cho người thân của Chopin như sau: “Chưa bao giờ từ thời cổ đại, ngay cả ở những người khắc kỷ nhất cũng không ai để lại một tấm gương của một cái chết đẹp, một tâm hồn cao cả, tinh tuyền và mang tinh thần kitô đến như vậy.”

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Cuộc trở lại lạ lùng của diễn viên Anthony Hopkins

Cuộc trở lại lạ lùng của nữ hoàng thời trang trước Khăn Thánh