Cách chúng ta phản ứng lại khi bị chỉ trích và phản đối

345

Cách chúng ta phản ứng lại khi bị chỉ trích và phản đối

Ronald Rolheiser, 9-15-2014

Có bao giờ chúng ta để ý đến cách mình bộc phát phản ứng trước một đe dọa? Đối diện với mối đe dọa, các bản năng căn bản của chúng ta có khuynh hướng áp đảo, ngay lập tức chúng ta bị cứng đờ, chúng ta bắt đầu đóng tất cả các cánh cửa của sự nồng hậu, nhẹ nhàng, cảm thông có trong người.

Đó là phản ứng tự nhiên, bắt rễ sâu từ trong bản tính của chúng ta. Các nhà sinh học cho chúng ta biết, bất kỳ lúc nào có một việc hay một người đe dọa đến chúng ta, thì theo bản năng, chứng hoang tưởng trong chúng ta trỗi dậy và gây tác động, thúc đẩy chúng ta đến một nơi nguyên khởi bên trong cơ thể mình, cụ thể là, phần “con” trong chúng ta, cái tàn dư sót lại trong sự tiến hóa từ hàng triệu năm trước. Và phần “con” đó là máu lạnh. Và đó cũng là tình trạng khi chúng ta bị đe dọa.

Tôi tin rằng, điều này giúp giải thích nhiều về chứng hoang tưởng và bạo lực trong thế giới ngày nay, cũng như cho những lời cay đắng, hầu như, đang chặn đứng tất cả mọi khả thể đối thoại hữu lý thích đáng cho các căng thẳng của chúng ta hằng ngày trong phạm vi chính trị, kinh tế và giáo hội.

Chúng ta sống trong một thế giới phân cực thật cay đắng. Tất cả chúng ta đều nhìn nhận điều này, và tất cả chúng ta đều thấy rất nhiều hành vi máu lạnh trong giới chính trị, trong chính quyền, trong giới kinh tế, và đáng buồn thay, cũng có cả trong giáo hội chúng ta nữa. Những gì chúng ta thấy trong hầu hết mọi trao đổi hằng ngày, nơi sự bất đồng đóng băng, những lời hùng hồn đanh thép không thực sự mở ra đối thoại chân thành, và lại luôn luôn đối lập với lòng nhân, tử tế, và tôn trọng. Thay vào đó, chúng ta lại thấy chứng hoang tưởng, quỷ hóa những ai bất đồng với mình, nhạo báng các giá trị và thành tâm của đối thủ, kèm theo là một sự tự vệ mù quáng.

Hơn nữa, sự cay đắng và thiếu tôn trọng này, đối nghịch một trời một vực với tất cả những gì trong Tin Mừng và cả những gì cao cả trong chúng ta, nó không ngừng “thần hóa”, nghĩa là kiểu lập luận như thể đó là lệnh truyền của Thiên Chúa, vì chúng ta tin rằng những gì mình làm là vì Thiên Chúa, vì chân lý, vì quê hương, vì người nghèo, vì mẹ thiên nhiên, vì nghệ thuật, vì một sự có giá trị siêu việt. Chúng ta tin như thế là lời biện minh cho việc chúng ta đánh đồng Chúa Giêsu với chuyện tử tế thông thường. Nếu bạn nghi ngờ việc này, bạn chỉ cần mở máy truyền thanh hay truyền hình, bất kỳ kênh nào bình luận về chính trị hay tôn giáo, hoặc bạn nghe các tranh luận tôn giáo và chính trị thời nay. Theo John Shea, chúng ta thành thạo trong việc biện minh hơn là tự thẩm, nhưng rồi, chúng ta có thể thần hóa sự thiếu tôn trọng và thiếu lòng nhân căn bản của mình.

Nhưng khi làm thế, chúng ta xa rời Tin Mừng, xa rời Chúa Giêsu, và xa rời những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta. Chúng ta đã được hoạch định để trở nên cao quý hơn cái phần “con” của mình, hơn những bản năng kế thừa từ tổ tiên thượng cổ, những thú săn mồi. Chúng ta được kêu gọi đến với một điều lớn lao hơn, được kêu gọi để đáp trả mối de dọa, bằng những cách cao hơn lối phản ứng mù quáng của bản năng.

Phản ứng của thánh Phaolô với mối đe dọa có thể là gương mẫu cho phản ứng lý tưởng của chúng ta. Ngài đã viết rằng: “Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành, bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu, bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi.”  (1Cr 4, 12-13) Và cũng trong phần đầu thư này, thánh Phaolô còn có một lời khuyên khác về việc xử trí làm sao với những chống báng. Ngài khuyên rằng: Hãy sống đủ kiên nhẫn bên trong sự chống báng, không cần phải tự vệ, hãy để Thiên Chúa và lịch sử làm việc đó cho bạn: “Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình. Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa. Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến.”

Phải thành thực thừa nhận rằng, thật khó để làm được thế này. Cái tôi bản năng của chúng ta không dễ bị khuất phục. Cũng như mọi người khác, tôi phải chật vật đấu tranh với nó. Mỗi khi tôi nghe hay đọc thấy ai đó bác bỏ những bài giảng và bài viết của tôi và xem đó là dị giáo, nguy hiểm, hay (thậm chí đau lòng hơn nữa là) một thứ nhảm nhí hời hợt, thì cái phần “con” trong tôi lại bừng bừng khuấy động, thực hiện cái phần việc nguyên thủy của nó, và các bản năng tự nhiên của tôi đau lòng thay lại chống lại con đường lớn mà thánh Phaolô đã khôn ngoan chỉ dạy. Bản năng tự nhiên không muốn cố gắng hiểu lập trường của người xem thường chúng ta, cũng không muốn chúc phúc và chịu đựng hay đáp trả một cách nhẹ nhàng. Nó muốn máu. Tôi ngờ rằng bản năng của tất cả mọi người đều như thế. Bản năng tự nhiên không dễ gì tuân theo Tin Mừng.

Nhưng, đó là thử thách, thực sự là một trong những phép thử căn tính của cương vị môn đệ Kitô hữu. Khi chúng ta hướng về cốt lõi của các lời dạy đạo đức của Chúa Giêsu, và tự hỏi, điều gì đã khiến Chúa Giêsu khác hẳn các thầy dạy đạo đức khác? Cụ thể là đòi buộc nào của Ngài là phép thử căn tính cho cương vị môn đệ đích thực?

Tôi cho rằng, tại nơi cốt lõi của các lời Chúa Giêsu dạy, có thách thức này: Tôi có thể yêu thương kẻ thù không? Tôi có thể chúc lành cho người nguyền rủa tôi không? Tôi có thể ước mong điều tốt cho người muốn điều xấu cho tôi không? Tôi có thể thực tâm tha thứ cho người đã đối xử bất công với tôi không? Và có lẽ, quan trọng nhất là, liệu tôi có thể kiên nhẫn khi rơi vào tình huống căng thẳng, đừng vội vàng tự vệ, nhưng hãy để lịch sử và Thiên Chúa làm việc đó, hay không?

J.B. Thái Hòa dịch