Pakistan: Asia Bibi được Tòa án Tối cao trả tự do

345

Pakistan: Asia Bibi được Tòa án Tối cao trả tự do

fr.zenit.org, Anne Kurian, 2018-10-31


Tín hữu kitô Pakistan Asia Bibi, bị tù từ năm 2009 vì bị khép vào tội phạm thượng và bị lên án tử hình tháng 11 năm 2010 đã được Tòa án Tối cao Pakistan trả tự do vào ngày 31 tháng 10 – 2018. Truyền thông Vatican vui mừng trước quyết định này của Tòa án cho bà Asia Bibi, người mà cả Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô đã lên tiếng bảo vệ.
Bà Asia Bibi, bị giam ở nhà tù Multan, bà bị các phụ nữ hồi giáo làng Ittanwali của bà tố cáo phạm thượng. Sau chín năm ở tù, bà được ba thẩm phán của Tòa án Tối cao Pakistan tuyên bố vô tội và được trả tự do. Vì lý do an ninh, thủ đô Pakistan được cảnh sát bảo vệ tối đa sau phán quyết đã bị các người cực đoan phản đối. Vatican News cho biết, vì thế bà Asia Bibi sẽ không được trả tự do ngay lập tức.
Hãng tin Fides ghi nhận: “Như thế kết thúc một vụ án đã là đề tài thời sự ở Pakistan trong nhiều năm qua, nhất là liên quan đến việc dùng tiêu chuẩn phạm thượng cho những vụ hận thù riêng tư.” Một nghiên cứu năm 2015 của Tòa án Quốc tế Công lý (CIJ) cho biết, 80% các vụ phạm thượng do tòa án địa phương kết tội đã bị Tòa án Tối cao bác bỏ. Thường thường Tòa án Tối cao khám phá các bằng chứng được dựng lên vì lý do “hận thù chính trị hay cá nhân”. Linh mục James Channan, người lãnh đạo Trung tâm Hòa bình ở Lahore phân tích: “Tòa án Tối cao xác nhận bà Asia Bibi vô tội và trả tự do cho bà. Bà bị lên án tử hình vì các cáo buộc sai lầm về phạm thượng. Việc trả tự do cho bà là một chiến thắng cho công lý và cho các quy định của pháp luật. Hôm nay chúng ta có thể bày tỏ sự hài lòng, rằng công lý đã có ưu thế ở Pakistan. Các thẩm phán của Tòa án Tối cao cho thấy, họ hoàn toàn tự do đưa ra phán quyết của mình và không bị bất cứ một áp lực nào từ các nhóm hồi giáo cực đoan và truyền thống.”
Hãng tin Fides cảnh báo, người ta chờ các phản ứng hung bạo của các nhóm cực đoan trong nước, họ hăm dọa giết các thẩm phán và đòi treo cổ bà Asia Bibi. Nhất là các nhà hoạt động của phong trào hồi giáo cực đoan Tehreek-e-Labaik Pakistan (TLP), họ đe dọa “trả đũa chống tín hữu kitô”. Nhà nước đã tăng cường biện pháp an ninh trước các nhà thờ kitô giáo của Pakistan.
Nhân Ngày Thế giới chống bách hại tín hữu kitô do tổ chức Giúp đỡ Giáo hội gặp Khó khăn (AED), Đức Phanxicô đã tiếp riêng gia đình bà Asia Bibi, ông Ashiq Masih chồng bà và cô Eisham Ashiq, một trong các cô con gái, trong vòng bốn mươi phút ở Vatican ngày 24 tháng 2 – 2018. Hai năm trước đó, ngày 15 tháng 4 năm 2015, ông Ashiq Masih tham dự một buổi tiếp kiến chung ở quảng trường Thánh Phêrô.

Một hy vọng lớn cho Pakistan

Ông Paul Bhatti tuyên bố: “Việc trả tự do cho bà Asia Bibi là một hy vọng lớn cho Pakistan và cho các sắc dân thiểu số”, ông là chủ tịch Phong trào các sắc dân thiểu số Pakistan và là anh của ông Shahbaz Bhatti, bộ trưởng công giáo các Sắc dân Thiểu số đã bị giết ở Pakistan năm 2011 vì đã ủng hộ bà Asia Bibi. Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, ông Bhatti khẳng định: “Quyết định này của Tòa án Tối cao là một hành động rất can đảm, đã bỏ qua tất cả các lời chỉ trích, các đe dọa, các hậu quả mà các thẩm phán có thể phải chịu đựng”.
Vì vậy ông tin rằng đất nước “sẽ hướng đến sự sống chung hòa bình và tôn trọng các sắc dân thiểu số”. Ông trích lời của chủ tịch Tòa án, thẩm phán hồi giáo Saqib Nisar: “Vì đức tin, chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ những người yếu đuối nhất, không giết họ và không phân biệt đối xử họ.”
Ông Paul Bhatti cho biết: “Bà Asia Bibi không nên ở lại Pakistan: cách đây hai hoặc ba tuần, các người hồi giáo cực đoan Pakistan đã triệu tập một cuộc họp, qua đó họ tuyên bố, nếu bà Asia Bibi được trả tự do thì sẽ có một cuộc biểu tình lớn làm tê liệt cả Pakistan. Và quả vậy, sáng nay đã có các cuộc biểu tình… Trong tất cả các thành phố, đã có các cuộc biểu tình chận đường, các bánh xe bị đốt cháy…”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Ngày 24 tháng 2 -2018, Đức Phanxicô tiếp gia đình bà Asia Bibi, ông Ashiq Masih chồng bà và cô Eisham Ashiq, một trong các cô con gái.

Ông Ashiq Masih trong buổi tiếp kiến chung ngày 15 tháng 4 năm 2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô.