Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: 12 chìa khóa để hiểu và hành động

286

Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: 12 chìa khóa để hiểu và hành động

Lạm dụng tình dục: Đâu là cội rễ sự dữ và các phương tiện để đương đầu? | © Pixabay

cath.ch, Maurice Page, 2018-09-03

“Chuyện gì đã xảy ra cho chúng ta?”. Giám mục Eric de Moulins-Beaufort, cựu giám mục phụ tá giáo phận Paris, vừa được bổ nhiệm làm giám mục ở giáo phận Reims, nước Pháp đưa ra một phân tích chi tiết rõ ràng về thảm kịch của các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Vượt lên các cáo buộc và các giải thích có sẵn, ngài chất vấn về cội rễ sự dữ và các phương tiện để đương đầu. Báo Công giáo Thụy Sĩ (Cath.ch) rút ra 12 chìa khóa để giúp chúng ta hiểu và hành động.

Giám mục Eric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin của hội đồng giám mục Pháp, đưa ra hai mươi trang suy nghĩ của mình về các nguyên do và cách xử lý các vụ lạm dụng tình dục trong tập san Thần học Mới. Ngài thừa nhận: “Rất khó để giới thiệu sự việc khi chúng ta chưa gặp và lắng nghe các nạn nhân thật sự”.

  1. Làm rõ từ vựng

Giám mục de Moulins-Beaufort chính xác nêu lên, việc gọi từ “ấu dâm” một cách chung chung như ở Pháp vẫn thường gọi không giúp để đối diện với vấn đề trong tổng thể của nó. Ngài thích cách dùng chữ theo anglo-saxon, gọi chung là “xúc phạm đến những người dễ tổn thương”. Như thế công việc đầu tiên là hệ thống lại một cách chính xác hơn các loại lạm dụng tình dục khác nhau.

Từ nay chúng ta hiểu, một số linh mục được biết như những người ấu dâm theo nghĩa triệt để: xung năng tính dục của họ hướng về các trẻ em trai trước tuổi dậy thì và họ ngưng các hành động xấu này khi nạn nhân của họ đến tuổi dậy thì. “Tính cách xung năng không cưỡng được của các hành động này được kiểm chứng trong tất cả các trường hợp. Hy vọng để các người có xung năng này được lành thì rất hạn chế”.

Loại thứ nhì là những người thích sưu tầm các hình ảnh khiêu dâm trẻ con, họ không tấn công, nhưng “dường như họ không nhận ra ít nhất là họ đồng lõa với hệ thống khai thác trẻ con”.

Khoái tráng niên (l’éphébophilie) là các linh mục “có một nhu cầu không cưỡng lại được thích thấy hay sờ các bộ phận sinh dục của các thiếu niên. […] Họ lợi dụng chức vụ linh hướng hay cha giải tội để đề nghị khám trẻ tráng niên, nhằm bảo đảm khía cạnh ‘bình thường’ của các bộ phận sinh dục hay để giúp đương sự ra khỏi thói quen thủ dâm thường xuyên”.

Trong những trường hợp phổ biến khác, nhất là các cử chỉ tình cảm hay nâng đỡ, không trực tiếp là hành vi tình dục nhưng có tính cách lặp đi lặp lại che giấu và kéo dài cho thấy một tình trạng mơ hồ. Trong một vài trường hợp, các cử chỉ này dường như không phải tình dục, nhưng cuối cùng dẫn đến các hành vi khác, đến một hoặc nhiều “sa ngã” mà đáng lý không nên xảy ra và không tái lập lại. Có những trường hợp khác cho thấy cách hành xử có cấu trúc hơn.

Loại cuối cùng mà Giám mục de Moulins-Beaufort đưa ra bao gồm các vụ tấn công tình dục trên người lớn, đàn ông hoặc đàn bà, những người bị đặt trong một quan hệ phụ thuộc vào họ.

  1. Chấp nhận các bạo lực này là có tồn tại

Phần đóng góp đặc biệt nhất của Giám mục là phần ngài chất vấn thái độ của các giám mục và những người cầm quyền giáo hội. “Trách cứ chủ yếu của quần chúng chống các giám mục là họ đã muốn bảo vệ thể chế. Có vẻ như chúng ta quá chung chung và giải thích không rõ”.

Theo Giám mục, một trong những lý do chính là tâm lý. “Một cái gì trong tâm thức con người từ chối không chấp nhận có các tấn công tàn bạo như vậy tồn tại […] Người bị tố cáo, nếu họ không phủ nhận, thì ít nhất họ làm cho các việc có vẻ chấp nhận được”. Một người có trách nhiệm trong giáo hội biết, cách đây năm mươi năm, một linh mục tấn công tình dục một em bé hay một thiếu niên, người có trách nhiệm đó không nhất thiết nhận ra chuyện này là chuyện gì: ông không thể hình dung một linh mục hay đơn giản bất cứ một người đàn ông nào lại có thể có những xung năng làm cho họ thành người đi săn mồi đối với những người được giao phó cho họ chăm sóc. Do đó có ý muốn, ý thức hay không ý thức, là không muốn biết nhiều thêm và tránh tai tiếng.

  1. Hiểu chiều kích có hệ thống của các lạm dụng

Im lặng áp đặt do gia đình là yếu tố thứ nhì mà Giám mục de Moulins-Beaufort đưa ra. “Các cha mẹ của các em bé bị tấn công thường là bạn của các linh mục này hoặc họ đã rất ngưỡng mộ linh mục. […] Dù sao, thể chế cần được phòng giữ không phải chỉ một mình cho Giáo hội nhưng cho toàn cả hệ thống xã hội. […] Vì làm sao xây dựng được một xã hội, nếu không tin tưởng vào những người lớn có một cương vị trong xã hội đáng được kính trọng?”

Theo Giám mục, một yếu tố thứ ba ít được nhìn đến nhưng cũng có tác dụng ở đây. “Gần như tất cả mọi người: giám mục, quan tòa, cha mẹ, cảnh sát… đều nghĩ mà không đề cập đến nhiều, là những hành vi này rồi lớn lên trẻ con cũng quên hay ít nhất cũng vượt lên được sự hung bạo các em đã phải chịu.  […] Thực tế mới […] rõ ràng là từ nay các em đã không thực sự quên; các em có thể chôn vùi các chuyện mình đã chịu đựng, nhưng những chuyện này vẫn còn đó và vẫn là một chấn thương”.

  1. Vượt các khái niệm khó phân biệt về lòng thương xót

Loạt yếu tố thứ hai là yếu tố cấm nói, là luật có tính cách tôn giáo hay thần học dính đến khái niệm khó phân biệt về lòng thương xót. “Thẩm quyền Giáo hội và đôi khi thẩm quyền tư pháp có khuynh hướng xem đây là lệch lạc nhất thời mà lời khiển trách và sự nhục nhã của sự việc này đã được giới thẩm quyền biết là đủ để ngăn họ không tái phạm. Thẩm quyền đã không biết – và chắc chắn cũng đã không muốn – xem xét kỹ hơn các lý do sâu xa của các hành vi này”.

“Vì thế các giám mục hay các bề trên dòng cho rằng lòng thương xót buộc họ phải tin tưởng vào thiện chí của linh mục phạm tội, giúp người đó đi tới mà không khép kín họ trong tội của mình”. 

  1. Nhận biết điều ác

Giám mục lấy làm tiếc, khi biến đây là một yếu tố của tha thứ, một hành vi của sửa chữa, thì nó đã bị che khuất. “Sự sửa chữa, có nghĩa là trong mọi trường hợp phải là sửa chữa về phía nạn nhân. […] Tiến trình nền tảng là người phạm tội phải tự nhận lấy ít nhất một phần gánh nặng của tội ác mình gây ra. Vì chúng ta đã không nhận ra […] các thiệt hại gây ra nơi em đó hay nơi các em, nên chúng ta có thể nghĩ một khoảng cách địa lý với nơi ‘sa ngã’ hoặc tách linh mục ra khỏi sứ vụ giáo dục […] là đủ để làm cho linh mục phạm tội đi trên con đường ngay thẳng. […]

Dù quên nhưng sự tha thứ đòi hỏi người phạm tội phải nhận biết tội của mình đã phạm và công nhận mức độ trầm trọng của nó”. “Đó chính là vì họ đã mất hết ý thức về sửa chữa mà các nhà có trách nhiệm đã không dám xin các nạn nhân tha thứ cho người tấn công mình, như thử những gì họ đã chịu có thể rửa sạch như một vết bẩn trên vải, […] như thử sự tha thứ bị giảm xuống thành chứng mất trí nhớ theo yêu cầu”.

  1. Chống sự “toàn năng” của một số linh mục

Yếu tố thứ ba là quan hệ của những người lạm dụng với các giám mục và các linh mục khác. Từ lâu, rất nhiều người trong số các linh mục phạm tội lạm dụng đã đặt thẩm quyền giáo hội vào thế khó xử. Các đặc sủng của họ, các đòi hỏi của họ, các công việc họ đã xây dựng, môi trường họ được bao quanh làm rắc rối các quan hệ của họ với các linh mục khác. Một số người trong số họ thỏa mãn trong cảm giác mình là toàn năng, đôi khi cho phép bản thân mình vượt luật một cách rõ rệt.

  1. Nhắm đến các biện pháp kỷ luật mới

Theo Giám mục de Moulins-Beaufort, đối với các linh mục phạm tội, một suy tư về thang bậc các biện pháp trừng phạt nào có thể áp dụng, việc giảm xuống thành giáo dân là chuyện gần như không thể được. Theo thần học, “chức thánh là ơn tinh tuyền của Chúa, khắc trên người chịu chức một liên kết mới, một thứ bậc mới với Chúa Kitô. […] mà không có gì thuộc về con người, kể cả lỗi lầm cũng không thể loại liên kết này được”. Một linh mục có thể bị treo chén, nhưng linh mục đó vẫn là linh mục.

Giáo lý cổ điển này giải thích vì sao các giám mục không có biện pháp kỷ luật đối với các linh mục phạm tội, mà chỉ có các biện pháp phòng ngừa tạm thời. Nên bây giờ dường như đối với các nạn nhân cũng như với các tín hữu, họ không thể tưởng tượng được một linh mục phạm tội tấn công tình dục trên trẻ vị thành niên lại có thể cử hành thánh lễ lại.

“Các giáo hoàng Bênêđictô XVI và Phanxicô đã mạnh mẽ khẳng định, một người có khuynh hướng ấu dâm, họ không có chỗ của họ trong giáo phận”. Một kẻ ấu dâm không trở nên ấu dâm vì họ là linh mục: lý do phải ngược lại: một kẻ ấu dâm có thể lôi cuốn họ vào chức thánh vì làm linh mục tạo điều kiện cho họ có nhiều tiếp xúc với trẻ em và trẻ vị thành niên.

Giám mục de Moulins-Beaufort đề nghị làm sáng tỏ giáo luật hơn: “Có thể nào đơn thuần vô hiệu hóa chức thánh của một người, khi sau này khám phá người đó có tính ấu dâm, như thử ân sủng của chức thánh không thật sự ‘bám vào’ một cấu trúc như vậy được không?” 

  1. Thang bậc các trừng phạt

Đối với những người phạm tội không có tính cách ấu dâm, nhưng là tình trạng của một tình dục chưa trưởng thành, thì giám mục có thể đề xuất một loạt biện pháp trừng phạt rộng hơn: linh mục đó có còn dâng thánh lễ được không? Cho giáo dân hay trong vòng riêng tư? Linh mục đó có còn làm linh hướng được không? Có giữ một chức vụ mục vụ không? Có thể một ngày nào đó linh mục này lại chăm sóc trẻ em hay thanh thiếu niên không? Và dĩ nhiên là rất khó để kiểm soát các biện pháp trừng phạt này.

  1. Đề nghị cho tất cả mọi người một con đường thiêng liêng

Giám mục de Moulins-Beaufort ghi nhận, ngoài hình phạt, phải đề nghị một con đường thiêng liêng cho các linh mục phạm tội. “Một trong các khía cạnh của thảm kịch này là rất nhiều trong số các linh mục phạm tội có một năng lực phủ nhận to lớn vô cùng. Điều đó gây khó khăn rất nhiều cho những người tháp tùng họ về lâu về dài. […] Các linh mục, […] chúng ta có thể hy vọng […] ít nhất chấp nhận rằng tha thứ không loại đi các hậu quả của tội, nhưng ngược lại là giúp đỡ chịu đựng được gánh nặng mà không bị đè bẹp”.

Giám mục de Moulins-Beaufort ghi nhận, lời của các nạn nhân có thể, “biến đổi nơi một số người thành sự đòi hỏi phải phạt, đôi khi phải chờ Giáo hội có một hình phạt nghiêm trọng mà tòa án dân sự từ bỏ”. “Chỉ có một ý thức được làm mới lại về việc đền tội may ra mới có thể có được một sự tha thứ đích thực”.

Vì thế khó khăn của thẩm quyền giáo hội là lo cho linh mục phạm tội. Nếu họ không còn làm mục vụ thì họ làm gì? Việc xếp loại các tài liệu trong thư khố có giới hạn. Có nên khuyến khích họ tìm việc làm ngoài xã hội dân sự không?

  1. Tránh các lệch lạc của chủ nghĩa giáo quyền

Theo Giám mục de Moulins-Beaufort, trọng tâm của thảm kịch là ở sự kết hợp giữa quyền lực thiêng liêng và cá tính mất thăng bằng. Quyền lực và tình dục có các liên kết phức tạp.

“Như thế cần một nỗ lực rất lớn để suy tư và quan tâm, rằng đồng ý, để đàn ông và đàn bà, người lớn và trẻ con hiểu được ý nghĩa của khiết tịnh, không phải chỉ tránh các cử chỉ tình dục, nhưng đúng hơn là giữ quan hệ với nhau trong một quan hệ thích ứng, để cho mọi người có tự do hoàn toàn”.

Giám mục ghi nhận, bất trắc là thấy nơi linh mục, người có kiến thức bí truyền mà người bình thường không có được, được bao quanh bởi một hào quang thiêng liêng phải khắc phục bởi một tinh thần phục vụ. Vì lý do đó mà mà trách nhiệm của giáo xứ hay của cộng đoàn phải cáng đáng trong quan hệ hiệp thông với các hội đồng mục vụ và kinh tế.

  1. Các linh mục nên được bao quanh hơn

Vấn đề đào tạo và hậu đào tạo của các linh mục chiếm một phần lớn trong suy tư của Giám mục de Moulins-Beaufort. “Chắc chắn tiến triển là phải vượt lên sự ngây ngô về các cơ chế góp phần trong các quan hệ nhân bản”. “Với người quyết định đáp trả lời gọi vào chức thánh, người đó phải thực sự dấn thân trong công việc hướng nội, thậm chí nhìn lại sự xây dựng ngay chính bản thân mình”. Trong suốt cuộc đời của họ, các linh mục phải được bảo bọc bằng bầu khí của tình bạn, của tôn trọng, của khuyến khích với các linh mục khác, với giáo dân, với bạn bè, với gia đình và với các sự kiện do giám mục tổ chức.

Giám mục de Moulins-Beaufort nhấn mạnh, làm việc với phụ nữ hay dưới trách nhiệm của phụ nữ trong các nghiên cứu hay trong các sinh hoạt tông đồ “sẽ luôn là một phương tiện quan trọng để tiến triển và là một tiêu chuẩn để phân định”.

  1. Giúp Giáo hội

Với các nạn nhân, Giáo hội phải có một sự lắng nghe tôn trọng. “Công việc này đòi hỏi vừa tấm lòng khiêm nhường lớn lao vừa sáng suốt, không phải chỉ qua lời mà còn ý thức được các lệch lạc có thể có, một ý nghĩa về Chúa, một ý nghĩa về tội, không phải vì sợ mà vì hy vọng. Các nạn nhân cũng có thể giúp đỡ rất nhiều cho Giáo hội trong các thập niên sắp tới, để xác định các phương pháp làm việc của mình, để làm cho quyền của mình tinh tế hơn nhất là trong việc phân công các nhiệm vụ, trong việc đánh giá và theo dõi mọi người, trong việc tháp tùng các sáng kiến mới”.

Giám mục Éric de Moulins-Beaufort, Tổng Giám mục giáo phận Reims | © CEF

Giám mục Eric de Moulins-Beaufort: Chuyện gì đã xảy đến cho chúng ta? Từ chết điếng đến hành động trước các lạm dụng tình dục trong Giáo hội, tập san Thần học Mới (2018, số 140, các trang 34-54)

 

 

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: Lạm dụng tình dục: Những người biết và không nói gì