“Nhờ phụ nữ, Giáo hội sẽ có thể thoát được chủ nghĩa giáo quyền”
la-croix.com, Nicolas Senèze (Rôma), 2018-08-29
Bà Lucetta Scaraffia, người viết xã luận của báo L’Osservatore romano, tháng 10 năm 2016. / Kasia Strek/CIRIC
Phỏng vấn bà Lucetta Scaraffia, sử gia, chủ biên phụ trương Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới của báo L’Osservatore romano, theo bà, chủ nghĩa giáo quyền có nguồn gốc trong vấn đề độc thân của các tu sĩ, ngày nay vấn đề này được đặt lại vì sự thế tục hóa đã lấy đi quyền của các linh mục trong xã hội
Báo Thập giá: Đức Phanxicô nói gì về “chủ nghĩa giáo quyền”?
Lucette Scaraffia: Chủ nghĩa giáo quyền là quyền lực của các giáo sĩ trên giáo dân và tình trạng phụ thuộc của giáo dân đối với giáo sĩ. Ngoài ra đó là bầu khí mà giáo dân tuần phục và tôn trọng hàng giáo sĩ. Một sự tôn trọng mà qua đó, vì lịch sử mà bậc độc thân có một chỗ đứng quan trọng.
Trên thực tế điều này có một cái gì huyền bí: nó tạo uy thế cho người có vẻ ở trên cao của các khó khăn, các niềm vui của đời sống gia đình. Để cống hiến hoàn toàn vào học hành và cầu nguyện, họ thoát ra khỏi các phiền toái của đời sống gia đình, sẽ có thể làm họ xa Chúa.
Làm thế nào bậc sống độc thân lại làm cho tu sĩ thành những người khác biệt?
Các cuộc tranh luận về bậc sống độc thân của tu sĩ đã có từ thế kỷ thứ 7; vào thời đó trong các công đồng, các giám mục nghĩ rằng có thể sẽ nguy hiểm nếu áp đặt bậc sống độc thân vì rất ít người có khả năng chịu đựng được.
Nhưng ngoài lý do khinh thường đời sống tình dục còn có lý do kinh tế khi các giám mục áp đặt bậc sống độc thân: các linh mục có gia đình sẽ có khuynh hướng truyền của cải của Giáo hội cho con cái mình. Như thế sẽ rất khó phân biệt của cải nào của Giáo hội và của cải nào của linh mục: vì thế có nguy cơ phung phí tài sản Giáo hội.
Để giữ gìn tính độc lập của Giáo hội, cuộc Cải cách Gregoria áp đặt bậc sống độc thân cho các tu sĩ. Nhưng không phải lúc nào sự áp đặt này cũng thành công: ở các làng quê, nhiều linh mục có gia đình. Khi họ bị tố cáo, giám mục, ít đi thăm giáo phận của mình, thường đòi họ tiền để mua sự im lặng. Đây là trường hợp thường xảy ra ở Đức, do đó giải thích vì sao ngay từ đầu, nhà cải cách Luther đã cực lực chống loại tham nhũng này.
Phải chờ đến công đồng Trente (1542) mới có một chính sách “không khoan nhượng” đối với vấn đề này với các chuyến viếng thăm giáo phận thường xuyên của các giám mục trong giáo phận của mình. Từ nay, bậc sống tu sĩ sẽ được định nghĩa qua sự khác biệt của họ với các tín hữu khác. Và vì thế kết dính với giáo quyền hóa trong xã hội công giáo: như thử để đổi lấy tình trạng độc thân của mình, các tu sĩ có được quyền lực đối với tín hữu.
Làm thế nào mô hình này bung ra?
Việc thế tục hóa xã hội đã đặt lại vấn đề quyền lực xã hội của giáo sĩ. Vì Giáo hội đã bị đặt ra bên lề nên các giáo sĩ đã không còn quyền lực trên các tín hữu đi nhà thờ. Vào thế kỷ 19 đi nhà thờ chủ yếu là phụ nữ. Như thế thế tục hóa đi kèm với phụ nữ hóa. Vậy thì, áp đặt quyền lực trên phụ nữ thì quá dễ, họ là những người ít học và quen sống dưới quyền đàn ông trong gia đình.
Bây giờ cũng vậy, gần như tất cả những người giúp cha xứ là phụ nữ và họ chấp nhận ở vị trí thấp kém đối với linh mục. Và thường là các bà lớn tuổi vì các phụ nữ trẻ không chấp nhận sự lệ thuộc này. Sử gia, triết gia và nhà xã hội học người Pháp Marcel Gauchet cho rằng, sự kết thúc chế độ gia trưởng sẽ đánh dấu sự kết thúc của Giáo hội, vì theo ông, Giáo hội dựa trên chế độ gia trưởng. Các vụ lạm dụng tình dục cho thấy sự yếu đuối này của hàng giáo sĩ: các người dễ bị tổn thương, các phụ nữ, các trẻ em là các nạn nhân hàng đầu, là những người duy nhất mà các giáo sĩ có thể thực thi quyền lực và lạm dụng họ.
Giáo hội có thoát ra được chủ nghĩa giáo quyền không?
Được, nhưng với điều kiện phải thảo luận mọi sự với giáo dân và nhất là với phụ nữ. Kể cả vấn đề tình dục: Ngoài lãnh vực thần học, Giáo hội không bao giờ muốn đối diện với cuộc cách mạng tình dục, Giáo hội chưa bao giờ đối diện trên các bình diện lịch sử hay hiện sinh. Tôi lấy làm tiếc, quá thường, thần học thân xác bỏ qua thực tại của con người và nhất là bỏ qua khía cạnh tình dục của phụ nữ.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: Chủ nghĩa giáo quyền