Vatican muốn bảo vệ các nhà thờ bị bỏ

258

Vatican muốn bảo vệ các nhà thờ bị bỏ

fr.aleteia.org, Louise Alméras, 2018-08-15

Các giám mục lo lắng cho việc sử dụng các nhà thờ bị bỏ vào các mục đích khác, Vatican quyết định có một đường hướng để bảo vệ và gìn giữ các nhà thờ của mình.

Một nhà thờ có thể biến thành hộp đêm không? Trường hợp này đã xảy ra ở Tiệp… và cũng có thể xảy ra lại. Đứng trước việc khẩn cấp phải bảo vệ di sản tôn giáo và thiêng liêng, hồng y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa triệu tập các giám mục trên các châu lục có liên hệ đến việc các nhà thờ bị hoang phế và việc dùng lại các nơi này ngược với vai trò của nhà thờ (châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương). Trên thực tế, dù nhà thờ trống nhưng việc dùng lại nhà thờ không được mang tính cách phạm thượng hoặc không mang lại một ý nghĩa nào.

Vatican muốn đưa ra các chỉ thị rõ ràng 

Ngày 10 tháng 7 vừa qua, trong một cuộc họp báo, hồng y Ravasi làm sáng tỏ khuynh hướng của mình đối với các nhà thờ bị bỏ hoang và tương lai của các nhà thờ này. Để có thể có một quyết định dứt khoát, một hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức tại Rôma vào các ngày 28 và 29 tháng 11 sắp tới về chủ đề “Chúa không còn ở đây nữa? Ngưng các nơi thờ phượng và quản lý tài sản văn hóa của giáo hội”. Hồng y Ravasi tuyên bố về vấn đề này: “Chúng tôi ghi nhận có sự quan tâm đặc biệt của các giám mục trên nhiều nước khác nhau về vấn đề này”.

Mục đích: có một đường hướng chỉ đạo để giúp các địa phận công giáo tìm giải pháp thích hợp cho việc phá bỏ các nhà thờ không còn dùng, để các nhà thờ này không bị biến thành câu lạc bộ nhảy, phòng tập thể dục thể thao hay cơ sở thương mại. Hồng y Ravasi cho biết: “Vatican muốn bảo đảm các tòa nhà này giữ một phần giá trị văn hóa và xã hội của những nơi thờ phượng”. Hồng y lên chương trình hành động và mong sẽ có chỉ thị chính xác về việc dùng các nhà thờ bỏ trống này. Ngài giải thích: “Nếu nhà thờ được dùng một cách khéo léo làm nơi mục vụ xã hội, các cuộc hội họp văn hóa hay xã hội, hoặc làm tiệm sách hay thư viện thì giáo hội có thể ký. Nhưng để làm tiệm kem thì sẽ khó”.

Các đồ vật quan trọng có trong nhà thờ được đem bán – các tượng, các bức khảm hoặc các tác phẩm khác -, nhưng được cất giữ ở viện bảo tàng của địa phận để nhà thờ được trống là những điểm cần phải bàn thảo. 

Các nhà thờ bị ảnh hưởng

Khó để ước lượng con số chính xác các nhà thờ bị trống. Nhà báo Benoỵt de Sagazan, chuyên gia về di sản tôn giáo đã kiểm tra có 316 nhà thờ bị bỏ hoang ở Pháp, trong đó có 14 nhà thờ ở Paris và từ năm 2000 đến nay có 38 nhà thờ và nhà nguyện bị phá hủy. Một con số gia tăng không ngừng song song với tình trạng thế tục hóa và các khó khăn về tài chánh để duy trì và gìn giữ các tòa nhà.

Ý thức việc nhà thờ hoang vắng, cọng thêm vấn đề tài chánh, hồng y Ravasi nhắc lại tầm quan trọng của mục vụ, cũng như các lệch lạc của các chuyện này gây ra. “Chúng tôi thấy điều này nơi linh mục, họ không biết phải làm gì, mở tiệm kem, mở ga-ra, văn phòng quảng cáo hay những chuyện tệ hơn”. Ngài cũng kể đến các trường hợp khác như ở Tiệp, nhà thờ Thánh Barbara ở Llanera, Tây Ban Nha vừa sửa làm nơi trượt băng, nhà thờ Đa Minh Selexyz ở Hà Lan làm thư viện và tiệm càphê, nhà thờ San Lorenzo ở Venise làm phòng hòa nhạc. Các trường hợp này không riêng lẻ và các giám mục đang nghiên cứu tài liệu của hồng y Ravasi.

Vấn đề cũng khá phổ biến ở Ý, lý do là rất khó khăn để duy trì các di sản tôn giáo. Các di sản này là công trình nghệ thuật đặc biệt và là trọng tâm văn hóa của nước Ý, đó là không kể đến nhiều vụ động đất đã làm cho tình trạng này bị nặng thêm với gần 13.000 nhà thờ bị thiệt hại. Ở Ý các giám mục coi sóc 65.000 nhà thờ, phần còn lại là do các tổ chức riêng hay quốc gia đảm trách trên tổng số 100.000 nhà thờ. 

Vai trò văn hóa, lịch sử và thiêng liêng của các nhà thờ

Về phần mình, giáo dân cũng phải có trách nhiệm đứng trước sự suy sụp của các cơ sở này, đây là nơi cầu nguyện, nơi nâng cao đời sống tâm linh mà ai cũng cần, dù là người không tin, đôi khi họ cũng vào đây để cầu nguyện.

Hồng y Nunzio Galantino, chủ tịch Hội đồng giám mục Ý, ngài vừa được bổ nhiệm đứng đầu ban quản trị di sản thiêng liêng đã lưu ý mọi người về tầm quan trọng phải có các quyết định trong tương lai cho các giá trị này. Ngài nêu lên việc “giáo dân than phiền và sợ sự suy sụp sắp đến do thiếu bảo trì”, ngài nhấn mạnh để cộng đoàn quan tâm đến số phận của các nhà thờ.

Về phần mình, linh mục Valerio Pennasso, giám đốc văn phòng quốc gia về các tài sản văn hóa của giáo hội nhắc lại, “trong nhiều trường hợp, nhà thờ dù ít có người lui tới nhưng nhà thờ đại diện cho một sự liên kết chặt chẽ với ký ức của nơi thờ phượng, với lịch sử của cộng đoàn, và khi nhà thờ bị biến đổi thành cơ sở thương mại thì ký ức này hoàn toàn bị mất và thường đã tạo ra sự chống đối ở địa phương”. Trong vài tuần sắp tới, các giám mục phải nắm vững các vấn đề này và phải suy nghĩ để tìm biện pháp để hội nghị vào tháng 11 này mang lại kết quả.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch