Ronald Rolheiser, 2013-09-22
Thật khó để giả vờ khiêm nhượng, nhưng dường như, chúng ta cần phải làm thế.
Ví dụ, một vài lời của Chúa Giêsu về tính khiêm tốn lại đặt ra câu hỏi hơn là cho câu trả lời. Trong dụ ngôn về chọn chỗ trong bàn tiệc, Chúa Giêsu gợi ý chúng ta đừng tìm chỗ cao, kẻo có ai đó quan trọng hơn cũng đến, và mình sẽ bị bẽ mặt khi bị mời xuống chỗ thấp hơn. Chúa bảo, tốt hơn, nên tìm chỗ thấp nhất trước để chủ nhà sẽ đến và mời chúng ta lên chỗ cao hơn, như thế người khác sẽ thấy được tính khiêm nhượng vô cùng của mình. Bất kỳ ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên, còn ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Nhìn sơ qua, dường như chiến lược này dùng để mình được tôn dương mà vẫn tỏ ra mình khiêm nhượng.
Kinh Thánh mời gọi chúng ta đừng xem mình cao hơn người khác, nhưng điều này lại gợi lên một chất vấn: Liệu có ai sống đạo đức và quãng đại tận căn, lại nghĩ rằng mình chẳng có gì tốt hơn người bất cần, ích kỷ, người ác tâm trong liên hệ với Thiên Chúa, tha nhân và thế giới, hay không? Liệu chúng ta có thực sự tin mình chẳng hơn gì người khác? Liệu trong thâm tâm, mẹ Têrêxa có nghĩ mình chẳng có gì tốt hơn người khác? Liệu mẹ có thể thực sự nhìn vào lòng mình mà nói: “Tôi chỉ là một đại tội nhân trên địa cầu này?” Hay, liệu mẹ, và dĩ nhiên là cả chúng ta nữa, đến cuối cùng, giả vờ khiêm nhượng vì chúng ta không nghĩ rằng mình chẳng có gì tốt hơn những kẻ xấu xa nhất trên trái đất này?
Và do đó, chúng ta có thể tự hỏi mình: Chúng ta cho mình không tốt đẹp hơn người khác, nhưng liệu suy nghĩ này chỉ màu mè giả bộ, kiểu chúng ta quả quyết về mình, nhưng hoàn toàn không thật tâm? Xét cho đến cùng, chẳng phải sự khiêm nhượng của chúng ta thực sự chỉ là một chiến lược để được tôn dương bằng một con đường thâm thúy hơn và được tôn trọng hơn hay sao? Có ai muốn mình bị xem là người kiêu ngạo và đầy cái tôi? Và liệu chúng ta có thể sống khiêm nhượng mà không có chút gì tự hào về điều đó? Liệu chúng ta có thực sự tin rằng mình chẳng có gì tốt đẹp hơn mọi người?
Tôi rất thích cách nhìn sâu sắc của John Shea về vấn đề này. Trong nhật ký của mình, Bede Griffiths thú nhận ông chẳng tốt hơn ai, John Shea đã đặt ra vấn đề là, dựa vào phẩm chất đạo đức và đời sống thiêng liêng của Griffiths, dựa vào chiều sâu cũng như lòng cảm thông được trau dồi qua năm tháng cầu nguyện và sống kỷ luật của mình, liệu Griffiths có thể thực sự tin rằng mình chẳng có gì tốt đẹp hơn bất kỳ ai, hay không? Liệu ông có thực sự không so sánh mình với người khác hay không? Có thể nào không một ai trong chúng ta đi so sánh mình với người khác không?
John Shea cho rằng chìa khóa để giải các câu hỏi này nằm ở việc nhìn kỹ vào ngụ ý của Griffiths khi ông cho rằng mình chẳng tốt hơn ai. Khi Griffiths quả quyết như thế, trọng tâm của ông không nằm ở các hành vi đạo đức của mình hay của bất cứ ai. Xét trên tầm mức hành vi đạo đức, đã là người thì không thể nào tránh được việc so sánh với nhau. Chúng ta, hết thảy, đều có những so sánh, cho dù chúng ta có chối đi nữa. Nhưng cội rễ của khiêm nhượng không nằm ở nơi vị thế của chúng ta, trên hay dưới người khác, xét theo hành vi đạo đức.
Khi Griffiths chân thành nhìn nhận mình và tin rằng mình không tốt đẹp gì hơn bất kỳ ai trên đời này, thì thật sự ông đang nhìn vào bản chất, vào cốt lõi của mình, vào sâu thẳm tâm hồn mình, nơi ông thấy rằng, ông, giống như tất cả mọi người khác trên thế giới này, đều dễ bị tổn thương, đơn độc, sợ hãi, trần trụi, quy ngã, bất xứng, vô vọng, phó mặc cho số phận, và cần đến Thiên Chúa và tha nhân, về những điều này chúng ta tuyệt đối giống tất cả mọi người khác trên trái đất, và như thế, chẳng có gì tốt đẹp hơn ai cả.
Chẳng một ai tự cho mình sự sống, tự giữ sự sống, hay tự cho mình ơn cứu độ. Tất cả chúng ta đều như nhau, bất xứng và bất lực ở đời này. Tính ngẫu nhiên làm chúng ta bằng nhau, từ mẹ Têrêxa cho đến Hitler, và điều mấu chốt cho sự khiêm nhượng chân thật nằm ở việc nhận ra được điều đó. Thật vậy, càng nhạy cảm về đạo đức và tâm lý, chúng ta càng có khả năng nhận ra sự thiếu thốn và đơn độc của mình nơi sự yếu đuối của tất cả mọi người khác. Khi Bede Griffiths tuyên bố rằng ông chẳng tốt đẹp gì hơn bất kỳ ai và ông cần đến lòng thương xót của Chúa như tất cả tội nhân trên trái đất này, thì không phải ông giả vờ khiêm nhượng, cũng như so đo về mặt đạo đức. Nhưng ông đang nói ra một điều gì đó sâu sắc hơn, cụ thể là sự thật, xét cho đến cùng, tất cả chúng ta đều bất lực như nhau, không thể tự ban sự sống cho mình được.
Lời mời gọi sống khiêm nhượng vang vọng rõ ràng và liên tục trong linh đạo Kitô giáo, từ Chúa Giêsu, qua Bede Griffiths, qua mẹ Têrêxa, qua tất cả các nhà linh hướng là: Hãy trở nên như trẻ nhỏ. Hãy chọn lấy chỗ thấp nhất. Đừng bao giờ xem mình tốt đẹp hơn bất kỳ ai. Biết rằng bạn cần lòng thương xót của Chúa, giống như những tội nhân nặng nề nhất trên trái đất này. Tuy nhiên, chúng ta đừng mang lấy nhận thức này bằng cách so sánh mình với người khác, nhưng bằng cách nhận ra sự trần trụi tột cùng của mình khi đứng trước lòng thương xót của Chúa.
J.B. Thái Hòa dịch