Ronald Rolheiser, 2013-09-29
Vài năm trước đây, Hollywood có làm một bộ phim về cuộc đi bộ hành hương Camino ở Tây Ban Nha, tựa đề là Những nẻo đường, bộ phim thuật lại câu chuyện của người cha có người con bị chết trong một tai nạn không lâu sau khi anh vừa bắt đầu cuộc hành hương Camino dài năm trăm dặm này. Người cha, do Martin Sheen thủ vai, đã bị đứa con mình ghẻ lạnh, nhưng khi đến Pháp, điểm khởi hành cuộc hành hương của con để nhận tro, ông thấy mình phải hoàn tất chuyến đi của con mình, với hành lý và tro của con, ông lên đường.
Ông không biết chắc vì sao mình lại lên đường, ngoài việc ông cảm thấy có một lý do nào đó, đây là điều ông phải làm cho con trai mình, và điều này, theo cách nào đó, sẽ làm rõ sự ghẻ lạnh mà đứa con đã dành cho ông, và đây cũng là điều ông phải làm để nguôi đi sầu đau trong lòng. Dù đang ở trong tình trạng khủng hoảng và bất mãn xã hội, nhưng trên đường đi, ông được bầu bạn với ba người, mỗi người đi vì một nguyên do khác nhau.
Người đầu tiên là một người đàn ông từ Hà Lan, ông đi để giảm cân, nếu không giảm cân, vợ sẽ ly dị. Người thứ hai là một phụ nữ Canada thuộc Pháp, bề ngoài thì đi để bỏ thuốc lá, nhưng chính ra là để vươn lên sau một quan hệ đổ vỡ. Người thứ ba là nhà văn Ireland, lên đường trong hy vọng vượt lên ‘khối văn học khép kín’ của mình. Như thế câu chuyện tập trung vào bốn người đồng hành không tưởng này, vì mỗi người mang trong đầu một mục tiêu riêng cho chuyến đi này.
Họ bền chí và hoàn thành cuộc hành hương, họ tới được nhà thờ chính tòa Santiago, họ thấy thói quen hàng thế kỷ của vô số khách hành hương khi đến đích đã đánh dấu mốc đến của mình, nhưng rồi họ nhận ra, họ chưa đạt được những gì họ hy vọng. Người đàn ông Hà Lan vẫn chưa giảm được cân nào, cô người Canada – Pháp chưa thể bỏ thuốc lá, nhà văn Ireland nhận ra vấn đề thực sự của mình không phải là khối đá văn giả khép kín của mình, còn người cha trong chuyến hành hương thay cho con, thấy mình làm việc này vì các lý do khác, những lý do của riêng ông thì đúng hơn. Không một ai trong họ có được điều mình muốn, nhưng mỗi người đều có được điều mình cần. Những nẻo đường sự sống làm việc như nẻo đường Camino Santiago.
Tôi đã học được chính bài học này khi thực hiện cuộc đi bộ Camino một năm trước. Tôi đến đó với một ước mơ trong lòng. Đã sáu tháng trôi qua, sau đợt hóa trị, tôi được hồi sinh cùng nguồn sinh lực mới, đang trong kỳ nghỉ phép, tôi mong đi bộ hết con đường cổ xưa và nổi tiếng này để củng cố sức lực và tinh thần mình. Sức của tôi đã tốt hơn đúng như tôi kỳ vọng trước khi lên đường. Nhưng việc cơ thể mạnh lại là một con đường dài, rất dài so với nhưng gì tôi hình dung.
Và tôi mơ qua chuyến đi này, tôi có thể viết được một tác phẩm nội tâm sâu sắc, đọc một vài quyển sách thần nghiệm cổ điển, pha trộn chiều sâu thần nghiệm với sự huyền bí của tuyến đường cổ xưa này, cũng như sẽ viết được một vài bài báo, và khi trở về sẽ là người chiêm niệm có độ sâu sắc hơn. Tôi mong là thế, nhưng các nẻo đường lại có những hướng khác cho tôi.
Vì mỗi ngày chúng tôi bỏ nhiều thì giờ ở trên đường, nên thực tế tôi không có thì giờ để đọc hay viết báo. Đến tối, thì tôi mệt lử, không còn sức để đào sâu nội tâm. Chính yếu là tôi chỉ muốn đi tắm và ăn một bữa ăn nóng sốt. Quyển sách chính mà tôi mang theo, Đám mây Vô thức vẫn còn ở đáy vali, tôi chưa giở ra trang nào. Tôi thu xếp để mỗi ngày có vài giờ cầu nguyện riêng trên đường, nhưng đây không phải là dạng nội tâm sâu đậm mà tôi tưởng tượng. Tôi đã tưởng tượng về những gì tôi muốn đạt đến, nhưng cũng như các nhân vật trong bộ phim trên, đó không phải là những điều tôi cần.
Con đường dạy tôi một điều khác, sâu sắc hơn, cần thiết hơn và khiêm nhượng hơn. Điều tôi học được từ chuyến đi với ba người bạn thân chính là việc tôi nhận ra tôi là đứa con nít được nuông chiều. Linh mục độc thân, không có những đòi hỏi bắt buộc của hôn nhân, con cái, và gia đình hơn bốn mươi năm qua, tôi nhận ra lối sống và thói quen của mình chỉ tập trung vào cái tôi và chiều theo tính riêng của tôi đến mức như thế nào. Tôi thường nhớ lại những khoảnh khắc đời mình, ít nhất là trong nhịp sống mỗi ngày. Chuyến đi bộ Camino dạy cho tôi biết tôi phải xác định những vấn đề của đời mình, và đó là việc cần thiết cấp bách và nghiêm trọng hơn việc đọc và hiểu quyển Đám mây Vô thức nhiều. Chuyến đi bộ Camino dạy tôi có một số con đường quan trọng, tôi cần phải lớn lên!
Robert Funk đã viết, ân sủng là chuyện âm thầm: Nó gây đau đớn từ bên trong, từ nơi mà chúng ta nghĩ là khó bị tổn thương nhất. Chúng ta lập luận đạo đức để tránh nó, nhưng nó khắc nghiệt hơn những gì chúng ta nghĩ. Và nó lại càng độ lượng hơn chúng ta nghĩ, nhưng nó không bao giờ dễ dãi lúc chúng ta nghĩ nó đáng phải dễ dãi. Cũng như cuộc hành hương đi bộ Camino Santiago vậy.
J.B. Thái Hòa dịch