Cuộc lữ hành chậm chạp và không thể thấy của Điều Thiện
Ronald Rolheiser, 2013-09-08
Thiên Chúa vẽ đường thẳng với những nét cong. Châm ngôn này có vẻ minh triết nhưng liệu nó có đúng hay sâu sắc thật hay không? Liệu lòng thiện có đích thực phát xuất từ sự dữ không? Liệu tình yêu, sự thật, và công chính có xuất phát từ hận thù, dối trá, và bất công hay không? Liệu những đường cong có thật sẽ được làm thẳng lại hay không?
Khi nhìn qua mọi chuyện, thì câu trả lời cho các câu hỏi này sẽ luôn là không, nhưng đức tin không bao giờ dựa vào những biểu hiện thoáng qua bên ngoài. Đức tin, như Jim Wallis đã say sưa nói, không dựa vào sự chứng thực. Đúng hơn, đức tin tìm đến lời Chúa và rồi chờ đợi sự thay đổi hiển nhiên. Đức tin nhìn sâu hơn, dưới bề mặt, các sai lầm dùng để phục vụ cho chân lý.
Chúng ta thấy sự diễn tả sâu sắc này qua bài thơ Suy niệm của nhà thơ Raissa Maritain. Bài thơ tự nó đã có sức thuyết phục nhưng nếu chúng ta biết nguồn gốc của nó, chúng ta sẽ thấy đây là một bài thơ diễn tả đức tin rất mãnh liệt. Không phải là một diễn tả đơn giản về đức tin trong giai đoạn mơ hồ tăm tối. Giai đoạn tăm tối đã thật sự xảy ra trong cuộc đời nhà thơ.
Raissa, một người theo Do Thái giáo trở lại Công giáo, bà luôn luôn giữ một tình yêu sâu đậm, một mối liên hệ với cội rễ Do Thái giáo của mình. Bà tự nhận mình là người Kitô hữu với tâm hồn Do Thái. Năm 1936, khi viết bài thơ này, bà chứng kiến sự lớn mạnh của Adolph Hitler và chủ nghĩa Quốc xã ở Âu châu, bà đã mắt thấy tai nghe những chuyện đau khổ của người Do Thái, trong số đó có bạn bè của bà, đã bị giết, đặc biệt ở Ba Lan, và bà thấy mình đang bị đe dọa, bà nhanh chóng làm giấy tờ cần thiết để rời Pháp sang Mỹ. Thế giới của bà đã sụp đổ, các bạn bè đã chết, và bà đang gấp rút lo cho sự an toàn của mình. Sự dữ đang lan tràn, tất cả quyền thế chính trị và xã hội được người dân tin tưởng, đều như bị sự dữ nghiền nát hoặc bắt tay với nó. Trong hoàn cảnh khốc liệt đó, bà viết bài thơ này:
Bóng tối về, đổ từ muôn vạn hướng;
Dưới cánh đen tổng lãnh thiên thần
Thiêng liêng dự định phô bày hé mở.
Một nghịch lý cùng tận từ tạo hóa:
Trường vĩnh cửu xây qua suốt thời gian,
Mà sự thiện trường tồn có nhờ tay sự dư.õ
Và nhân loại lê chân bước tìm công lý
Qua những đường cong đầy trĩu nặng bất công tàn ác,
Sai lầm hôm nay để phục vụ cho
Chân lý sẽ đến;
Sự thiện, chỉ một ít thôi,
Dường như bất lực, dường như vô phương
Trước những bất hạnh của bao thời đại
Sự thiện, chỉ một ít thôi
Vẫn mãi là hạt giống nuôi mầm
Cho cây bất diệt của Tình yêu.
Sau bảy mươi năm nhìn lại, chúng ta thấy đức tin của bà thật có nền tảng. Bất chấp sự dữ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục công trình của Ngài, dự định của Thiên Chúa vẫn tiếp tục được bày tỏ, và những bất hạnh của chúng ta trở thành một phần trong sự thăng tiến tình yêu, sự thật, và công chính. Nếu nhìn sơ bên ngoài, thì điều này gần như không hiển hiện, vì chúng ta cứ mãi chú ý đến những biến chuyển lớn của quyền lực, trong chính trị, xã hội, kinh tế, và tôn giáo. Chúng ta cứ mãi nhìn vào những vĩ nhân và cố đọc ra những hành động của Thiên Chúa nơi họ mà thôi.
Nhưng, rõ ràng như bài thơ của Maritain cho thấy, sự quan phòng của Thiên Chúa thường, gần như luôn luôn, nằm ngoài các sự việc xảy ra một cách rõ ràng trong cấu trúc có vẻ quan trọng của chính trị, xã hội, và giáo hội. Đó là lý do vì sao, sự quan phòng của Thiên Chúa thường không rõ ràng. Sự quan phòng được ẩn dấu, vì Thiên Chúa thường bỏ qua những gì chúng ta chú ý đến.
Quan điểm của Maritain cho rằng dự định thiêng liêng được thể hiện nơi kín đáo trùng với lời giới thiệu của thánh sử Luca về Gioan Tẩy Giả. Cách thánh Luca giới thiệu trước hết là nêu tất cả các nhân vật quan trọng trong giới chính trị lẫn tôn giáo thời đó (Tiberius, Pontius Pilate, Herod, Philip, Lysanias, Annas, và Caiaphas), rồi ngài tiếp rằng lời của Thiên Chúa đã bỏ qua những người đó mà đến với Gioan, một người lập dị không danh tiếng trong hoang mạc. Sẽ rất chấn động nếu chuyện này trở nên hiển nhiên, nếu ngày nay có một cây bút tôn giáo nêu ra tất cả các nhà lãnh đạo quan trọng của thế giới, các giới chức quan trọng trong giáo hội thời này, kể cả giáo hoàng, rồi nói rằng lời Chúa bỏ qua họ hết, thay vào đó lời Chúa đến từ một tu sĩ vô danh trong một tu viện chẳng mấy ai biết. Nhưng rồi chúng ta sẽ không tin, đúng thật, rất khó để tin, và lòng hoài nghi gần như sẽ đóng sầm cánh cửa không cho chúng ta thấy sự quan phòng của Thiên Chúa đang hành động ở những nơi sâu kín hơn.
Như Teilhard de Chardin đã nói, thế giới của chúng ta là cuộc dò dẫm vô biên, cuộc tìm kiếm vô tận chỉ có thể tiến hành với cái giá là rất nhiều thất bại và đau khổ của nhân loại. Nhưng, Teilhard de Chardin cũng cho thấy là đau khổ của chúng ta không vô dụng. Ông quả quyết rằng, trong đau khổ của mình, chúng ta trả cái giá cho quá trình tiến tới và thắng lợi chung của toàn vũ trụ. Những đau khổ của chúng ta, dù bản chất có là gì đi nữa, vẫn là một sự cao quý. Các đau khổ làm thăng tiến thế giới, một thế giới nghiền nát đau khổ và hy sinh chúng.
Dự định thiêng liêng thường ở trong bóng tối, những sai lỗi hôm nay là để phục vụ cho chân lý ngày mai, và sự quan phòng của Thiên Chúa thường bỏ qua các cơ cấu quyền lực. Và như thế, đức tin của chúng ta cần phải nhìn sâu hơn những gì đang xảy ra trước mắt, đức cậy hay niềm hy vọng của chúng ta phải đặt nền tảng trên một điều gì đó cao hơn các tin tức hàng ngày, và đức mến của chúng ta phải bớt đi sợ hãi và hoang mang. Thiên Chúa luôn sống động và hoạt động cách ẩn dấu. Trong những nỗ lực và đau khổ của chúng ta, chẳng có gì vô nghĩa, kể cả những thất bại và lầm lỗi của chúng ta.
J.B. Thái Hòa dịch