“Ơn nước mắt” để chống với tâm hồn khô cằn
Nước mắt vui mừng của một nữ tín hữu ở quảng trường Thánh Phêrô, chỉ một thời gian ngắn sau khi Đức Phanxicô được bầu chọn ngày 13 tháng 3 -2013. / Corinne SIMON/CIRIC
Lạy Chúa, xin cho chúng con ơn nước mắt để chúng con khóc tội lỗi mình và nhận ơn tha thứ của Chúa.
Tweet của Giáo hoàng Phanxicô 9-4-2015
la-croix.com Pierre-Yves Le Priol, 2015-12-31
Thường trong dịp Mùa Chay, Đức Phanxicô nhắc chúng ta nên xin Chúa “ơn nước mắt” để làm tươi mới lại một truyền thống thiêng liêng đã bị xã hội hiện đại lãng quên.
Trong bài giảng ngày thứ tư Lễ Tro (tháng 2 năm 2015), Đức Phanxicô nhắc lại một truyền thống xưa cũ ngày nay đã bị lãng quên: “ơn nước mắt”. Ngài nói, để làm cho con đường trở lại được xác thực, chúng ta phải xin ơn được khóc trong lúc cầu nguyện, đôi khi phải để “giọt nước mắt của quả tim” về đúng chỗ của nó. Ngài mong chúng ta xin Chúa ơn này để làm thông tỏa và làm dịu tâm hồn chai cứng của mình.
Nước mắt có phải là một ơn của Chúa không? Có nên xin Chúa mà đừng xấu hổ khi mình cầu nguyện, vì các giọt nước mắt là dấu chỉ báo hiệu ơn Chúa đến? Chúa có thể cất ơn này của chúng ta không? Nếu không thì khi khóc có bị cho là ủy mị tình cảm thái quá không?
Vào thời Trung Cổ người ta không xấu hổ khi khóc sướt mướt. Trong cuộc hiện sinh ở trần thế bị xem như “thung lũng nước mắt” thì nước mắt được xem như dấu hiệu đầu tiên của ơn Chúa, làm cho tâm hồn dễ dàng đón nhận Chúa, trong khi người có mắt khô ráo bị cho là người khô cằn và vô ơn. Như thế có một cái gì chung với truyền thống đông phương, các người chính thống giáo thường, họ hay nói “phúc thay cho sầu não” mà nước mắt là… đại diện!
Nước mắt cá sấu!
Mọi sự trong thế giới hiện đại của chúng ta đều phải được kiềm chế, đặc nét của nó là tính ‘không động lòng trắc ẩn’. Như nhà tín hiệu học người Pháp Roland Barthes đã từng nói: “Chúng ta không còn cho nước mắt của mình một cái gì là xứng đáng nữa”… Tệ hơn, nước mắt làm cho chúng ta đâm lo và mất quân bình, nước mắt bị xem là dấu hiệu của yếu đuối. Cũng có khi nước mắt được dàn cảnh một cách giả tạo, như trên một vài phim truyền hình, khóc cho mọi người thấy! Trước máy quay phim, các giọt nước mắt cá sấu này không làm cho ai xúc động!
Chính khi đi thăm các nhà tù, nơi nước mắt bị xem như dấu hiệu của bệnh hoạn mà nữ tu Dòng Đa Minh Anne Lécu quan tâm đến nước mắt. Là bác sĩ, xơ thường khám các tù nhân, xơ thấy có nhiều tù nhân khóc nhiều quá, đến mức nhân viên nhà tù sợ họ có ý muốn tự tử. Xơ tự hỏi: “Các giọt nước mắt này có phải là để xoa dịu nỗi sầu não không? Hay hoàn toàn không có nước mắt mới đáng lo, ở trong nhà tù cũng như ở nơi khác?”
“Cứ khóc, sẽ làm cho mình khỏe”
Theo xơ Anne Lécu, trong chừng mực chúng ta không khóc thái quá thì nước mắt là một “ơn”: một ơn đến từ trên cao. Theo xơ Anne: “Đó là món quà của một tiếp nhận đến từ nơi khác, từ nguồn nội tâm mà chúng ta không thể kiểm soát”. Đối với xơ, dòng nước mắt trọng yếu không phải chỉ là dấu hiệu của lời than vãn hay của buông bỏ nhưng đó cũng là dấu hiệu của việc thức tỉnh tính nhạy cảm, một sự cắt đứt với tình trạng tê cứng tâm hồn”.
Tiếng Pháp (cũng như tiếng Việt) có rất nhiều thành ngữ để diễn tả nước mắt, khóc như suối, khóc như đứa con nít, khóc trong tiếng nói, khóc trong khóe mắt, không còn nước mắt để khóc, khóc như cha chết mẹ chết, khóc hết nước mắt, khóc mờ mắt và một câu thành ngữ quen thuộc: “Khóc cho vơi nỗi sầu!”
Nước mắt rửa sạch mắt
Truyền thống kitô phân biệt các giọt nước mắt sầu não và các giọt nước mắt vui mừng. Giọt nước mắt sầu não là nước mắt ăn năn thống hối, nói lên lòng hối tiếc các lỗi lầm đã phạm và niềm đau khổ khi nhắc đến nó. Nữ tu Anne Lécu giải thích: “Khi đó nước mắt rửa sạch mắt. Khi chúng ta khóc mờ mắt thì chúng ta thấy những chuyện mà khi mắt khô chúng ta không thấy”. Nước mắt cũng có thể có tác dụng tốt cho một khởi đầu lên đường mới và thấy trước thời gian sẽ đến, khi “Chúa lau nước mắt cho chúng ta” (Sách Khải huyền).
Còn nước mắt hân hoan là nước mắt loan báo sự hiện diện của Chúa. Xơ Anne Lécu cho rằng, nước mắt hân hoan “đến khi có một cái gì xuất hiện trong đời chúng ta lớn hơn chính chúng ta và như thử được điều siêu việt chạm đến, điều lớn nhất này đến làm thay đổi bộ mặt của giây phút hiện tại”.
Trong một tác phẩm cổ điển nói về linh đạo của Dòng Chartreux, bà Nathalie Nabert, khoa trưởng phân khoa văn chương của Viện công giáo Paris đưa ra cả một khoa “tu từ học của điều sung mãn” được các bậc thầy thần học thần nghiệm diễn giải như Guillaume de Saint-Thierry (thế kỷ 12), Hugues de Balma (thế kỷ 13), Denys le Chartreux (thế kỷ 15).
Các giọt nước mắt ở đây trở thành các giọt nước mắt của tình yêu, và từ vựng ở đây là từ vựng của của một tầm nhìn ân phước. Các tác giả dùng các tính từ “vu ithích”, “dịu ngọt thiêng liêng”, “dòng suối ngọt ngào”. Bà Nathalie Nabert nói: “Đó là sự đột nhập bất ngờ của chính Thần Khí và ơn của Ngài, một hình thức gây kinh ngạc, ơn phúc của sự Hiện diện. Trong biểu hiện này, các giọt nước mắt tuôn ra để thể hiện niềm vui thiêng liêng”.
“Vui, vui, vui, khóc vì vui”
Khi tâm hồn trở lại với đức tin kitô (như trường hợp Thánh Âugutinô, nhà văn Pháp Claudel), hay dấu hiệu khiêm tốn mình cảm nhận có Chúa trong đời mình (trường hợp câu chuyện trong Thánh Kinh nhưng cũng là trường hợp của tất cả chúng ta), các giọt nước mắt nói lên một quả tim mở ra và đón nhận tất cả chiều kích của ơn Chúa.
Theo bà Nathalie Nabert, “nước mắt là dấu hiệu đi trước của thức ăn sẽ nuôi dưỡng tâm hồn trong niềm bí ẩn của chiêm niệm”. Đó chính xác điều mà triết gia Pháp Pascal diễn tả khi ông tuyên xưng đức tin đã tìm lại được, ông viết trên mảnh giấy nhỏ câu: “Cha công chính, con đã biết Cha. Vui, vui, vui, khóc vì vui”, ông khâu mảnh giấy này trong phần áo lót đệm măng-tô của mình, một điều khó hiểu với đầu óc lý lẽ.
Vì chính Chúa Kitô đã khóc ba lần (khi ông Ladarô chết, khi vào thành Giêrusalem và khi hấp hối ở vườn Giếtsêmani) nên có thể nói, có một liên hệ giữa Chúa và nước mắt. Xơ Anne Lécu kết luận: “Nếu Chúa cũng khóc thì nước mắt là con đường dẫn đến Chúa, câu trả lời cho sự hiện diện của Ngài, nơi chúng ta có thể gặp Ngài vì Ngài ở đó”.
Như thế nước măt là để tiếp nhận Chúa chứ không phải là dấu hiệu của sầu não, lại càng không phải là dấu hiệu của mệt mỏi nhưng là các hạt ngọc quý được xem như ơn cho đôi mắt chúng ta: ơn nước mắt, ơn của Chúa.
Marta An Nguyễn dịch