Jean-Marie Guénois: “Thời điểm khó khăn cho Giáo hội công giáo và Đức Phanxicô”
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2018-05-28
Sự phân hủy chính trị của nước Ý và cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề phá thai ở Ai Len đã làm cho Vatican phải nhìn nhận Giáo hội công giáo ngày càng mất truyền thống tổ tiên. Tuy nhiên đây không phải là chuyện đáng ngạc nhiên.
Trong những ngày này, con thuyền của Thánh Phêrô đang gặp sóng gió. Bên ngoài thì nước xoáy. Bắt đầu ở Ý. Ngày 27 tháng 5, chính quyền thất bại trong việc thành lập nội các cho thấy sự phân hủy chính trị ở đây và điều này đã làm cho Vatican thật sự lo ngại. Một số người xem đây là cú chơi thấp của Vatican để ngăn đảng Lega là đảng chống liên hiệp Âu châu lên nắm chính quyền, nhưng đảng này mang nhiều quyền uy đến cho Giáo hội công giáo Ý. Chắc chắn Giáo hội rất mạnh ở Ý nhưng quyền lực ảnh hưởng xã hội và chính trị đã giảm rất nhiều. Các kết quả bầu cử lập pháp ngày 4 tháng 3 đã chứng minh điều này.
Nhưng ngày thứ bảy 26 tháng 5 cú ân huệ lại bị hụt do kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề phá thai ở Ai Len. Bất lực, Vatican phải nhìn nhận, ở đây Giáo hội công giáo cũng mất truyền thống tổ tiên. Với tỷ số 66,4% ủng hộ phá thai ở một nước có gần 80 % dân số nói mình là người công giáo, với con số giữ đạo trung bình 40 %. Tuy nhiên đây cũng không phải là chuyện ngạc nhiên. Giáo hội biết mình mất uy tín sau vụ ấu dâm bùng nổ cách đây mười mấy năm.
Trong đống rối ren này, ngày 24 tháng 5, trong cuộc phỏng vấn với báo Eco di Bergamo (thành phố quê hương của Đức Gioan XXIII), Đức Phanxicô chỉ đơn giản nhắc lại, sứ mạng của Giáo hội không phải là “thay đổi chính quyền nhưng là hội nhập theo lô-gích của Tin Mừng trong suy nghĩ và hành động của các nhà lãnh đạo”.
Vấn đề là uy tín của “lô-gích Tin Mừng” được trực tiếp ấn định trên tình trạng đạo đức của Giáo hội công giáo mà quyền uy trước công chúng – trường hợp nước Ai Len vừa chứng minh cho thấy – bị ảnh hưởng bởi các vụ ấu dâm.
Một đất nước xa nhưng trường hợp lại không khác biệt. Các Giáo hội cho đến bây giờ bề ngoài có vẻ như không có vấn đề, bây giờ lại bùng ra các tai tiếng. Đó là trường hợp nước Chi-lê.
Về vấn đề này, Đức Phanxicô phải đối diện với cơn khủng hoảng còn nặng hơn cơn khủng hoảng trong chiếc thuyền Thánh Phêrô. Người ta nghĩ cuộc chiến Chi-lê này gần như đã giải quyết xong cách đây hai tuần. Đức Phanxicô đã triệu toàn hội đồng giám mục Chi-lê về Rôma đóng kín cửa để giặt đồ dơ và ra về với một cơ sở mới. Người ta tố cáo một vài giám mục Chi-lê đã bao che các vụ ấu dâm khét tiếng của linh mục Karadima, từ lâu hàng giáo sĩ Chi-lê đã coi thường các nạn nhân.
Nhưng càng ngày càng rõ ràng, sự từ chức tập thể của 29 trong số 34 giám mục Chi-lê ngay ngày hôm sau cuộc họp với Đức Phanxicô không phải là lối thoát lịch sự để Đức Giáo hoàng có toàn quyền hành động… Đây là hành vi nổi loạn đặc trưng chống Giáo hoàng… Mỗi ngày trôi qua, bằng chứng này lại càng được thấy rõ: không những sự từ chức này chưa được Đức Giáo hoàng chính thức chấp nhận để có hiệu lực, mà không một cơ quan truyền thông Vatican nào hé ra một lời. Sự im lặng chính thức này được chứng thực bởi thông tin nội bộ: các giám mục này từ chối chịu trách nhiệm chung như Đức Giáo hoàng đề nghị họ.
Cuối cùng, yếu tố rắc rối thứ ba: về cuộc khủng hoảng này cọng thêm các lời tuyên bố riêng của Đức Phanxicô được đem ra công chúng, nhất là về vấn đề đồng tính. Làm tạo thêm hoang mang. Ngày 19 tháng 5, một trong các nạn nhân của cha Karadima, ông Juan Carlos Cruz, được Đức Phanxicô gặp riêng ngày 2 tháng 5 tuyên bố trên nhật báo Tây Ban Nha El Pais, rằng Đức Phanxicô đã nói với ông: “Juan Carlos, việc anh đồng tính không quan trọng. Chúa đã dựng nên anh như vậy và Ngài thương anh như vậy và điều này cũng không quan trọng với cha. Giáo hoàng thương anh như vậy, anh phải hạnh phúc về con người thật của mình”.
Câu này như đập mạnh vào vị trí của Vatican, các lời nói “tuyệt đối riêng tư” thì không nên nói ra. Và một quan điểm rõ ràng mâu thuẫn với lời Đức Phanxicô nói với các giám mục Ý trong buổi họp kín, “nếu có một chút nghi ngờ nào dù nhỏ về khả năng đồng tính của ứng sinh, thì tốt hơn không nên để họ vào chủng viện”.
“Lô-gích Tin Mừng” mà Đức Phanxicô mong muốn chắc chắn là trong sáng, nhưng lô-gích này cũng phải hoạt động với sự phức tạp và với lịch sử của Giáo hội trong cương vị của một thể chế.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Ấu dâm: Linh mục Jordi Bertomeu Farnós trở lại Chi-lê để làm việc