Vatican và tài chánh thế giới: “Chúng ta cần có một suy nghĩ cơ bản về cái gọi là tiền bạc”
la-croix.com, Nicolas Senèze, Rôma, 2018-05-17
Trong một văn kiện chính xác một cách hiếm hoi được công bố ngày thứ năm 17 tháng 5, Vatican đưa ra nhận xét và phân tích hệ thống tài chánh thế giới.
Báo Thập giá có cuộc phỏng vấn Linh mục Bruno-Marie Duffé, nhân vật số hai của bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện về văn kiện mới “Các vấn đề kinh tế và tài chánh” (Oeconomicae et pecuniariae quaestiones) để làm sáng tỏ về mặt đạo đức cho một xã hội không còn xây dựng trên một nền kinh tế của việc làm nhưng trên một nền kinh tế tài chánh và mang tính tự quy.
“Ngày nay, chúng ta đi từ một nền kinh tế của việc làm qua một nền kinh tế theo hệ thống tài chánh và tự quy”
Báo Thập giá: Xin cha cho biết, văn kiện “Các vấn đề kinh tế và tài chánh” được phát sinh như thế nào? Có phải đây là văn kiện tiếp theo văn bản được Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình công bố năm 2011, đề nghị một quyền uy điều hành hoàn vũ về vấn đề tài chánh và đã bị chỉ trích rất nặng nề không?
Linh mục Bruno-Marie Duffé: Việc triển khai văn kiện này bắt đầu từ năm ngoái trước khi tôi đến bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện. Đúng là văn bản năm 2011 đã bị chỉ trích nặng nề nhưng chúng tôi không bao giờ ngừng suy nghĩ, chúng tôi muốn chính xác làm rõ một vài điểm và xây dựng các điểm này tốt hơn trong đức tin của Giáo hội. Ngoài ra, các quan điểm của Đức Phanxicô về một vài vấn đề tài chánh đã mở một lối thoát cho một vài cơ quan còn quá dè chừng và làm cho văn kiện được khẳng định hơn và dứt khoát hơn.
Làm thế nào để làm việc với Bộ Giáo lý Đức tin?
Các vấn đề chúng tôi đề cập đến không phải chỉ là các vấn đề luân lý nhưng còn liên hệ đến luân lý: chúng ta tin cái gì và chúng ta tin ở gì. Vì thế cần thiết phải làm việc với Bộ Giáo lý Đức tin để xây dựng một văn kiện có tinh thần đạo đức, không phải dạy đạo đức nhưng là xây dựng đích thực trên nền tảng đức tin. Điều quan trọng là tín điều và luân lý không tách nhau nhưng làm phong phú cho nhau trong một đối thoại hỗ tương.
Như thế theo cha, các vấn đề kinh tế có nhắm vào trọng tâm của đức tin không?
Trong một thời gian lâu, Giáo hội nhìn các vấn đề kinh tế qua lăng kính xã hội và qua việc làm: hợp đồng làm việc, quyền được có ngày nghỉ, lương hướng tương xứng. Nhân phẩm được thể hiện qua phẩm giá của việc làm.
Ngày nay, chúng ta đi từ một nền kinh tế của việc làm qua nền kinh tế theo hệ thống tài chánh và mang tính tự quy. Đây không còn là vấn đề luân lý hay đạo đức mà là tuyên xưng đức tin. Như thế phải xây dựng trên đòi hỏi của đức tin, khẳng định đức tin và trong lãnh vực này không được tách đức tin ra khỏi hành động, cũng không tách ra khỏi trách nhiệm tập thể.
Văn kiện này nhắm đến ai?
Trước hết là nhắm đến các nhân vật chính của nền kinh tế và tài chánh quốc tế. Vấn đề trách nhiệm là trọng tâm ở đây và chúng tôi muốn trước hết nói với những người đã khước từ thế giới kinh tế thực tế để đi qua thế giới kinh tế tài chánh.
Một kinh tế gia vừa nói với tôi, Đức Phanxicô phải đi Bali trong kỳ họp sắp tới của hơn ba mươi nhà lãnh đạo ngân hàng lớn nhất thế giới. Có một mong chờ một lời nói thật mạnh nơi các nhà có trách nhiệm lớn này, chẳng hạn nhắc cho họ nhớ, cần có tiền để cứu hành tinh. Chúng ta có thể thấy trong các hội đồng quản trị khác nhau hiện nay, hòn đá tảng của họ là tài trợ. Bây giờ phải đi từ khuynh hướng đạo đức đến quyết định chính trị.
Chúng tôi cũng muốn nói đến các nhà trách nhiệm chính trị, dù chúng tôi biết có một vài Quốc gia ngày nay không còn đủ khả năng để đảm trách trách nhiệm của mình vì kinh tế và tài chánh được ưu tiên hơn chính trị.
Cuối cùng văn kiện này cũng nhắm đến mọi công dân vì trách nhiệm được thực hiện ở mọi cấp độ. Vấn đề là phải biết tiền đối với chúng ta là gì: đó là một công cụ hay một ông thần mới? Chúng ta cần có một suy nghĩ cơ bản về tiền trong thế giới này, khi mà nạn thao túng và dứt khoát muốn thu vốn về ngay lập tức càng ngày càng lấn thế.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Lo cho người nghèo không phải theo chủ nghĩa cộng sản mà là theo Tin mừng