Chấp nhận sự thật, bất chấp nhãn hiệu của nó
Khi là chủng sinh, tôi có hai loại giáo sư: Một, do họ trung thành mãnh liệt với tất cả những gì thuộc Kitô giáo và Công giáo, nên dù họ để cho chúng tôi đọc các nhà tư tưởng thế tục nhưng ý định của họ luôn luôn là để cho chúng tôi thấy những tư tưởng đó là sai lầm. Theo lời họ thì, bổn phận trau dồi tri thức của một chủng sinh Công giáo như chúng tôi là làm sao để có thể bảo vệ đạo Công giáo chống lại đủ kiểu phê phán đặt nền tảng trên những tác phẩm của những nhà tư tưởng mang tính thế tục, và đôi khi còn bài Kitô giáo nữa, để từ đó giữ vững đức tin và dạy cho người khác cách thoát khỏi ảnh hưởng của họ. Loại giáo sư thứ hai lại có cách tiếp cận khác: Họ để chúng tôi đọc những nhà tư tưởng thế tục lớn, bất chấp những người đó phê phán chua cay Kitô giáo và Công giáo, nhưng ý định của các giáo sư này là để chúng tôi có thể học hỏi từ họ một cách tích cực. Các giáo sư nói rằng, những nhà tư tưởng này là những đầu óc vĩ đại, và dù họ có đồng tình với Kitô giáo hay không, chúng ta vẫn có điều gì đó để học hỏi từ họ. Đừng đọc theo kiểu chỉ trích, nhưng hãy đọc với ý học hỏi.
Thời gian đầu trong chủng viện, vì còn chưa vững về mặt tri thức, nên tôi có chiều hướng ngả về cách tiếp cận tự vệ của nhóm giáo sư thứ nhất và đọc các nhà tư tưởng thế tục trong tinh thần chống đối. Bây giờ tôi phì cười khi nghĩ đến chàng trai trẻ đầy lý tưởng nhưng lại ngây thơ và sợ hãi về mặt tri thức là tôi thời đó, một cậu bé 19 tuổi đang cố gắng tìm những điểm yếu trong lập luận của những nhà như Nietzsche, Feuerbach, Marx, Freud, Durkheim, và Lenin. Tôi tưởng tượng mình là David chống lại Goliath. Bây giờ nhìn lại thời đó, tôi có vẻ dại dột và tự đại quá, nhưng tôi vẫn thích cái cậu bé 19 tuổi đang dấn mình vào trận chiến đó.
Về sau, chính xác là do một vài nhận thức sáng suốt đáng giá của một vài trong số các nhà tư tưởng thế tục vĩ đại đó đã bắt đầu xâm nhập vào đầu tôi cho dù tôi cố kháng cự, và tôi bắt đầu ngày càng hướng về cách tiếp cận của nhóm giáo sư thứ hai, những người mời gọi chúng tôi học hỏi từ những thấu suốt của những nhà tư tưởng này, bất chấp cái nhãn hiệu của họ ra sao. Bây giờ đã lớn tuổi, cả tuổi đời lẫn tuổi linh mục, tôi thấy mình ngày càng phong phú và dễ đồng cảm hơn với việc giữ mình trung tín với sự thật bất chấp nó đến từ đâu. Vì thế, bây giờ tôi thấy mình đang uống nước từ đủ nguồn giếng tri thức, đặc biệt là từ các tiểu thuyết gia và tiểu luận gia thế tục, năng lực phê phán của tôi tỉnh táo như người lính đang đứng gác, nhưng cùng với đó là một lòng thèm khát những nhận thức sáng suốt mà các ngòi bút này chiếu rọi vào đời sống và linh hồn. Tôi không còn đọc với ý định cố gắng chứng tỏ người đó sai lầm, cho dù tác giả đó có là người bài Kitô giáo đi nữa. Tôi có quá nhiều điều để học.
Đôi khi, lúc sợ mình đi xuống về mặt chính thống, chúng ta quên mất rằng nhiều thần học gia lớn trong truyền thống Kitô đã không e ngại khi nghiền ngẫm các nhà tư tưởng ngoại giáo, đào sâu những nhận thức sáng suốt của họ để tìm ra sự thật, và rồi kết hợp chúng với đức tin của mình: Thánh Âu Tinh đã làm thế với tư tưởng Platon. Thánh Tôma Aquinô với Aristotle, dù phải đối diện với những chỉ trích đáng kể từ Giáo hội. Ngược đời thay, nhiều thế kỷ về sau, giờ đây chúng ta đang xem những phạm trù triết học mà họ đã rút ra từ tư tưởng ngoại giáo là tiêu chuẩn hết mực cho tính chính thống.
Gần đây, thần học giải phóng, cũng đã làm như thế với chủ nghĩa Marx, cũng như chủ nghĩa nữ quyền cũng đã rút ra nhiều điều từ luận thuyết xã hội thế tục. Nhưng những ảnh hưởng này bị chủ nghĩa chính thống dò xét với sự ngờ vực lẫn cật lực bác bỏ. Ai dám nói Chúa Giêsu từng làm chuyện tương tự? Ngài đã lấy các dụ ngôn và chuyện kể đang có trong nền văn hóa của mình và sửa đổi để hợp với các lời giảng của mình. Hơn nữa, Ngài đã dạy, dạy rõ, rằng chúng ta phải tôn vinh sự thật, dù thấy ở đâu và dù ai nắm nó đi nữa.
Nhưng như thế chẳng phải là thuyết hổ lốn hay sao? Nếu một người hấp thụ những chân lý từ các nguồn thế tục và ngoại giáo đa dạng, rồi hòa hợp chúng với đức tin Kitô giáo, thì làm sao tránh bị xem là người theo tinh thần hổ lốn đây?
Rút ra chân lý từ nhiều nguồn không phải là thuyết hổ lốn. Thuyết hổ lốn kết hợp các nhận thức sáng suốt lượm lặt được từ mọi ngóc ngách mà thiếu phê phán và lại mâu thuẫn với nhau. Nhưng chúng ta đừng nhầm lẫn căng thẳng với mâu thuẫn. Căng thẳng không nhất thiết là biểu hiện của mâu thuẫn, mà thường là ngược lại: Đức tin thực sự đủ khiêm nhượng để đón nhận sự thật, cho dù nó xuất phát từ đâu đi nữa, cho dù nó có gây căng thẳng và cho dù nó có thuộc tôn giáo hay hệ tư tưởng nào đi chăng nữa. Những trí tuệ và tâm hồn lớn đủ rộng để chứa và giữ nhiều mơ hồ và căng thẳng. Và những người thực sự thờ phượng Thiên Chúa sẽ chấp nhận sự tốt lành và sự thật của Thiên Chúa, bất kể biểu hiện, bất kể sự phiền phức về mặt tôn giáo và đạo đức mà nó sẽ gây nên.
Thiên Chúa là Đấng tạo thành tất cả mọi sự thiện và sự thật! Bởi thế, không một tôn giáo, giáo hội, nền văn hóa, triết gia, hay một hệ tư tưởng nào nắm hết mọi chân lý, chúng ta phải cởi mở nhìn nhận và đón nhận sự thiện và sự thật từ nhiều nguồn khác nhau, và chúng ta phải cởi mở với những căng thẳng và mơ hồ mà chuyện này đem lại cho cuộc sống chúng ta.
J.B. Thái Hòa dịch