Moon Jae-in hay đức tin trong đối thoại

296

Moon Jae-in hay đức tin trong đối thoại

lavie.fr, Pascale Tournier, 2018-04-30 

Là người công giáo, ông chủ trương “ngoại giao trong gặp gỡ”, chủ đề thiết thân của Đức Phanxicô, Tổng thống Nam Hàn đóng vai trò chủ chốt trong sự xích lại gần với Bắc Hàn.

Lịch sử luôn được xây dựng trên ơn và qua con người. Đàng sau các bước đi tới về mặt chính trị, thì thường có một định mệnh, một quyết tâm và các xác tín. Cái bắt tay lịch sử ngày 27 tháng 4 – 2018 giữa chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in ở vùng phi quân sự giữa hai miền sẽ không bao giờ có, nếu không có công trình làm việc kín đáo và hiệu quả của nhà lãnh đạo Nam Hàn. Trong lúc chờ đợi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến họp cuộc họp thượng đỉnh của hai miền, mở con đường hứa hẹn giải trừ vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, hình ảnh Kim Jong-un bước qua làn ranh phân chia, một việc chưa từng có từ sau chiến tranh Hàn quốc năm 1953, thì công lớn trong việc này phần lớn nhờ Tổng thống Moon Jae-in. Đứng trước cơn giận dữ và ngọn lửa bùng cháy giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn, Tổng thống Nam Hàn 65 tuổi với hình ảnh khổ hạnh nhưng được dân chúng yêu chuộng như ngôi sao K-pop, ông chủ trương phải đối thoại và êm dịu. 

Từ khi được bầu lên từ tháng 5 – 2017, ông Moon Jae-in làm việc không ngơi nghỉ để đối thoại với Bình nhưỡng. Trong thời kỳ tranh cử, ông giải thích: “Dù Kim là nhà lãnh đạo không giống ai, chúng ta phải chấp nhận thực tế là ông cai trị ở Bắc Hàn. Như thế chúng ta phải nói chuyện với ông”. Từ nhiều năm tháng nay, ông Moon Jae-in đã bỏ hết tâm trí để nghiên cứu hồ sơ này. Ông là một trong các nhân vật chính của cuộc họp thượng đỉnh hai muền năm 2007 và trong cương vị lãnh đạo văn phòng của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun (2003-2008), ông luôn cho thấy mình là người bảo vệ cho “chính sách tia sáng của mặt trời”, phối hợp trợ giúp nhân đạo và các dự án kinh tế. 

Kim ở miền bắc là người thừa kế, Moon ở miền Nam là người tị nạn

Đức tin công giáo có giúp ông trong nghệ thuật đưa bàn tay giang ra không? Ông là người áp dụng học thuyết xã hội của Giáo hội và ông chủ trương “đối thoại trong gặp gỡ”, một chủ đề thiết thân của Đức Phanxicô, dựa trên các cuộc gặp gỡ diện đối diện để hiểu nhau hơn, dù đối lập với nhau. Một ít thời gian sau khi được bầu vào Tòa Nhà Xanh, dinh tổng thống ở Séoul, ông đã gởi một phán đoàn qua Rôma để xin Đức Giáo hoàng giúp đỡ trong tiến trình đàm phán hòa bình với Bắc Hàn, nơi mọi tôn giáo bị cấm triệt để. Tháng 1 – 2018, trong những ngày cuối Thế vận hội Mùa đông, Tổng thống Moon Jae-in đã có được những bước đầu thành công trong chiến thuật của ông. Dứt khoát phải biến sự kiện thể thao này là “nơi của hòa bình”, ông đã chi rất nhiều cho cô Kim Yo-jong, người em của Kim Jong-un. Sau đó công việc được tiến hành nhanh chóng. Tháng 3-2018, hai phái viên mật của Nam Hàn được Bình Nhưỡng trân trọng đón tiếp. Sau đó, ngay lập tức, họ đến  Washington để chuyển cho Tổng thống Donald Trump ước mong của Kim Jong-un, là được gặp Tổng thống Mỹ “nhanh nhất có thể”. Nước Mỹ chấp nhận ngay. 

Đàng sau cuộc chiến chính trị cật lực này, sự xích lại gần Bắc Hàn trước hết và trên hết là cuộc chiến của cả một đời của người cha có hai con này. Trong lần tranh cử, ông giải thích: “Cha tôi chạy trốn miền Bắc, ông ghét chế độ cộng sản. Tôi cũng ghét chế độ cộng sản Bắc Hàn. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi để người dân Bắc Hàn đau khổ dưới chế độ áp bức này. Miền Bắc và miền Nam như một cơ thể. Cả hai miền có cùng chung ngôn ngữ, cùng chung văn hóa từ 5 000 năm nay. Cuối cùng rồi thì chúng ta phải thống nhất”. Nếu Kim ở miền Bắc là người thừa kế thì Moon ở miền Nam là người tị nạn. Ông mang trong mình vết thương của sự chia cắt hai miền thành hai đối thủ. Cùng với hàng ngàn người Hàn quốc, năm 1950 cha mẹ ông đã trốn chế độ Stalin trong chiến dịch di tản rộng lớn của Mỹ.

Moon Jae-in là con của một gia đình tị nạn Bắc Hàn đã đến được đảo Geoje, vùng đảo phía Nam sau một trận tấn công dữ dội của cộng sản vào cuối năm 1950. Ông ra đời tại đây năm 1953 trong một trung tâm tiếp cư người tị nạn. Ông là anh cả của năm em trai, em gái. Là người trí thức hơn là thương gia, thân phụ của ông khó chu cấp đầy đủ cho gia đình. Ông Moon viết trong quyển tiểu sử của mình, được xuất bản năm 2011 và đã trở thành sách bán chạy: “Dù ông phải mở một quán nhỏ, ông cũng mở ở một nơi mà mọi người đều nói quán sẽ bán không được. Và khi nào cũng như vậy”. Trong những năm học tiểu học, Moon Jae-in thường hay đến giáo xứ để xin bột bắp và sữa do quân đội Mỹ phát không. Nhưng ông cũng rút được lợi ích từ những khó khăn này: “Tuổi thơ của tôi sống trong nghèo khổ. Nhưng cũng có những lợi ích của nó: tôi tự lập hơn, tôi chín chắn hơn các bạn đồng tuổi và tôi nhận ra, tiền không phải là chuyện quan trọng nhất trong cuộc sống”. Năm 1958, thân sinh ông qua đời. Đứa bé là ông còn giữ một vết thương sâu đậm: “Cha tôi đau khổ suốt đời, ông sống trong cảnh nghèo khó, ông là người tị nạn. Ông mong chờ rất nhiều ở tôi! Nhưng ông chết mà chưa thấy tôi thành công. Lòng tôi tan nát, tôi có mặc cảm tội lỗi…”.

Ở đất nước có truyền thống phật giáo và đạo saman (lên đồng), kitô giáo phát triển mạnh, ông xin rửa tội

Năm 1972, Moon Jae-in vào đại học. Ông hoạt động chính trị bằng cách tham dự vào các cuộc biểu tình chống chế độ độc tài của tướng Park Chung-hee, nhiều năm sau con gái của tướng Park Chung-hee kế vị ông và bị buộc phải từ chức vì ăn hối lộ. Hoạt động của ông làm cho ông bị tù một thời gian, sau đó ông nhập ngủ. Khi trở lại trường đại học, ông tiếp tục chiến đấu trong phong trào sinh viên. Chính trong giai đoạn này ông đã được đánh động bởi đức tin của các bạn công giáo. Ở đất nước có truyền thống phật giáo và đạo saman (lên đồng), kitô giáo phát triển mạnh, ông xin rửa tội. Vào cuối thời gian học, Moon Jae-in muốn vào công tố viện, nhưng quá khứ tranh đấu của ông ngăn không cho ông vào. Ông làm luật sư, chuyên ngành bảo vệ nhân quyền. Năm 1982, ông làm việc ở văn phòng Tổng thống Roh Moo-hyun ở Busan, thành phố lớn thứ nhì của Nam Hàn, nổi bật với trường đại học và hải cảng lớn. Một cuộc gặp gỡ quyết định. Một lòng cho công chính và bình dân, cả hai người làm việc không kể công sức, thì giờ để bảo vệ các nghiệp đoàn địa phương và các phần tử ly khai của chế độ.

Từ năm 2002, ông Moon Jae-in giúp Tổng thống Roh Moo-hyun, trở thành một hình ảnh lớn đấu tranh cho dân chủ, bảo vệ quan điểm của mình trên chính trường. Năm sau, trước sự ngạc nhiên của mọi người, người đỡ đầu cho ông được bầu làm tổng thống. Nhưng một cuộc điều tra chống tham nhũng nhắm vào tân Tổng thống. Năm 2009, ông  Roh lao mình xuống vực tự tử. Lại một bước ngoặt khác đối với ông Moon Jae-in. Người được cho là “người trong bóng của Roh Moo-hyun”, ông quyết định ra ánh sáng.  Ông được bầu vào Quốc hội năm 2012. Năm năm sau ông được bầu làm Tổng thống. Ông vừa chiến thắng một cuộc chiến ngoại giao ngoại hạng! Ông viết trong quyển tiểu sử của mình: “Tôi luôn nghĩ tôi sẽ kết thúc đời tôi ở Hungnam. Khi hòa bình được tái lập và khi đất nước thống nhất, việc đầu tiên tôi làm là đưa mẹ tôi đã ngoài 90 về Hungnam”. Hungnam là thành phố ở Bắc Hàn, quê quán của thân sinh ông. Năm 1950, chiến dịch của Mỹ nhằm di tản 100 000 người dân có mật mã là Christmas Cargo. Trong các quyển sách lịch sử, chiến dịch di tản do Tổng thống Truman quyết định có tên là “Phép lạ Giáng Sinh”. Đối với ông Moon, từ nay có thể có một phép lạ khác có thể xảy ra: phép lạ hòa bình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: Và nếu Bắc Hàn-Nam Hàn có thể xích lại gần nhau nhờ ông không?