Không phải lúc nào tôi cũng cầu nguyện dễ dàng. Thường là những lúc tôi quá mệt mỏi, bị phân tâm, bận rộn, áp lực công việc, thiếu thời gian, thiếu hứng thú cầu nguyện, hay đang chú tâm hơn đến chuyện khác. Nhưng tôi cầu nguyện hằng ngày, dù cho tôi thường không muốn và dù cho nhiều lần tôi thấy cầu nguyện có vẻ tẻ nhạt. Tôi cầu nguyện hằng ngày là nhờ tôi tham dự nhiều nghi thức cầu nguyện, kinh Phụng vụ, thánh lễ, và suy niệm hằng ngày.
Và những nghi thức này giúp cho tôi rất nhiều. Chúng giữ cho tôi vững vàng, và giữ tôi cầu nguyện đều đặn dù cho nhiều lúc tôi chẳng thấy thích cầu nguyện. Đấy chính là sức mạnh của nghi thức. Nếu tôi chỉ cầu nguyện khi tôi thấy thích, thì tôi sẽ không cầu nguyện thường xuyên.
Nghi thức giữ cho chúng ta làm những việc chúng ta nên làm, như cầu nguyện, làm việc, ăn chung với nhau, lịch sự, dù cho không phải lúc nào chúng ta cũng thuận theo những chuyện đó. Chúng ta cần làm những việc nhất định không phải bởi chúng ta luôn cảm thấy thích chúng, nhưng là bởi đó là những việc đúng đắn.
Và điều này đúng, trong nhiều lĩnh vực đời sống, chứ không riêng gì cầu nguyện. Ví dụ như, các nghi thức giao tế xã hội mà chúng ta thực hiện mỗi ngày. Không phải lúc nào chúng ta cũng thật tâm muốn chào hỏi, hay thể hiển sự trìu mến, trân trọng, và biết ơn. Chúng ta chào hỏi nhau, tạm biệt nhau, thể hiện tình cảm cho nhau, và tỏ lòng biết ơn với nhau thông qua một loạt các nghi thức từ ngữ theo công thức xã hội. Xin chào! Hân hạnh gặp anh! Chúc một ngày tốt lành! Chúc ngủ ngon! Thật may mắn khi được cộng tác với anh! Cảm ơn!
Chúng ta nói những lời này với nhau mỗi ngày dù cho chúng ta phải thừa nhận rằng, đôi lúc, hay thậm chí là nhiều lúc, những lời đó hoàn toàn mang tính chiếu lệ. Nhưng khi chúng ta nói ra thì chúng là thật, bởi chúng thể hiện những gì trong lòng chúng ta, những gì thâm sâu hơn các cảm giác thất vọng, lơ đãng, buồn bực tạm thời của chúng ta. Hơn nữa, những lời này giúp chúng ta sống văn minh, lễ độ, dễ thương, tôn trọng và yêu thương, bất chấp những dao động của tâm trạng và cảm giác chúng ta. Tâm trạng và cảm giác của chúng ta, không phải là biểu lộ đích thực những gì trong lòng chúng ta. Trong số chúng ta, có ai chưa từng buồn bực một người mà mình yêu thương hết mực hay chưa? Sự thật là chúng ta yêu người đó, chứ không phải là những cảm giác của chúng ta dành cho người đó vào lúc nhất thời đó.
Nếu chúng ta chỉ thể hiện tình thương và sự trân trọng vào những lúc chúng ta hoàn toàn cảm thấy như thế, thì chúng ta sẽ không thể hiện tình thương một cách rất thường xuyên đâu. Nhưng tạ ơn Chúa là chúng ta có những nghi thức xã hội thường lệ giữ cho chúng ta sống yêu thương, dễ thương, văn minh và lễ độ cả những lúc cảm giác của chúng ta không muốn thế. Những nghi thức này giữ chúng ta được an toàn cho đến khi cảm giác vui tươi trở lại.
Thế mà trong nhiều lĩnh vực đời sống ngày nay, chúng ta không còn hiểu nghi thức. Và điều này khiến chúng ta phải cố gắng sống đời mình bằng cảm giác. Cảm giác không xấu, nhưng chúng ập đến với chúng ta một cách hoang dã và không thể ngăn cản. Iris Murdoch cho rằng thế giới của chúng ta có thể thay đổi trong 15 giây đồng hồ, bởi chúng ta có thể phải lòng ai đó trong vòng 15 giây. Nhưng chúng ta cũng có thể hết yêu trong 15 giây! Cảm giác là thế đấy! Và nếu sống theo cảm giác, chúng ta không thể gìn giữ tình yêu, hôn nhân, gia đình, tình bạn, tình đồng nghiệp và tình hàng xóm. Chúng ta cần có điều gì đó. Nghi thức giúp chúng ta gìn giữ các mối quan hệ, và vượt trên cảm giác.
Mục sư Dietrich Bonhoeffer thường nói thế này với các cặp tân hôn: Hôm nay, hai người đang yêu và tin rằng tình yêu có thể duy trì hôn nhân của mình. Nhưng không đâu. Tuy nhiên, hôn nhân có thể duy trì tình yêu của hai người. Hôn nhân không chỉ là một bí tích, mà còn là một nghi thức.
Nghi thức không chỉ có thể giúp duy trì hôn nhân, mà còn có thể giúp gìn giữ đời sống cầu nguyện, cách cư xử, tính hài hước, lòng tri ân, và sự cân bằng của chúng ta trong đời. Nếu bất kỳ ai nhân danh tâm lý, tình yêu, hay linh đạo mà bảo bạn rằng nghi thức là thứ trống rỗng và bạn phải lấy tâm trạng, cảm giác là kim chỉ nam, thì bạn phải cảnh giác với họ. Họ sẽ không giúp bạn tiến được xa đâu.
Daniel Berrigan từng viết rằng: Đừng đi với người nào muốn bạn lúc nào cũng phấn khích. Trên hành trình dài, chắc chắn phải có những lúc buồn tẻ. Gioan Thánh Giá cũng đồng ý với lời này khi bàn về cầu nguyện. Ngài bảo chúng ta rằng, trong những năm tháng sinh hoa trái của chúng ta, một trong những vấn đề lớn nhất mà chúng ta gặp phải khi cầu nguyện mỗi ngày chính là sự buồn tẻ.
Và chúng ta có thể biết chắc rằng, cảm giác sẽ không giúp giữ gìn chúng ta, nhưng nghi thức thì có.
J.B. Thái Hòa dịch