lavie.fr, Bénédicte Lutaud, 2018-04-11
Cộng đoàn Aspiran mở nhà trẻ trong một Trung tâm hưu dưỡng dành cho người lớn tuổi bị mất tự động (Ehpad).
Aspiran, một ngôi làng ở Hérault có 1600 người dân. Ông Pierre, 76 tuổi, ông đang ngâm nga theo bài hát của cố ca sĩ Pháp Georges Brassens. Ngồi trong xe lăn ở phòng khách, ông cuộn thuốc lá, ông thích ở trong hội trường nối nhà hưu dưỡng Gérard-Soulatges với nhà trẻ liên thế hệ Từng bước nhỏ, À petits pas. Ở đây bầu khí luôn náo động. Cha mẹ đến gởi con, cha mẹ đến đón con. Bên kia khung gỗ là các trẻ em chơi đùa, thọc léc nhau. Trung tâm Ehpad thiết kế để ghép vào đây một nhà trẻ, giúp người già và trẻ em cùng sinh hoạt với nhau.
Cùng sinh hoạt với nhau
Mỗi tuần có nhiều sinh hoạt liên thế hệ quy tụ người già và trẻ em: trò chơi nặn bột, thể thao, ca hát, làm bếp. 10h30. Sinh hoạt bắt đầu. “Ai muốn tham dự”. Một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt em Paul, một bé trai 3 tuổi, em nói: “Chúng ta cùng làm một chiếc bánh ngọt với người lớn!” Bà Marie-Jeanne Galtier, giám đốc nhà trẻ đưa những em nào thích sinh hoạt làm bếp đến hội trường, tại đây các người lớn tuổi đã chờ sẵn ở bàn với đường, với bột… Lời hát của ca sĩ Brassens đệm theo sinh hoạt: “Tất cả mọi người, tất cả mọi người của ngôi làng đều ở đây… la la la la la”.
Ở bàn làm việc, già trẻ ngồi chung với nhau cùng làm theo công thức đã được chỉ định, các cô trợ tá giúp công việc của họ được trôi chảy. Bà Marie-Jeanne hỏi một ông tay run run đang mở lọ sữa chua: “Ông có muốn tôi giúp một tay không?” Bà Suzette, lớn tuổi nhưng rất điệu đàng, bà hỏi em bé Maria đang cắt trái táo: “Con cho bà một miếng được không?” Bà Marie-Jeanne cười nói: “Trẻ em thì học để được tự lập, người lớn tuổi thì mất dần dần tự lập”.
Hai bên hòa hợp với nhau
Ra khỏi bàn, các người ngồi xe lăn tham dự kín đáo hơn. Ông Pierre cùng chung sống với các em bé theo cách của ông. Trong hội trường, ông thích chơi trò ảo thuật, ông làm biến mất chiếc mũ của mình. Ông ở Trung tâm Ehpad từ 9 năm nay, ông quen nhiều em bé, ông cho biết: “Trong vòng ba năm, tôi luôn quen một em bé trai, em Jules. Em thứ nhì là em bé gái Annabella, và bây giờ là em bé trai, em tên Paul. Còn có một em bé gái khác, em Olivia. Mỗi lần mẹ em đến đón em, em đều đến chào tôi và xin tôi hôn! Rồi em nói: ‘Râu của ông chích con!’ Em làm tôi cười”.
Lợi ích của cả hai bên
Các bà giám đốc của hai nhà đều đồng ý: lợi ích của liên thế hệ được chia sẻ. Bà Marie-Jeanne. cho biết: “Cả hai như bình thông nhau. Các người lớn tuổi được kích thích lên với trẻ con. Còn các em bé thì dịu xuống”. Các nhà giáo đều thấy, sự khơi dậy về mặt tinh thần và cơ thể của người lớn tuổi là điều không thể chối cãi. Bà Chanel, nhân viên ngành âm nhạc trị liệu xác nhận: “Cơ thể của họ mạnh lên, con mắt của họ có hồn hơn”. Bà Clémence, trợ tá y tế-tâm lý cho biết: “Khi tôi đến tìm bà D., bà ngồi trên ghế và không muốn ra sinh hoạt làm bếp. Nhưng khi tôi nhắc đến trẻ con. Bà cười và đi theo tôi”.
Bà Marie-Jeanne nhấn mạnh: “Các sinh hoạt này giúp cho các người lớn tuổi có các giao tiếp xã hội, như bà Paulette chẳng hạn, ngày có sinh, bà mặc chiếc áo đẹp nhất để đi xuống phòng sinh hoạt!” Một tinh thần xã hội hóa cũng được ghi nhận nơi trẻ em, mẹ của em Matteo cho biết: “Bây giờ Matteo ít rụt rè hơn với người lớn tuổi và thế giới người già”.
Đến giờ ăn là lễ hội ở hội trường. Khoảng hai mươi người lớn tuổi ngồi xe lăn hay xe với ống truyền thuốc của họ làm thành một cầu vồng. Ở giữa là các bàn nhỏ có các chú nhóc. Trước mặt là bàn để chiếc bánh đã được mọi người cùng làm sáng nay. Khi các em bé xướng lên bài hát thì ông Raoul, 87 tuổi đứng dậy, ông đập vào tay các em bé và nhún nhảy… ba bước đi trước, ba bước đi sau, tất cả vỗ tay hát theo điệu nhạc. Ông Daniel 71 tuổi ấp úng: “Nhìn các em bé này ư? Tuy không mang lại cho tôi… hạnh phúc, nhưng gần như… hạnh phúc”. Các cháu của ông ở xa, ông chỉ gặp chúng mỗi năm một lần. Đối với nhiều người lớn tuổi ở đây, được ở gần trẻ con bù đắp cho sự thiếu thốn này. Tuy nhiên các sinh hoạt này cũng có giới hạn của nó. Nhiều người không chịu được tiếng khóc của trẻ con, nhưng trung tâm không bắt buộc họ phải tham dự vào các sinh hoạt này. Trong trường hợp có dịch thì phải ngưng các sinh hoạt. Bà Marie-Jeanne cho biết: “Chúng tôi phải cẩn thận hết sức, nhưng già không phải là một cái bệnh”.
Một cái nhìn khác về tuổi già
Các lợi ích về lâu về dài của các sinh hoạt liên thế hệ thì rất khích lệ dù phải có một vài bất trắc. Rất nhiều người khen ngợi về sự thay đổi cái nhìn của các em, bà Camille, bà mẹ trẻ của em Matteo cho biết: “Ngay từ khi còn rất nhỏ, các em đã có một cái nhìn khác về tuổi già, về khuyết tật”, Bà cho biết, thà đi xa hơn để được đến nhà trẻ Aspiran này, thay vì đi nhà trẻ chỉ cách nhà 20 mét…! Bà nói thêm: “Khi chúng tôi thăm ông bà cố, cháu Matteo không còn sợ. Ngoài đường khi Matteo nhìn những người đi xe lăn, em không còn trố mắt ra nhìn”. Bà Marie-Jeanne thích thú: “Như thế chúng tôi có rất nhiều hy vọng. Có thể sau này, các em bé này sẽ phát minh ra các nơi chốn nhân bản hơn cho các người lớn tuổi, bởi vì khi còn nhỏ, các em đã có sợi dây liên kết rất mạnh”. Cho đến bây giờ, các kinh nghiệm cùng sống chung này đang phát triển mạnh ở Pháp.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch