Lòng trung thực thiếu định hướng
Ronald Rolheiser, 2013-11-24
Tôi tin chắc bất cứ ai gần gũi với đời sống và các bài viết của triết gia Simone Weil, sẽ đồng ý rằng bà là người có đức tin ngoại hạng. Bà cũng là người tận tâm với người nghèo không lay chuyển. Nhưng, và điều này có vẻ bất thường, bà cũng rõ ràng là người ngoại hạng và không lay chuyển trong việc chống đối giáo hội thể chế. Suốt đời, bà khao khát được rước mình thánh mỗi ngày, dù bà từ chối rửa tội và tham dự vào giáo hội. Tại sao?
Không phải vì các sai trái và sa ngã của giáo hội làm cho bà buồn lòng. Bà là người theo chủ nghĩa hiện thực và chấp nhận rằng tất cả gia đình và thể chế đều có những bất tín, vết nhơ và tội lỗi. Bà không tha thứ cho giáo hội, chính yếu không phải vì các khiếm khuyết của giáo hội. Sự cự lại không khuất phục triệt để giáo hội thể chế của bà, thực sự bắt nguồn từ một nỗi lo âu đặc biệt mà bà cảm nhận khi đối diện với bất kỳ thể chế xã hội nào. Vì bà thấy chủ nghĩa ái quốc thiếu tinh thần phê phán và lòng trung thực thiếu định hướng thường chỉ tạo nên một thể chế bất lực, trong đó, các thành viên, không thể nhìn ra tội lỗi và khiếm khuyết bên trong thể chế của mình. Ví dụ, các công dân yêu nước mãnh liệt có thể mù mắt trước những bất công mà quốc gia họ gây ra, những người sùng đạo sâu đậm có thể bị lòng trung thành với giáo hội của họ đè nén nên họ không còn thấy các lỗi phạm của giáo hội, cũng như có rất nhiều vị thánh đã từng ủng hộ Thập tự chinh và Tòa dị giáo vậy. Weil tin rằng, trung thành một cách mù lòa với quốc gia, giáo hội, gia đình, hay bất kỳ điều gì khác, đã trở thành một dạng thờ ngẫu tượng.
Bà đã đúng. Trung thành một cách mù lòa có thể dễ dàng trở thành thờ ngẫu tượng, cho dù nó thành tâm và có lý lẽ cao đi chăng nữa. Có lẽ sẽ sai lầm khi phê phán lòng trung thành, nhưng chúng ta có thể trung thành quá độ, trung thành đến mức lòng trung thành bịt mắt không cho chúng ta thấy những mối hại thực sự, đôi khi lại do chính tay những người mà chúng ta đang dành trọn lòng trung thành gây ra.
Chúng ta tất cả đều quen với một số câu châm ngôn nào đó, những thứ theo cách của mình, sẽ dùng lòng trung thành đánh lận tất cả mọi chuyện khác: Đất nước của tôi, đúng hoặc sai! Giáo hội, yêu hoặc bỏ! Một bí mật xấu xa của gia đình cần phải giữ kín trong gia đình, chẳng ai có việc gì can dự vào cả! Nhưng những câu châm ngôn kêu gọi lòng trung thành kiểu ngây thơ và thiếu phê phán này, chẳng có gì là khôn ngoan mà cũng không có tính Kitô giáo. Cả sự khôn ngoan nhân loại và cả cương vị môn đệ Kitô hữu đều kêu gọi chúng ta đến với một điều gì đó cao hơn.
Tất cả mọi gia đình, tất cả mọi đất nước và tất cả mọi giáo hội, đều có tội lỗi và khiếm khuyết của mình, nhưng tình yêu và lòng trung thành của chúng ta có nghĩa là, thay vì bịt mắt trước các sai lầm đó, chúng ta phải thách thức bản thân và mọi người trong cộng đồng mình nhìn ra và sửa chữa các tội lỗi và khiếm khuyết đó. Chúng ta có thể học được những bài học từ chương trình Phục hồi 12 bước. Những gì họ đã học qua nhiều năm kinh nghiệm xử lý những biến chứng của mọi loại sự việc, chính là, khi đối mặt với bệnh hoạn, bên trong bất kỳ nhóm hay mối quan hệ nào, thì việc làm mang tính yêu thương nhất chính là đứng lên đương đầu với căn bệnh đó. Không đương đầu có nghĩa là cho phép nó lớn lên. Tình yêu thực sự và lòng trung thành thực sự không được thiếu tính phê phán. Họ không bao giờ nói rằng: Đây là gia đình, đất nước, giáo hội của tôi – đúng hay sai! Thay vào đó, khi mọi thứ đi sai đường, họ bảo chúng ta phải thể hiện tình yêu và trung thành không phải bằng cách bảo vệ nhóm của mình, nhưng là bằng việc đứng lên đối đầu với những gì sai trái.
Thật vậy, đó chính là truyền thống kinh thánh của các ngôn sứ, các ngôn sứ đã làm chính xác như vậy. Họ yêu thương dân mình và trung thành mãnh liệt với truyền thống tôn giáo của mình, nhưng họ không trung thành mù quáng để không phê phán các sai lầm bên trong cộng đồng tôn giáo của mình. Họ không bao giờ bị lòng trung thành sai lầm đè nặng để bịt mắt trước những tội lỗi trong cơ cấu tôn giáo của mình và câm miệng trước những lỗi phạm đó. Họ không bao giờ nói về truyền thống tôn giáo của mình theo kiểu: Yêu hoặc từ bỏ! Thay vào đó, họ nói: Chúng ta phải thay đổi điều này – và chúng ta phải thay đổi nó vì lòng trung thành và tình yêu.
Chúa Giêsu đã làm như thế. Ngài đã trung thành và trung tín với đạo Do Thái, nhưng Ngài không câm nín trước những lỗi phạm và sai trái của đạo Do Thái thời đó. Vì tình yêu, ngài thách thức tất cả mọi thứ sai trái. Ngài đã dạy, và mạnh mẽ dạy rằng, lòng trung thành tôn giáo mù quáng có thể là thói thờ ngẫu tượng. Ngài cũng sẽ không dạy rằng trung thành và tình yêu nghĩa là không bao giờ phê phán cộng đồng của mình. Thật vậy, Ngài đã phá bỏ những gì được coi là cụ thể về gia đình, đất nước, giáo hội, và Ngài yêu cầu chúng ta phải hiểu việc này theo một cách hiểu cao hơn. Ngài hỏi: Ai là mẹ và là anh chị em của anh em? Và Ngài tiếp tục đưa ra điều này không được xác định bằng huyết thống, quê hương, hay tôn giáo. Gia đình thực sự được tạo lập nên bằng những điều khác, cụ thể là những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa, bất chấp khác biệt huyết thống, quê hương, hay tôn giáo. Từ đó cho thấy, huyết thống, quê hương, và tôn giáo phải được đưa ra phê phán và phản đối bất kỳ lúc nào chúng ngăn chận sự hiệp nhất sâu sắc hơn trong đức tin và công lý.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Nhưng với Chúa Giêsu, đức tin và công lý còn cao hơn huyết thống, quê hương và giáo hội. Hơn nữa, với Ngài, tình yêu và trung thành xác thật, tự biểu lộ mình qua lòng tận tâm thách thức mọi thứ sai trái, ngay cả khi làm như thế có vẻ là bất trung với cộng đồng, với những gì là của mình.
J.B. Thái Hòa dịch