Càphê Vui Vẻ, tiệm càphê của những người khuyết tật

315

Càphê Vui Vẻ, tiệm càphê của những người khuyết tật

la-croix.com, Marine Samzun, 2018-03-22

Đây là tiệm càphê khá đặc biệt, sau kinh nghiệm đầu tiên ở thành phố Rennes, ngày 22 tháng 3 tiệm mở cửa ở Paris. Nhân viên của tiệm là các người khuyết tật tinh thần hoặc bị vấn đề về nhận thức. Báo Thập giá gặp ông Yann Bucaille Lanrezac, người sáng lập tiệm, người chủ nhiệt tình muốn truyền tải niềm vui của gặp gỡ.

Các nhân viên trẻ của tiệm Càphê Vui vẻ chụp hình trước tiệm ngày 21 tháng 3 với Đệ nhất phu nhân Pháp, bà Brigitte Macron

Báo Thập giá: Xin ông cho biết khái niệm về tiệm Càphê Vui vẻ?

Yann Bucaille Lanrezac: Đây là tiệm càphê-tiệm ăn gồm hai mươi nhân viên, đầu bếp và người phục vụ đều là người bị khuyết tật tinh thần (lang-đơn-đao) hay bị hội chứng nhận thức (tự kỷ). Chúng tôi có ba quản trị viên để hướng dẫn họ. Tiệm phục vụ các thức ăn mặn và ngọt, tất cả đều làm tại tiệm và là thức ăn tươi. Cũng có thực đơn dành cho người ăn rau. 

Tiệm ăn ra đời như thế nào?

Cùng với nhà tôi, năm 2012 chúng tôi thành lập hiệp hội Thuyền buồm Tương trợ Xanh biếc (Émeraude Voile Solidaire). Trên chiếc thuyền buồm Ephata có khả năng chở 30 người gồm cả xe lăn, chúng tôi đã tổ chức 450 chuyến đi với các tù nhân, các người bệnh, các cô gái điếm, những người ngoài đường phố… Tổng cộng từ năm năm nay đã có 6 500 người lên thuyền.

Cách đây bốn năm, sau một chuyến đi, Théo, một thanh niên bị chứng tự kỷ nói với tôi: “Chuyến đi thật tốt đẹp, cám ơn thuyền trưởng, ông có nghề nào cho tôi không?” Tôi lặng người không nói gì được…. Trước hết tôi nói không, nhưng Théo vặn lại: “Đúng, tôi khuyết tật nhưng tôi có thể hữu ích, tôi muốn làm việc”. Tôi suy nghĩ, rồi tôi bắt đầu lên chương trình: tôi thai nghén hai năm cho dự án càphê “Vui vẻ”.

Xin đọc: Tu viên nơi các xơ lành mạnh ở với các xơ bị chứng lang-đơn-đao

Các đôi bít tất không giống nhau để thay đổi cái nhìn về hội chứng lang-đơn-đao 

Đâu là các cảm hứng của ông?

Tôi gặp ông Jean Vanier, người khuyến khích tôi trong dự án này, ông đã có những lời rất mạnh: “Tôi tin chắc cuộc gặp với người khuyết tật sẽ làm các bức tường đổ xuống”. Đứng trước sự khác biệt, chúng ta bị đóng khung bởi luật của kẻ mạnh, kẻ đẹp. Các người mong manh, khuyết tật, các người yếu kém dưới mắt các tiêu chuẩn này, họ có một lời nhắn rất mạnh: họ có thể làm việc một cách khác, họ dùng thì giờ nhiều hơn. Và như thế thức ăn sẽ có nhiều hương vị hơn, ngon hơn. Và cùng một lúc, họ gần hơn với điều thiết yếu, thật tuyệt vời khi nhìn họ: họ có một niềm vui cảm nhận mình có một chỗ đứng, họ có thể hữu ích. Ngày nay, nạn thất nghiệp làm cho con người bị loại ra khỏi xã hội, những người bị khuyết tật còn bị loại ra gấp đôi, gấp ba trong thế giới này.

Tại sao ông chọn Paris để mở tiệm?

Tôi mong tiệm có một chỗ đứng ở thủ đô, nơi có rất nhiều trụ sở trung ương của các công ty lớn, trung tâm của nền kinh tế. Đó là các thế giới không quen gần với người khuyết tật, nhưng sự gặp gỡ có thể hữu ích cho hai bên. Tôi nghĩ họ sẵn sàng, họ muốn một cái gì khác hơn là tuyền lợi nhuận. Các nhân viên phục vụ rất tự hào được ở trong khu vực này. 

Làm sao ông quản lý các người khuyết tật này hàng ngày?

Chúng tôi không nhìn họ qua khuyết tật của họ nhưng qua khả năng của họ. Trước khi nói đến cách làm và hiệu năng thì phải nói đến ước muốn, đó là điều quan trọng nhất. Có người thấy thoải mái ở phòng ngoài khi tiếp xúc với người khác, có người thích ở trong bếp. Và thời khóa biểu phải phù hợp (hợp đồng làm việc từ 10 giờ đến 35 giờ). Mới đầu, họ cần từ ba đến bốn tháng đào tạo và được các quản trị viên hướng dẫn.

Hai nhà giáo chuyên ngành giúp tôi trong việc tuyển chọn và tiếp tục làm bán thời gian với chúng tôi. Chúng tôi cũng được các hiệp hội chuyên việc hội nhập các người khuyết tật giúp. 

Đâu là mô hình kinh tế của tiệm?

Đây là một tiệm bình thường, mục đích là phải có lợi. Nhưng toàn bộ tiền chia đều được dành cho hiệp hội Thuyền buồm Tương trợ, cổ đông chính của tiệm, hội sẽ dùng tiền này để giúp những người gặp khó khăn, những người bị loại trừ, những người bệnh… 

Đâu là các thách đố ông phải đối diện trong dự án này?

Được bền lâu! Tất cả phải có chất lượng. Đây là một nghề rất đòi hỏi. Tôi mong muốn phát triển thêm dự án này và mở thêm ở các thành phố khác như Bordeaux, Lille, Lyon để dự án trở thành một thương hiệu nhỏ. Nhưng không có chuyện phát triển bằng mọi giá…

Marta An Nguyễn dịch

Ngày thứ tư 21 tháng 3-2018, Đệ nhất phu nhân Pháp, bà Brigitte Macron khánh thành tiệm càphê Joyeux ở quận 2 Paris.