Người trẻ: Can đảm “nói lên các sự thật sống sượng”
Đối thoại với Đức Giáo hoàng trong ngày khai mạc tiền thượng hội đồng giới trẻ
fr.zenit.org, Anne Kurian, 2018-03-19
Nạn mãi dâm, đó là “tra tấn phụ nữ”, phải có can đảm nói lên các “sự thật sống sượng”, một nữ tu không thể là “quả cà chua trong nhà kính trồng cây mùa đông”… Đức Phanxicô đã trả lời theo phong cách nói thẳng với 300 người trẻ họp ở Rôma từ ngày 19 đến 24 tháng 3 để chuẩn bị cho tiền thượng hội đồng sắp diễn ra vào tháng 10 năm 2018 sắp tới.
Sáng thứ hai 19-3, ngài cùng trao đổi với các thanh niên trên khắp thế giới về họp trong căn phòng ở Trường giáo hoàng Maria Mẹ Giáo Hội. Sự kiện được hơn 15 000 bạn trẻ theo dõi trên trang Facebook.
Sau các bài tham luận về tình trạng giới trẻ trên năm châu lục, Đức Phanxicô đã có buổi nói chuyện với các bạn trẻ, ngài trả lời năm câu hỏi.
Đầu tiên là cô Blessing Okoedion từ Nigeria, cô là nạn nhân của nạn buôn người ở Ý, cô làm chứng cho sức mạnh đức tin đã giúp cô đi ra “khỏi địa ngục này”. Cô hỏi: “Nhưng làm thế nào để giúp các người trẻ ý thức về tội ác chống nhân loại này, tội ác gây ra do vui thú ích kỷ của con người?”.
Không phải làm tình, nhưng tra tấn phụ nữ
Trả lời câu hỏi này, Đức Phanxicô đã tố cáo hoàn cảnh khủng khiếp của các phụ nữ ngài gặp năm 2017 khi đi thăm căn nhà của Hiệp hội Giáo hoàng Gioan XXIII. Tội ác này “nảy sinh từ não trạng bệnh hoạn, theo đó phụ nữ phải bị khai thác lợi dụng”, ngài lấy làm tiếc, vì chính trong “ảo tưởng tập thể” này mà chưa có một chủ nghĩa nữ quyền nào làm bật gốc được vấn đề này.
Ngài nói thêm: “Đó là một trong các cuộc chiến mà cha xin các bạn trẻ chúng con phải tranh đấu: phẩm chất người phụ nữ, không phải chỉ làm này làm kia mới là… phụ nữ, nhưng là phẩm chất của người phụ nữ qua tạo dựng, đã làm cho người đàn ông kinh ngạc thán phục nét đẹp của họ”.
Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Nạn mãi dâm không phải là làm tình, nhưng là tra tấn người phụ nữ, chúng ta đừng lẫn lộn các từ”. Và ai làm chuyện này, đó là “kẻ tội phạm”, các bạn trẻ đã vỗ tay nồng nhiệt khi ngài nói câu này.
Phải có can đảm nói lên sự thật sống sượng
Maxime, sinh viên luật ở Paris, anh chưa rửa tội và không phải là người công giáo, anh nói với Đức Phanxicô về các hoài nghi của mình về cuộc sống, về ý muốn đi tới đàng trước của mình nhưng không biết bắt đầu từ đâu, anh hỏi: “Trọng kính Đức Thánh Cha, con đường nào chúng con phải đi?”
Đức Phanxicô trả lời: “Con nói, ‘con không biết bắt đầu từ đâu…’ nhưng qua câu hỏi này, con đã bắt đầu khi con để câu hỏi mở ra chứ không dập tắt nó. Và để phòng ngừa, chống lại ‘một cách xây dựng, không dập tắt các câu hỏi’ thì phải có can đảm nói lên sự thật sống sượng, có sao nói vậy, đặt các câu hỏi sống sượng, có sao nói vậy, không dập tắt”.
Đức Phanxicô ghi nhận: “Có nhiều cộng đoàn giáo sĩ thiếu khả năng phân định”. Ngài khuyến khích các nhà giáo dục: “Các bạn đừng hãi sợ, hãy tháp tùng, lắng nghe, hãy giúp phân định”. Nếu một người trẻ không tìm ra được con đường phân định này, “anh sẽ khép mình lại không tốt, anh mang trong mình một khối ung, sớm hay muộn khối ung này sẽ lấy đi tự do của anh”. Như vậy cần thiết là phải “mở ra tất cả, không giả mạo, không che giấu tình cảm, không che giấu suy nghĩ của mình”.
Đến lượt cô Maria người Argentina, cô hỏi Đức Phanxicô cái nhìn của ngài về giáo dục, ngài cho biết, có ba ngôn ngữ cần thiết để có một giáo dục toàn diện: ngôn ngữ của cái đầu, học để suy nghĩ; ngôn ngữ của quả tim, học để cảm nhận tốt; ngôn ngữ của bàn tay, học để hành động.
Ngài cũng cảnh báo chống “nạn tha hóa” mà thế giới ảo có thể đưa đến, tuy nhiên không nên “biến nó thành quỷ” vì “thế giới này phong phú”. Phải biết dùng nó, luôn “ở trong tinh thần cụ thể, hai chân đạp đất” chứ không biến mình thành nô lệ của nó.
Với người trẻ, không bao giờ hãi sợ
Yulian, chủng sinh người Ucraina xin Đức Phanxicô lời khuyên để phân biệt cái gì “quý báu”, cái gì “sai lầm” trong văn hóa hiện nay.
Đức Phanxicô lấy làm tiếc: “Một linh mục không làm chứng cho Chúa Kitô, linh mục đó làm bao nhiêu điều xấu, rất nhiều điều xấu. Nhưng chúng ta không thể làm chứng một mình, phải có cộng đoàn, nếu cộng đoàn không tháp tùng linh mục trong việc làm chứng này thì cộng đoàn đó cô lập linh mục, để linh mục đó một mình, làm cho linh mục đó thành người công chức và linh mục này sẽ bị nuốt sống”.
Thêm một lần nữa, Đức Phanxicô đả kích “căn bệnh trầm trọng” là bệnh chủ trương phò giáo sĩ, “khi một cộng đoàn đi tìm một linh mục, và họ không tìm được một người cha, một người anh em mà lại tìm ra một bác sĩ, một giáo sư, một ông hoàng”. Ngài cũng cảnh báo chống lại thái độ của các linh mục làm điều xấu: khi họ theo “thuyết phân biệt vật chất và tinh thần thái quá”, các linh mục quá “cứng nhắc”, thậm chí còn sống theo kiểu “thời thượng”.
Ngài nhắc: “Chúng ta không thể nói tất cả với tất cả mọi người”. Ngài khuyên: “Con hãy đi tìm một người con đặt niềm tin vào họ, một hiền triết không hãi sợ chuyện gì, người biết lắng nghe và nói đúng lời, đúng lúc… , người để cho sự lo lắng của con chất vấn”. Sau đó Đức Phanxicô nói với các người tháp tùng với người trẻ: “Với người trẻ, các bạn đừng bao giờ hãi sợ, vì sau những gì có vẻ không tốt, chúng ta luôn tìm được một yếu tố để đưa đến một vài sự thật”.
Các nữ tu không được là các quả cà chua trong nhà kính
Cuối cùng là nữ tu Teresina ở Trung quốc, Đức Phanxicô mời gọi phải bảo vệ sự phát triển các nữ tu, nhưng “trong đối thoại, chứ không được như các quả cà chua trồng trong nhà kính mùa đông, vì nếu như thế thì cà chua mất hết hương vị”.
Đức Phanxicô nêu chính xác, sự đào tạo tu sĩ trong đời sống thánh hiến phải có “bốn trụ”: đời sống thiêng liêng, đời sống trí tuệ, đời sống cộng đoàn và đời sống tông đồ.
Đặc biệt ngài cẩn thận đề phòng chống lại hiểm nguy thiếu trưởng thành về mặt tình cảm, vì thiếu trưởng thành mà người nữ tu thành một “nữ tu bệnh”. Ngài nói: “Bảo vệ mình với thế giới không có nghĩa là “cắt thiến đi con người”, vì sự che chở bảo vệ đích thực sẽ làm đứa bé lớn lên: “Một bà mẹ quá bảo vệ con sẽ làm cho đứa bé bị liệt”.
Buổi họp kết thúc bằng “bức hình nhóm” với Đức Phanxicô ngồi giữa 300 bạn trẻ.
Xin đọc: Tiền thượng hội đồng giới trẻ khai mạc ở Rôma
Maxime Rassion: “Ý nghĩa sâu đậm để mang lại cho đời sống của con”
Đức Phanxicô: “Các bạn trẻ không được để mình bị biến chất!”