Bản năng giới tính và sáng tạo
Ronald Rolheiser, 27-01-2002
Gần đây, một người bạn của tôi rời bỏ hàng ngũ giáo sĩ. Anh yêu thích làm linh mục và anh là một linh mục tốt lành. Vấn đề của anh là gì? Anh thích làm các công vịêc thủ công mỹ nghệ. Đến độ, không biết đúng hay sai, anh cảm thấy nếu tiếp tục sống độc thân thì không tốt cho công việc sáng tạo của anh: “Tôi không thể sáng tạo nếu không có đời sống tình dục!”, là cách anh giải thích vấn đề. Nói như vậy là cho công việc này còn hơn cả kích thích tố. Anh là nghệ sĩ, có cá tính nghệ sĩ. Tôi ngờ rằng, đa số các nghệ sĩ sẽ hiểu chính xác những gì bạn tôi nói, cho dù không nhất thiết họ đồng ý điều đó là cần thiết trong quyết định đặc biệt của bạn tôi.
Có một sáng tạo thoát ra từ dục tính, cũng như có “cạn nguồn” vì dục tính bị đè nén. Các nghệ sĩ quá biết điều này. Đó là một trong những lý do họ rất phóng túng trong lãnh vực này. Vô số nghệ sĩ đã đề cập điều này, rằng sáng tạo và dục tính quan hệ với nhau trong nguồn gốc của nhiều sự việc.
Nữ văn sĩ Anne Michaels chẳng hạn, trong quyển Fugitive Pieces gần đây, đã tạo ra một loại thiêng liêng ảo của sáng tạo thoát ra từ dục tính. Hai nhân vật chính của bà, đều là nam giới, có cá tính và sáng tạo chỉ biểu lộ qua phóng túng dục tính mà thôi. Đương nhiên điều gợi ý này cũng đúng cho mọi người. Đây không phải là một chủ đề đơn giản. Sự phóng túng của nghệ sĩ trong lãnh vực dục tính còn bị kích thích bởi nhiều yếu tố hơn cả yếu tố kích thích tố; ego, thiếu tinh thần trách nhiệm, dù ai đó phải mù đi mới không thấy những điều này thường cũng đóng một vai trò nào đó. Những gì lôi cuốn nghệ sĩ ở đây chính là sự liên kết giữa dục tính và sáng tạo. Một liên kết đầy sức mạnh. Vậy tại sao lại không nên có nó? Xét cho cùng, tất cả sự sống đều được tạo ra qua dục tính, bằng cách này cách khác trong ý nghĩa của từ này.
Qua đó, chúng ta thấy thắc mắc của Đức Maria với Sứ Thần Gabriel lúc chịu phép Truyền Tin, còn hơn cả thắc mắc đơn giản về môn sinh học: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Đức Maria vừa được báo bà sẽ là đấng sáng tạo nhất của tất cả nghệ nhân, là nghệ sĩ của tất cả nghệ sĩ, là mẹ của nguồn gốc sáng tạo. Vì thế thắc mắc của Đức Maria là sâu sắc và đúng: “Từ đâu sự sống này sinh ra, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”
Quả thật đây chính là một chiêm nghiệm thật sự cho những người chọn đời độc thân như tôi: “Làm cách nào để có thể sáng tạo khi không có đời sống tình dục?” Đây cũng là chiêm nghiệm cốt yếu cho bất kỳ ai khác, kể cả những người đang có đời sống tình dục lành mạnh. Thiên hướng bẩm sinh của chúng ta nghiêng về sự ôm lấy nhiều hình nhiều dạng, nhưng tất cả chúng ta rồi vẫn phải có một cách tiết dục nào đó. Rốt cuộc mỗi người đều có thắc mắc như Đức Maria: “Bằng cách nào tôi thật sự đem một đời sống mới ra đời, trong khi tôi không thể ngủ với toàn thế giới?”
Không có câu trả lời dễ dàng nào cho câu hỏi đó – cho nghệ sĩ, cho người có gia đình, người độc thân, hay cho bất cứ ai khác. Thỉnh thoảng, trong ngôn ngữ của tinh thần Ki-tô giáo, chúng ta hay đơn giản hóa quá mức câu trả lời này. Chúng ta đang trả giá cho việc làm đó. Giới nghệ sĩ thường thấy trong nền thần học về tính dục của chúng ta một sự ngột ngạt và chống lại cuộc sống và họ ngày càng rời xa Giáo Hội (và đôi khi là đức tin) chính vì lý do này. Đâu là câu trả lời? Làm cách nào để bất kỳ ai trong chúng ta có thể sáng tạo, khi không cho phép mình phóng túng trong lãnh vực tính dục?
Tôi không chắc có một câu trả lời mang tính thần học, một thể thức thiêng liêng rõ ràng nào đó có thể ăn khớp, trung thực và áp dụng được cho từng trường hợp. Dĩ nhiên, chúng ta cũng có một vài nguyên tắc bất di bất dịch như Mười Điều Răn, nhưng những điều này chỉ định nghĩa được các thông số bên ngoài mà thôi. Bên trong, bẩm sinh với những khái niệm về tình yêu, dục tính, tôn trọng, trách nhiệm, ẩn chứa một loại nguyên tắc đạo đức sâu sắc hơn cái mà không dễ gọi tên và hệ thống hóa. Chúng ta học được những điều này bằng cách sống đạo đức nhiều hơn, nghiên cứu bất cứ điều gì. Vậy nên sống như thế nào để bản năng tính dục của chúng ta được đốt cháy một cách đúng hơn cho sáng tạo?
Câu trả lời, tôi ngờ rằng sẽ liên quan đến ba điều: một buồn đau nào đó, một huyền bí nào đó, và một cậy trông nào đó.
Buồn đau: Chúng ta không thể là Chúa, cả trong tài năng sáng tạo cũng như trong khả năng “ăn nằm” với vũ trụ. Ở một điểm nào đó, chúng ta phải chấp nhận giới hạn của mình. Chúng ta là tạo vật, không phải là Chúa. Và những gì chúng ta không thể có được, sẽ làm chúng ta buồn đau hoặc sẽ trở nên cay chua.
Huyền bí: Dục tính là trần tục, thực tế, và sinh sản sự sống. Nhưng, thực tế, cũng có những hình thức tình yêu thể lý khác. Có nhiều hình thức cho sự sống. Nhiệm Thể của Đức Ki-tô, cùng lúc, là thể lý và nhiệm mầu một cách tận căn. Ngay cả khi dục tính có chức năng là sinh sản sự sống ở trần gian này, thì cũng có những chứa đựng vô hình trong nhiệm thể Đức Ki-tô, nơi hạt giống và lòng đất gặp nhau, sinh ra sự sống trong các phương cách, cách xa những gì chúng ta có thể giải thích được về mặt hiện tượng.
Cậy trông: Có thể, như chúng ta đã thấy trong câu trả lời của Đức Maria, đó là cậy trông và tin tưởng, rằng nếu chúng ta sống trọn cuộc đời mình theo những gì chúng ta tin tưởng sâu đậm, thì cho dù cách xa khả năng sinh sản có tính cách loài người đến mấy đi nữa, Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta trở nên sáng tạo theo các cách mà lúc này đây chúng ta không thể nào hình dung ra được. Thần Khí cũng có thể làm chúng ta thai nghén được.
J.B. Thái Hòa dịch