Khắc khoải mong sự bất diệt đời này

320

Khắc khoải mong sự bất diệt đời này

Ronald Rolheiser, 2018-02-26

Chúng ta chia sẻ thế giới với bảy tỷ rưỡi người, và mỗi người chúng ta đều có một ý thức bẩm tại không thể kìm hãm là chúng ta đặc biệt và có một số mệnh độc nhất vô nhị. Điều này chẳng có gì ngạc nhiên bởi mỗi người chúng ta thật sự đặc biệt và độc nhất vô nhị. Nhưng sao lại có thể cảm thấy mình đặc biệt giữa bảy tỷ rưỡi người cơ chứ?

Thế nên chúng ta cố gắng trở nên nổi bật. Thường thì chúng ta chẳng thành công, và như Allan Jones đã nói, “Chúng ta nuôi dưỡng trong lòng mình một hy vọng rằng chúng ta khác biệt, đặc biệt, và phi thường. Chúng ta khao khát được bảo đảm rằng chúng ta sinh ra không phải là chuyện ngẫu nhiên, rằng có một vị thần đã đưa chúng ta đến trần gian, và chúng ta tồn tại theo ý định của Đấng Tối Cao. Chúng ta mong mỏi được chữa lành khỏi căn bệnh bất diệt cực cùng này. Chúng ta lên cơn điên đó khi gặp áp lực quá lớn và chúng ta dựng lên một lời nói dối sống còn để che đậy sự thật rằng chúng ta tầm thường, là thứ tình cờ, và rồi sẽ chết. Chúng ta đã không thấy được ánh hào quang của Tin mừng. Lời nói dối này là điều cần thiết bởi mọi thứ chúng ta thật sự khao khát đã được trao ban nhưng không cho chúng ta.”

Tất cả chúng ta điều hiểu ý nghĩa câu nói này. Chúng ta ý thức rằng mình phi thường, quý giá, và quan trọng, bất chấp vận mệnh cuộc đời chúng ta ra sao. Sâu trong lòng, chúng ta cảm nhận rằng chúng ta được yêu thương đặc biệt và được kêu gọi đặc biệt đến với một cuộc đời đầy ý nghĩa và hệ trọng. Qua đức tin hơn là qua cảm giác, chúng ta cũng biết rằng mình quý giá không phải vì những gì mình đạt được nhưng là vì mình được Thiên Chúa tạo thành và yêu thương.

Nhưng trực giác này, dù sâu sắc trong tâm hồn, nhưng lại yếu ớt trong biểu hiện của chúng ta khi cố gắng sống một cuộc đời độc nhất vô nhị và đặc biệt trong một thế giới có hàng tỷ người cũng đang cố làm như thế. Và chúng ta có thể bị choáng ngợp trước ý thức về sự tầm thường, sự vô danh và khả tử của mình, rồi bắt đầu sợ rằng chúng ta không quý giá nhưng chỉ là một kẻ bình thường, một kẻ chẳng ai biết đến, chỉ là một trong hàng tỷ người. Khi cảm nhận như thế, chúng ta có cám dỗ tin rằng mình quý chỉ quý giá và độc nhất vô nhị khi đạt được điều gì đó khiến chúng ta nổi bật và bảo đảm người ta sẽ nhớ đến mình. Với hầu hết chúng ta, trọng trách cuộc đời là bảo đảm sự quý giá, ý nghĩa và sự bất diệt của mình, bởi đến tận cùng, chúng ta tin rằng điều này tùy thuộc vào những thành tựu, những điều đặc biệt của riêng chúng ta.

Và chúng ta vất vả đấu tranh để hài lòng với cuộc sống vô danh bình thường ẩn giấu trong bàn tay Chúa. Đúng hơn là, chúng ta cố gắng trở nên nổi bật, tạo dấu ấn, cố đạt thành tựu phi thường, và bảo đảm người ta công nhận cũng như đến mình. Và chẳng có mấy thứ khiến chúng ta mất bình an hơn thứ này. Chúng ta buộc mình làm điều bất khả thi, một việc xe cát dã tràng để kiếm về cho mình một thứ mà chỉ có Thiên Chúa đem lại được, là sự quan trọng và bất diệt. Và thế là cuộc sống bình thường dường như không còn đủ cho chúng ta, rồi chúng ta sống trong khắc khoải, cạnh tranh, quyết liệt.

Tại sao cuộc sống bình thường không đủ cho chúng ta? Tại sao đời chúng ta dường như quá nhỏ bé và không đủ lý thú? Tại sao chúng ta cứ có cảm giác bất mãn vì không được đặc biệt? Tại sao chúng ta cần tạo dấu ấn? Tại sao chúng ta thường thấy ngột ngạt? Tại sao chúng ta không thể dễ dàng chấp nhận anh chị em mình và vui mừng vì tài năng và sự hiện diện của họ? Tại sao chúng ta cứ luôn mãi có cảm giác người khác là đối thủ? Tại sao chúng ta cần đeo mặt nạ, cần vờ vịt, tạo một hình ảnh nhất định cho bản thân?

Câu trả lời là: Chúng ta làm tất cả những việc này để cố gắng làm cho mình nổi bật, bởi chúng ta đang cố cho mình môt thứ mà chỉ có Thiên Chúa cho được, là tầm quan trọng và sự bất diệt.

Kinh thánh bảo chúng ta rằng, “chỉ đức tin mới cứu anh em.” Dòng đơn giản này đã tỏ bày cả bí mật: Chỉ mình Thiên Chúa đem lại được sự sống đời đời. Sự quý giá, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự bất diệt là những ơn ban nhưng không của Thiên Chúa, và chúng ta sẽ nghỉ yên, bình an, khiêm nhượng, biết ơn, hạnh phúc và bớt cạnh tranh hơn nếu chúng ta tin như thế. Như thế, một đời sống bình thường khiêm nhường, cùng với hàng tỷ người khác, sẽ đủ để chúng ta thấy mình quý giá, có ý nghĩa và tầm quan trọng.

Thomas Merton, trong một lúc khắc khoải đã viết: “Thế là đủ khi sống bình thường như một con người, biết đói bụng và buồn ngủ, biết nóng và lạnh, đi ngủ và thức dậy. Đắp chăn lên rồi bỏ chăn ra, pha cà phê rồi uống. Làm rã đông tủ lạnh, đọc sách, suy tư, làm việc, cầu nguyện. Tôi sống như tổ tiên tôi từng sống trên mặt đất này, cho đến khi cuối cùng tôi sẽ chết. Amen. Không cần phải khẳng định đời mình, nhất là khẳng định đó là đời mình, dù chắc chắn nó chẳng phải là đời của ai khác. Tôi phải học cách sống sao để dần quên đi chương trình và mưu tính.”

Một cuộc sống bình thường là đủ. Không cần phải khẳng định gì về đời mình. Sự quý giá và ý nghĩa của chúng ta không phải nằm trong việc đạt được điều gì đó đặc biệt, nó nằm sẵn trong sự quý giá và ý nghĩa cuộc đời rồi.

J.B. Thái Hòa dịch