Những con số bảy may mắn

689

Những con số bảy may mắn

Ronald Rolheiser, 2013-03-31

Từ Kinh Thánh cho đến sòng bạc, con số 7 thường được xem là con số may mắn, hoàn hảo và kỳ diệu. Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy tha thứ bảy mươi lần bảy cho những ai lỗi phạm đến mình. Rõ ràng Ngài có ý muốn bảo chúng ta tha thứ đến vô cùng. Sách Sáng Thế nói về bảy ngày tạo dựng, Kinh Thánh nói về bảy tổng lãnh thiên thần, và Sách Khải Huyền nói về Bảy dấu niêm phong Mặc Khải. Kinh Thánh đầy dẫy con số bảy. Phải mất vài trang để liệt kê ra cho hết.

Những gì có trong Kinh Thánh Kitô giáo cũng có trong các văn hóa khác. Có bảy phúc thần trong thần thoại Nhật Bản, các Phật tử tin rằng khi mới hạ sinh, Đức Phật bước bảy bước. Trong đạo Do Thái, có bảy ngày than khóc, buổi giảng kinh hàng tuần cũng được chia thành bảy phần riêng biệt, có bảy phúc lành được đọc lên trong đám cưới Do Thái, tân lang và tân nương mừng hạnh phúc trong vòng bảy ngày, và có bảy cảm xúc căn bản hướng đến Thiên Chúa. Trong truyền thống Hồi giáo, có bảy thiên đàng bảy thế gian, bảy ngọn lửa trong địa ngục, bảy cửa lên thiên dàng, và bảy cửa xuống địa ngục.

Và còn có nhiều điều có liên hệ với con số 7: Có bảy châu lục trên thế giới, bảy màu cầu vồng, bảy ngày trong tuần, bảy nốt nhạc căn bản, bảy ngôi sao trong chòm Đại Hùng, và bảy thiên thể thấy được bằng mắt thường.  Số bảy là mã điện thoại ở Nga. Ở Bắc Mỹ, các giải bóng chuyền, bóng rỗ, và hockey chính đều chia cuộc đua vô địch thành loạt bảy trận, và nhiều vận động viên ưu tú chọn số bảy làm con số áo, kể cả Mickey Mantle. Các sòng bạc cũng rất thích con số 7. Xếp được một hàng số bảy là cách chơi của rất nhiều trò may rủi.

Chúa Giêsu, Đạo Do Thái, Hồi giáo, Phật giáo, tự nhiên, cách xếp tuần, mã điện thoại của Nga, các giải thể thao chính, Mickey Mantle, và các sòng bạc – và bây giờ là một điều khác nữa! Chẳng tình cờ khi người ta dùng rất nhiều số bảy:

Ví dụ như: chúng ta có đủ kiểu số bảy trong thần học và trong giáo hội:

Thần học Kitô giáo nói về bảy Ơn Chúa Thánh Thần: Khôn ngoan, Hiểu biết, Lo liệu, Sức mạnh, Thông minh, Đạo đức, và Kính sợ Thiên Chúa. Về Bảy mối tội đầu: Kiêu ngạo, Ghen tỵ, Giận dữ, Biếng nhác, Tham lam, Ham ăn, và Dâm dục; cũng như về bảy nhân đức tương ứng: Khiêm nhường, Rộng rãi, Nhẫn nhịn, Siêng năng, Nhân từ, Tiết độ, và Trong sạch. Giáo hội cũng nói về bảy lời cuối cùng của Chúa Giêsu: “Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”; “Thật, ta bảo thật, hôm nay, ngươi sẽ được ở cùng ta trên thiên đàng”; “Lạy Cha, con xin phú linh hồn trong tay Cha”; “Thưa bà, này đây là con bà…  Đây là mẹ con”; “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”; “Ta khát”; “Mọi sự đã hoàn tất”.

Mohandas Gandhi cũng nói về bảy Tội lỗi của xã hội: Chính trị không nguyên tắc, không làm mà có ăn, buôn bán vô đạo đức, hưởng lạc vô lương tri, tri thức thiếu nhân cách, khoa học thiếu nhân đạo, và tôn kính Thượng đế mà không chịu hy sinh. Và về điều này, Công giáo La Mã cũng đã có Bảy Luận đề về Huấn Giáo Xã hội của Giáo hội Công giáo: Mạng sống và phẩm giá con người; yêu cầu đối với gia đình, cộng đồng, và bổn phận; quyền và trách nhiệm; chọn người nghèo và người cô thế; giá trị của lao động và quyền của người lao động; tình đoàn kết; và chăm lo cho những gì được Thiên Chúa tạo dựng.

Giáo hội Công giáo La Mã có Bảy Bí tích: rửa tội, thêm sức, Thánh Thể, giải tội, xức dầu bệnh nhân, truyền chức thánh, và hôn phối. Bảy Việc thương người: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho kẻ cơ nhỡ trú ngụ, thăm viếng người ốm, thăm viếng tù nhân, và chôn xác kẻ chết. Và kèm theo là Bảy Việc thương người phần hồn: Sửa dạy kẻ ngu muội, lấy lời lành mà khuyên người, răn bảo kẻ có tội, nhịn kẻ mất lòng ta, tha kẻ dễ ta, yên ủi kẻ âu lo, và cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Hơn nữa, Giáo hội Công giáo La Mã còn tôn kính Bảy sự thương khó Đức Mẹ: Lời tiên tri của ông Simeon, chạy nạn đến Ai Cập, lạc mất Chúa Giêsu trong đền thánh, gặp Chúa Giêsu trên đường Núi Sọ, Chúa Giêsu chết trên thập giá, nhận xác Chúa Giêsu trong tay, chôn cất Chúa Giêsu vào huyệt đá.

Và tất nhiên, vẫn chưa hết, chúng ta còn có Bảy Kỳ quan thế giới, dù bây giờ người ta đang tranh cãi nhau xem chính xác nên chọn cái nào làm kỳ quan: Một số đồng ý với danh sách cũ, Bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, số khác lại ủng hộ Bảy kỳ quan của thế giới hiện đại, số khác lại nói về Bảy kỳ quan của thế giới Đương đại, và số khác nữa lại nhất quyết rằng những kỳ quan thật sự của thế giới này được dựng nên bởi tự nhiên và liệt kê ra Bảy kỳ quan Tự nhiên của thế giới.

Vậy đâu là danh sách xác đáng đây? Những cái nào mới đúng là Bảy kỳ quan thế giới?

Gần đây trên Internet có xuất hiện câu chuyện thế này: Một giảng viên yêu cầu các học sinh nêu tên Bảy kỳ quan thế giới. Một số, chắc chắn có nhờ vào các phương tiện điện tử, nhanh chóng đưa ra những danh sách khác nhau. Tuy nhiên, một cô gái trẻ, không dùng đến những tìm kiếm trên mạng như thế, đã tự viết ra danh sách của mình. Bảy kỳ quan thế giới, theo kết luận của cô là: nhìn, cảm, nếm, ngửi, sờ, thở và yêu. Tôi tin rằng, danh sách đó, thắng vượt tất cả mọi danh sách khác và chứa đựng đủ tất cả bí tích thiêng liêng.

J.B. Thái Hòa dịch