Đức Phanxicô quyết liệt tố cáo nạn “giết phụ nữ”

144

Đức Phanxicô quyết liệt tố cáo nạn “giết phụ nữ”

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, Trujillo, Pêru, 2018-01-20

Chữ này Đức Phanxicô chưa bao giờ dùng trước công chúng. “Giết phụ nữ” (Féminicide). Chiều thứ bảy 20-1-2018, tại quảng trường của thành phố ven biển Trujillo, miền bắc Pêru. Ngài cử hành buổi lễ cầu nguyện “Đức Mẹ Hải cảng” rất được người dân trong vùng tôn kính. Hàng chục ngàn người tham dự buổi cầu nguyện này.

Buổi sáng, Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ ở quảng trường Huanchaco, trước bờ biển Thái Bình Dương nổi tiếng với môn trượt sóng nhưng cũng nổi tiếng với hiện tượng khí hậu “El Nino” đã thường xuyên gây tác hại từ năm 1920. Đầu năm 2017, các cơn bão lụt đã làm cho 113 người thiệt mạng và tạo nhiều thiệt hại nặng cho thành phố. Trước giáo dân đông 200 000 người tham dự thánh lễ, Đức Phanxicô cho biết: “Chính vì lý do này mà tôi muốn đến đây và cùng cầu nguyện với anh chị em”.

Chiều thứ bảy ở quảng trường chính của thành phố Trujillo, lòng tôn kính Đức Mẹ đã được thấy rõ. Đức Phanxicô tuyên bố: “Đức Mẹ luôn là Đức Mẹ của mọi dân tộc, vì tất cả dòng máu của các dân tộc luôn ở trong lòng Mẹ”. Suy niệm về lòng trắc ẩn của Đức Mẹ, Đức Phanxicô nói đến “tất cả các bà mẹ và tất cả các bà nội ngoại của đất nước này; các bà đúng thật là động lực rất mạnh của đời sống và của các gia đình ở Pêru”. Ngài kêu gọi có lòng “biết ơn đối với phụ nữ, với các bà mẹ của chúng ta, các bà nội ngoại, họ là thành trì trong đời sống của đô thị chúng ta. Họ luôn sống trong thinh lặng nhưng họ làm cho đời sống đi tới”.

“Chúng ta không được phép quay cái nhìn đi, không được phép để biết bao nhiêu là phụ nữ, nhất là các cô gái vị thành niên “bị bầm dập” trong nhân phẩm của họ.” Đức Phanxicô

Nhưng nhất là ngài kết thúc với lời kêu gọi chưa từng có: “Tuy nhiên khi nhìn các bà mẹ, các bà nội ngoại, tôi muốn mời gọi anh chị em chiến đấu để chống một tai ương đã tác hại đến Mỹ châu của chúng ta: rất nhiều vụ giết hại phụ nữ. Có rất nhiều tình trạng bạo lực bị dập im đàng sau các bức tường. Tôi muốn mời anh chị em chiến đấu chống nguồn cơn gây đau khổ này, xin làm sao để sự chiến đấu này được hỗ trợ một cách hợp pháp và để vứt bỏ mọi hình thức bạo lực”.

Ngày hôm trước, thứ sáu 19-1, ở vùng rừng già Amazzonia, Đức Phanxicô cũng đã tố cáo nạn bạo lực trên phụ nữ: “Thật đáng tiếc để ghi nhận trên miền đất này, dưới sự che chở của Mẹ Thiên Chúa, mà vẫn còn rất nhiều phụ nữ bị khinh thường, bị mất phẩm giá, bị khai thác dưới nhiều hình thức bạo lực. Chúng ta không thể “bình thường hóa” bạo lực đối với phụ nữ, khi vẫn duy trì loại văn hóa ma-sô, không đếm xỉa gì đến vai trò quan trọng của phụ nữ trong các cộng đoàn chúng ta. “Chúng ta không được phép quay cái nhìn đi, không được phép để biết bao nhiêu là phụ nữ, nhất là các cô gái vị thành niên “bị bầm dập” trong nhân phẩm của họ.”

Năm 1976, chữ “nạn giết phụ nữ (féminicide)” được tác giả bênh vực nữ quyền Diana E. H. Russel định nghĩa là “nạn giết phụ nữ bởi những người đàn ông, đơn giản chỉ vì họ là phụ nữ” và nó xuất hiện trong thế kỷ 20 bằng ngôn ngữ Tây Ban Nha và… Châu Mỹ La Tinh. Các nghiên cứu cho biết, 87,3 % vụ “giết phụ nữ” xảy ra nơi vợ chồng sống cùng mái nhà, hoặc xa tách và như thế là trong cùng gia đình.

Lý do: Châu lục này giữ một kỷ lục đáng buồn. Chẳng hạn năm 2016 có 1997 phụ nữ bị sát hại chỉ vì họ là phụ nữ trên 17 nước của châu lục. Pêru là nước đứng thứ 5 trong bản xếp hạng đau buồn này, với hàng trăm vụ “giết phụ nữ” theo thống kê quan sát tội phạm ở Pêru, nước Honduras giữ kỷ lục với 531 vụ trong năm 2014 theo Ủy ban Kinh tế Châu Mỹ La Tinh (CEPAL). Nhưng với 225 vụ giết phụ nữ, nước thứ nhì của Châu Mỹ La Tinh đứng trong bản sắp hạng tội phạm trên phụ nữ là nước… Argentina.

Marta An Nguyễn dịch