Dân Chúa không mong chúng ta là những siêu anh hùng nhưng là những mục tử biết cảm thương
Vatican Insider | Andrea Tornielli | 16-01-2018
SANTIAGO, CHILE
Trước tượng Đức mẹ bên cạnh bàn thờ ở Nhà thờ chính tòa Santiago của Chilê, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có một trong những lời suy tư đẹp nhất triều giáo hoàng của mình. Ngài nói chuyện với các linh mục và nữ tu, về sứ mạng và mối liên hệ với sự hiện đại hóa của mọi Kitô hữu.
“Cha muốn nhắc lại ba thời điểm trong đời thánh Phêrô, khi đau đớn vì cái chết của Chúa Giêsu, khi được thấy lòng thương xót, và khi thay đổi cuộc đời. Cha muốn chia sẻ ba thời khắc này, là bởi cuộc đời các tông đồ luôn vừa riêng biệt vừa chung cho mọi người, không thể tách rời. Bởi chúng ta được kêu gọi một cách riêng nhưng luôn luôn là một phần trong cả cộng đoàn. Ở đâu bận tâm đến ơn gọi, thì không có kiểu chụp ảnh selfie! Ơn gọi đòi hỏi phải có ai đó chụp cho các con, và chúng ta chuẩn bị làm thế đây!
Sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, các môn đệ tháo chạy. Phêrô chối Chúa, Giuđa phản Chúa, các môn đệ khác thì tìm chỗ trốn. Chỉ còn vài người phụ nữ và môn đệ yêu dấu ở cạnh Chúa. Còn lại đều trốn biệt. Trong vài ngày, tất cả đã sụp đổ tan tành. Có những lúc bị bách hại, đau khổ và hoài nghi, thật không dễ để chúng ta tìm ra lối đi. Những lúc đó khơi lên những cám dỗ, muốn bàn lùi, muốn tránh né chuyện ngay trước mắt, muốn thỏa hiệp với kẻ thù… Và cha tin rằng mối cám dỗ lớn nhất chính là muốn ở yên trong sự bất hạnh của mình. Ở yên trong sự bất hạnh của mình đấy.
Cha biết nỗi đau từ những vụ xâm hại trẻ em, và cha lưu tâm đến những gì các con đã làm để phản ứng trước sự dữ nặng nề và đau đớn này. Đau đớn bởi tác hại và đau khổ của các nạn nhân và gia đình các em, những người thấy sự tin tưởng của họ nơi các thừa tác viên của Giáo hội đã bị bội bạc. Đau đớn vì tai họa cho cộng đoàn giáo hội, nhưng còn đau đớn cho những tu sĩ các con. Cha biết nhiều lúc các con bị xúc phạm trên tàu điện ngầm hay khi đi trên đường, cha biết khi mặc bộ áo tu sĩ trên mình, các con phải trả một giá đắt. Vì lý do này, cha mong chúng ta xin Chúa cho chúng ta một cái nhìn trong sáng để thừa nhận hiện thực, để có sức mạnh xin được tha thứ, và biết lắng nghe những gì Chúa bảo.
Xã hội hiện nay đang thay đổi quá nhanh. Những biểu hiện văn hóa mới mẻ và khác lạ không phù hợp với những hình mẫu quen thuộc của chúng ta. Chúng ta phải nhận ra rằng nhiều lúc chúng ta chẳng biết đương đầu thế nào với những tình trạng mới này. Đôi khi chúng ta mơ về “Ai Cập sung túc” mà quên mất rằng đất hứa đang ở phía trước, và lời hứa của Chúa không phải về ngày hôm qua, mà là về ngày mai. Chúng ta có thể quy phục cái cám dỗ muốn khép mình, tách ly và bảo vệ lối suy nghĩ của mình, một thứ chẳng khác gì kiểu độc thoại cô lập. Chúng ta có thể bị cám dỗ nghĩ rằng mọi chuyện không ổn, và chúng ta chỉ biết tỏ ra thất vọng cùng lãnh đạm.
Có thể thấy thái độ đó ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở phương Tây, nơi sự yếm thế đối với hiện đại hóa đang lan rộng và khiến nhiều Kitô hữu trở nên khô cằn, rồi nhắm chặt mắt trước những thách thức mục vụ, nghĩ rằng Chúa Thánh Thần chẳng biết nói gì về tình hình này. Như thế, chúng ta quên mất rằng Tin mừng là một hành trình hoán cải, không phải hoán cải cho người khác, nhưng là cho chính bản thân chúng ta.
Dù thích hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận hiện thực.
Chính thánh Phêrô cũng đã phải đối diện với một phần con người mình. Cái phần mà ngài không muốn thấy. Ngài đã phải thấy ra giới hạn, sự mỏng mang, và tội lỗi của mình. Thánh Phêrô là một người có tội như bao người khác, cần giúp đỡ và yếu đuối như bao người khác. Thánh Phêrô đã phụ lòng Đấng mà ngài đã hứa sẽ bảo vệ. Đây là thời điểm mấu chốt trong cuộc đời thánh Phêrô.
Là những môn đệ, chúng ta có thể có trải nghiệm như thế, là những lúc chúng ta phải đối diện với sự yếu đuối của mình. Đó là thời khắc then chốt, và là thời điểm nảy sinh con người mới nơi các tông đồ. Nhưng Chúa Giêsu không khiển trách cũng không lên án, mà hỏi thánh Phêrô, “Anh có yêu mến Ta không?” Chúa chỉ muốn một điều, là cứu thánh Phêrô. Ngài muốn cứu Phêrô khỏi mối nguy ở lỳ trong tội của mình, ở lỳ trong sự hối hận muộn màng… Chúa Giêsu muốn cứu Phêrô khỏi sự tự quy và cô lập. Chúa Giêsu muốn cứu Phêrô khỏi thái độ hủy hoại xem mình là nạn nhân, hay lối suy nghĩ “có sao đâu” vốn luôn làm xói mòn mọi dấn thân và rơi vào chủ nghĩa tương đối tệ hại.
Chúa Giêsu muốn giải thoát Phêrô khỏi lối nghĩ rằng những người đối lập mình là kẻ địch, khỏi sự buồn bực vì bị phản đối và phê phán. Ngài muốn giải thoát Phêrô khỏi tâm thức tiêu cực. Khi hỏi câu đó, “Anh có yêu mến Thầy không?” là Chúa Giêsu muốn Phêrô lắng nghe lòng mình và học cách nhận định. Điều gì là căn bản cho giá trị tông đồ của Phêrô? Điều gì gìn giữ giá trị tông đồ cho chúng ta? Chỉ có một điều thôi: là chúng ta đã được nhận ơn thương xót… Chúa Giêsu đã nhìn đến chúng ta và kéo chúng ta đến gần Ngài. Chúa đưa tay ra và cho chúng ta thấy lòng thương xót của Ngài.
Chúng ta không như thế này bởi chúng ta tốt đẹp hơn người khác. Chúng ta không phải là những siêu anh hùng từ trên trời xanh lao xuống gặp những người phàm. Chính xác, chúng ta là những người được sai đi, với ý thức là mình đã được tha thứ. Đây là nguồn tuôn trào niềm vui. Chúa Giêsu Kitô không đến với các môn đệ với một thân thể không còn những vết thương. Ngài không bảo chúng ta “hãy giấu thương tích của mình đi.” Một giáo hội thương tích, thì có thể hiểu được những vết thương của thế giới ngày nay, và mang lấy những vết thương đó, chịu đựng, đồng hành và tìm cách chữa lành chúng. Một giáo hội thương tích thì không xem mình là trung tâm vũ trụ, không tin rằng mình hoàn hảo, nhưng luôn hướng về Đấng có thể chữa lành những vết thương đó, Chúa Giêsu Kitô.
Biết mình thương tích chính là điều giải thoát chúng ta. Nó giải thoát chúng ta khỏi sự tự quy và nghĩ mình thượng đẳng. Nó giải thoát chúng ta khỏi khuynh hướng chỉ tin tưởng vào sức mạnh của mình, thấy mình cao hơn người khác vì đã tuân giữ những luật lệ nhất định hay giữ vững một tác phong Công giáo nhất định.
Trong Chúa Giêsu, những vết thương của chúng ta được nâng lên, được nâng lên đấy. Những vết thương được Chúa nâng lên, cho chúng ta thêm đoàn kết, phá bỏ những bức tường đang khép chúng ta trong chủ nghĩa ưu tú, bắc cầu và đưa chúng ta gặp gỡ những người đang khao khát tình thương xót mà chỉ có Chúa Kitô mới đem lại được. Chúng ta quá thường mơ về những dự án tông đồ lớn lao, kế hoạch tỉ mỉ! Nhưng làm thế cũng là chối bỏ lịch sử Giáo hội, vốn vinh quang là nhờ mang trong mình một lịch sử hy sinh, hy vọng và đấu tranh từng ngày. Có những cộng đoàn đang lo lắng hơn về hình ảnh của mình, về phạm vi hoạt động, hơn là lo về việc chạm đến những đau khổ của tín hữu.
Dân Chúa không mong cũng không cần chúng ta làm những siêu anh hùng. Dân Chúa muốn có những mục tử, những con người được thánh hiến, những người biết cảm thương là gì, những người có thể đưa tay ra giúp đỡ, những người có thể dành thời gian cho những ai sa ngã.
Thánh Phêrô đã biến đổi con người mình. Thánh Phêrô từng từ chối để Chúa rửa chân, giờ bắt đầu hiểu ra rằng sự cao trọng đích thực chính là nhờ sự nhỏ bé và phục vụ. Chúa Giêsu đúng là người thầy đại tài. Hành động của Chúa Giêsu nhắm đến Giáo hội, là khi đã được rửa sạch tội lỗi mình, Giáo hội không được e dè ra đi đến phục vụ một nhân loại đang thương tích. Chúng ta phải bỏ đi một Giáo hội buồn rầu và nản lòng, hướng đến một Giáo hội phục vụ tất cả mọi người buồn rầu và nản lòng trong chúng ta. Một giáo hội có thể phục vụ Chúa trong những người bị đói, bị cầm tù, vô gia cư, trần truồng và không nơi nương tựa… Việc phục vụ của chúng ta không phải là để cho mình được vui vẻ, hay thể hiện vai trò người bảo bọc. Việc phục vụ phải là từ sự hoán cải tâm hồn.
Vấn đề chính yếu không phải là đem thức ăn cho người đói, thăm viếng người bệnh… Nhưng phải là nhận ra rằng người nghèo, người bệnh, tù nhân, người vô gia cư, họ có phẩm giá để ngồi đồng bàn với chúng ta, được chung mái nhà với chúng ta, là một phần trong gia đình chúng ta. Đây là dấu chỉ cho thấy nước trời đang ở giữa các con.
Do đó, làm mới vai trò ngôn sứ, chính là làm mới sự dấn thân. Không phải là mong chờ một thế giới lý tưởng, một cộng đoàn lý tưởng để sống và phúc âm hóa, mà là làm cho mọi người đang nản lòng có cơ hội gặp được Chúa Giêsu. Không phải là yêu mến một cộng đồng hay hoàn cảnh lý tưởng, nhưng là yêu mến con người.
Kết lời, cha muốn nhắc lại lời nguỵên của hồng y Raúl Silva Henríquez, “Giáo hội tôi yêu mến là Giáo hội thánh thiện của mỗi ngày sống… Ngày sống của tôi, ngày sống của bạn… Chúa Giêsu Kitô, Tin mừng, Thánh thể cho từng ngày. Với những gương mặt người nghèo, của những con người đang hát ca, đang đấu tranh, đang đau khổ. Giáo hội của từng ngày.”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch