Cách ngoại giao của Giáo hoàng Phanxicô sẽ thay đổi mọi sự, chứ không chỉ quan hệ Mỹ-Cuba

321

Cách ngoại giao của Giáo hoàng Phanxicô sẽ thay đổi mọi sự, chứ không chỉ quan hệ Mỹ-Cuba 

Đức Phanxicô tiếp phái đoàn ngoại giao và các đại sứ ngày 13-1-2014

cruxnow.com, David Gibson, 18-12-2014

Giáo hoàng Phanxicô đang được tung hô trên khắp thế giới – và lại bị một số người Mỹ phê phán – vì vai trò then chốt của ngài trong việc tạo nên bước đột phá lịch sử trong quan hệ Washington và Havana, nhờ vào nền tảng gốc Châu Mỹ La Tinh và vị thế đặc biệt của mình.

“Giáo hoàng Phanxicô đã làm những gì các giáo hoàng nên làm: Xây dựng cầu nối và thăng tiến hòa bình.” Đây là lời của tổng giám mục Miami, Thomas Wenski trong tuyên bố hôm thứ tư về việc nối lại bang giao Mỹ-Cuba.

Nhưng, thật vô cùng ngạc nhiên, khi có những yếu tố khác, thường ít rõ ràng hơn có thể giúp chúng ta giải thích chuyện vừa qua. Và đây là 3 yếu tố đó:

  1. Bạn phải dấn thân vào để chiến thắng

Sự hỗ trợ từ Vatican nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Havana và Washington không phải là một chính sách mới được Đức Phanxicô bất thần nghĩ ra, vì trong nhiều thập kỷ, các giáo hoàng ở Roma và các giám mục đôi bên vịnh Florida đã thúc giục Hoa Kỳ thực hiện bước này, đồng thời kêu gọi Cuba thay đổi đường lối đàn áp của mình.

Nhưng từ khi được bầu vào tháng 3 năm 2013, Đức Phanxicô đã kiên quyết đưa Vatican trở lại vũ đài thế giới như thời những năm 1980 khi thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II làm cầu nối con thoi giữa Đông và Tây để chấm dứt Chiến tranh lạnh.

Một vài ví dụ tiêu biểu như việc Đức Phanxicô đã làm chủ nhà cho các lãnh đạo Israel và Palestine đến cầu nguyện tại Vatican, tổ chức các buổi kinh đêm cùng cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, và kêu gọi hành động giải quyết các xung đột ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, và Ukraine.

Ngài cũng đưa bộ máy ngoại giao Vatican vào guồng, ngay sau khi được bầu, ngài bắt đầu thúc giục Hoa Kỳ và Cuba hãy có những tháng hòa bình, và không bao giờ ngưng làm việc này.

Marco Impagliazzo, chủ tịch Cộng đoàn Sant’Egidio, một tổ chức Công giáo tích cực hoạt động giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình, cho biết, “Đức Phanxicô không chấp nhận một thái độ thụ động đối với các sự vụ thế giới. Chúng ta phải chuẩn bị cho một thời đại mới với sự táo bạo chính trị của Tòa Thánh.”

  1. Ngoại giao theo Tin mừng

Năm 2005, khi Giáo hoàng Bênêđictô XVI kế vị Thánh Gioan Phaolô, ngài đã đem theo đội ngũ đã cộng tác với mình lâu năm trong các bộ chuyên giám sát giáo lý ở Vatican, cụ thể là ngài đã phong hồng y Tarcisio Bertone làm Quốc vụ khanh, cho dù hồng y nói mình hy vọng được làm “Giáo hội khanh” hơn.

“Bớt ngoại giao, thêm Tin mừng,” chính là những gì mà Sandro Magister tóm gọn về chính sách đối ngoại của triều giáo hoàng Bênêđictô XVI.

Và cách này không hiệu quả lắm, cả về mặt Phúc âm hay ngoại giao của Giáo hội – nhiệm kỳ của hồng y Bertone phải chịu một loạt tai tiếng và khủng hoảng xói mòn nghiêm trọng thanh danh của Vatican.

Đức Phanxicô đã có một sự thay đổi khác, đưa các nhà ngoại giao lão luyện về lại và cắt đặt họ vào những vị trí cấp cao. Đứng đầu những người này là hồng y Pietro Parolin, cựu đại sứ Vatican ở Venezuela, và bây giờ là Quốc vụ khanh của Đức Phanxicô. Ngài cũng cậy đến tổng giám mục Giovanni Becciu, với cương vị tương đương thủ tướng Vatican.

Tổng giám mục Becciu chính là đại diện gần đây nhất của Vatican ở Havana, ngài và hồng y Parolin chú tâm sát sao và tích cực trong việc thúc đẩy đối thoại Mỹ-Cuba.

Công việc của các nhà ngoại giao “là đi từng bước nhỏ, làm từng việc nhỏ, nhưng mục tiêu luôn luôn là xây dựng hòa bình, đưa tầm hồn mọi người đến gần nhau hơn và gieo tình huynh đệ thân ái giữa mọi người,” đây chính là những lời của Đức Phanxicô trong buổi nói chuyện ngắn gọn dành cho các tân đại sứ ở Vatican.

 

Ngài nói, “Công việc của các bạn thật cao cả, là một công việc rất cao cả.”

  1. Bối cảnh chính trị -và tôn giáo- của Hoa Kỳ đã đổi chiều

Tiếp cận với Cuba không còn là một việc điên rồ với chính trị Hoa Kỳ như lúc trước nữa. Các thay đổi nhân  khẩu của nhóm người La Tinh, ngay cả trong cộng đoàn di dân Cuba từng một thời cương quyết chống Castro, đã biến đổi thực tế chính trị đối nội ở Florida và trên cả nước Mỹ.

Và Giáo hoàng cũng không chiến đấu trận cuối, một cuộc chiến giữa Nhà trắng với Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ về các vấn đề như quyền của người đồng tính, và dự luật tránh thai. Ngay từ đầu, Giáo hoàng đã để tâm đến việc chung tay với chính phủ của Obama và cả thế giới, đồng thời nhiều ưu tiên hàng đầu của ngài, về công bằng kinh tế và quan hệ quốc tế, cũng đồng điệu với cách nghĩ của tổng thống.

Sự đổi chiều của Roma cũng kéo theo thái độ của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ với mức độ nhất định. Các giám mục không chỉ chào mừng động thái mới nhất này về Cuba, mà hồi tháng trước còn khen ngợi các hành động mới nhất của Obama về việc nhập cư. Thật sự là, chủ tịch  Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, tổng giám mục Joseph Kurtz, đã đến Nhà trắng hôm thứ ba, đêm trước đột phá lịch sử Cuba, để hội kiến với tổng thống Obama và phó tổng thống Joe Biden.

Đây chính là dạng tương tác xây dựng đang thiếu trong mối quan hệ, và nếu có sẽ có ích cho cả hai phía: Giáo hội Công giáo ở Hoa Kỳ đang ngày càng mang mang sắc thái Mỹ La Tinh, và Đảng Dân chủ cũng thế.

Chắc chắn, nếu không có liên minh mới nổi nào như thời Gioan Phaolô và Ronald Reagan cộng tác để đương đầu với Matxcơva, thì những bận tâm và nhãn quan chung này cũng sẽ có được những kết quả cụ thể.

“Tôi muốn cảm ơn Đức Giáo hoàng Phanxicô, mẫu gương đạo đức của ngài đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc theo đuổi một thế giới nên là, thay vì cứ bám chặt vào một thế giới đang là.” Đây là lời của Obama hôm thứ tư.

Cùng lúc đó, các nỗ lực của Đức Phanxicô đã làm cho các giám mục lâu nay bắt tay với Đảng Cộng hòa thấy lúng túng.

Chẳng hạn như: Nghị sĩ Marco Rubio, có cha mẹ là người Cuba, và cựu Thống đốc Jeb Bush cũng từ Florida, cả hai đều là người Công giáo, và đều chống đối tổng thống. Cả hai đều chỉ trích hành động của Obama.

Vấn đề là thế. “Khi những người đảng Cộng hòa đang công kích Obama về Cuba, thì cũng là đang công kích Giáo hoàng Phanxicô.”

Mà Đức Phanxicô còn nổi tiếng hơn bất kỳ chính trị gia Hoa Kỳ nào.

Vẫn còn 3 vấn đề khác, là:

Bước tiếp theo của Đức Phanxicô sẽ là gì?

Xét nhiều mặt, thoả thuận với Cuba là một trái chín của các đột phá ngoại giao, chiếu theo nền tảng Châu Mỹ La Tinh của Đức Phanxicô và các động năng chính trị khác. Như Đức Gioan Phaolô đã nói về chủ nghĩa cộng sản Xô-viết mà ngài đã góp phần gây sụp đổ. “Cây đã mục rồi. Tôi chỉ rung nhẹ mà thôi.” Ngược lại, hầu hết xung đột ngày nay, lại đẫm máu và tàn ác hơn, mang tính thị tộc hơn là tính hệ tư tưởng, và cũng ngoan cố hơn.

Đức Phanxicô sẽ đến Cuba vào năm sau?

Đó là thắc mắc của nhiều người. Đức Phanxicô đã nói rằng ngài dự tính sẽ đến thăm 3 nước Châu Mỹ La Tinh vào năm 2015, sẽ đến Mỹ vào tháng 9. Trong tháng này, Đức Phanxicô cũng đã tác động để ngoại trưởng Mỹ John Kerry đóng cửa nhà tù Guantanamo tại căn cứ của Mỹ ở Cuba. Thành quả này cũng là một thúc đẩy để giáo hoàng ghé qua đảo quốc này.

Đức Phanxicô sẽ đoạt giải Nobel Hòa bình?

Không chắc. Mẹ Têrêxa đã được giải này năm 1979, và Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1989, nhưng chưa giáo hoàng nào được giải. Và nếu Đức Gioan Phaolô không được Giải Nobel Hòa bình khi góp phần hạ sập bức tường Berlin, thì cũng khó kì vọng Đức Phanxicô sẽ được giải khi đã giúp rã băng giữa Washington và Havana.

J.B.Thái Hòa dịch