Trong hành lang ngoại giao của Vatican

257

Trong hành lang ngoại giao của Vatican

lemonde.fr, Alain Constant, 2018-01-09

Mạng tin tức tốt nhất bên ngoài thế giới? Sau khi xem phim tài liệu này, người xem sẽ không còn để các nguồn tin tức của CIA Mỹ, mạng SVR Nga, DGSE Pháp, Mss Trung Quốc hay Mossad của Israel lên hàng đầu, mà họ phải bái phục nền ngoại giao rất kín đáo của Vatican!

Từ nhiều năm nay, chuyên gia Vatican Constance Colonna-Cesari theo sát các sinh hoạt của Tòa Thánh. Bà là tác giả của nhiều tài liệu, nhiều tác phẩm quy chiếu trong đó có quyển Các bí mật của ngành ngoại giao Vatican (Dans les secrets de la diplomatie vaticane, Seuil, 2016). Trong cuốn phim tài liệu trên, bà có cuộc điều tra chưa từng có trong vũ trụ êm dịu của các nhà đại sứ Giáo hội công giáo, những người khéo léo và rất thiện nghệ, đại diện cho một Quốc gia chỉ có 44 hêcta đất giữa lòng thành phố Rôma.

Tháng 3 năm 2013, hồng y Jorge Mario Bergoglio người Argentina trở thành Giáo hoàng Phanxicô. Việc bầu chọn giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên trong lịch sử mở đầu cho một tham vọng rộng lớn của Giáo hội công giáo trên mặt trận ngoại giao. Giáo hội của Giáo hoàng Phanxicô mong muốn mình là Giáo hội của các vùng ngoại vi và cụ thể lo cho người di dân đang gặp hiểm nguy, như các tín hữu kitô bị bách hại chẳng hạn. Nhưng không chỉ có vậy. Trên thực tế, các nhà đại sứ có những hoạt động và các cuộc thương thuyết trên nhiều vùng tế nhị, từ Syria đến Cuba, ngang qua Hy Lạp, Irak, Cộng hòa Trung Phi hay Colombia.

Kết quả tích cực đã cứu được nhiều mạng sống, làm giảm nhẹ các căng thẳng và làm thuận lợi cho các đối thoại giữa hai quốc gia, chứng minh cho câu nói danh tiếng nhưng không đúng của Stalin năm 1935: “Ồ, giáo hoàng! Ông thì có bao nhiêu quân đoàn?”, thật sự Stalin đã không hiểu thực lực đích thực của Vatican trên trường quốc tế. Tháng 2 năm 1929, các thỏa hiệp Latran, ký giữa Quốc Vụ Khanh của Đức Piô XI và Mussolini, đã khôi phục lại cho Giáo hội sự tự lập vùng đất đã bị mất vào năm 1870. Từ đó, Vatican có được quy chế Quốc gia và có quyền lực chính trị thật sự, được các tổ chức quốc tế công nhận. 

Bí mật và kín đáo

Theo tài liệu của bà Constance Colonna-Cesari, Tòa Thánh có người cho tin khắp nơi, ở cả tận các vùng xa xuôi hẻo lánh của Phi Châu, Á châu hay Châu Mỹ La Tinh: các giám mục, các linh mục, các tu sĩ, giáo dân là những cung cấp tin tức, tin tức của họ đến tận Rôma. Và ở đây, Hội đồng Phát triển Toàn diện tiếp nhận các dữ liệu, vì thế hội đồng là một trong các văn phòng được thông tin nhiều nhất trên thế giới. Và cũng chính tại Rôma có trường sứ thần dạy nghệ thuật ngoại giao cho các phần tử ưu tú. Chỉ có các chủng sinh xuất sắc nhất mới hy vọng có được một sự nghiệp trong ngành ngoại giao. Với các nguyên tắc làm nền, bí mật và kín đáo. Đứng trước máy quay phim, hồng y người Pháp, Chủ tịch Hội đồng giáo hoàng đối thoại liên tôn mỉm một nụ cười: “Làm thế nào một người vừa là linh mục, vừa là nhà ngoại giao? Trước hết người đó là người linh mục! Ngoại giao chỉ là một phương tiện để phục vụ Giáo hội, ngoại giao không phải là mục đích.”

Những cá tính mạnh

Một trong các công lao của tài liệu này là đã giải mã các mục tiêu, các sứ vụ ngoại giao có tầm ảnh hưởng lớn nhất của một Giáo hội có một tỷ giáo dân trên thế giới. Chúng ta khám phá ở đây có những nhân vật có cá tính rất mạnh như Tổng Giám mục Gallagher, tổng trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, người gốc Liverpool, nước Anh. Hay Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, nhân vật số hai của Vatican. Nhưng cũng đừng quên Đức ông Mario Zenari, sứ thần tòa thánh từ bảy năm nay ở Damas, đại diện cho sự có mặt thường xuyên của ngoại giao Vatican, vì chế độ của Tổng thống Bachar Al-Assad vẫn là chế độ tiếp tục bảo đảm tốt nhất cho tín hữu kitô Syria.

Hòn đá tảng của ngoại giao Vatican: bảo vệ tín hữu kitô Trung Đông. Vì thế đối thoại với Vladimir Putin là việc cần thiết. Nhưng nền ngoại giao Vatican còn tham vọng hơn. Cứu các người di dân, tái thiết lập đối thoại với hồi giáo, một cuộc đối thoại đã bị xấu đi từ bài diễn văn của Đức Bênêđictô XVI năm 2006, bảo đảm hòa bình ở Colombia, buộc Mỹ và Cuba bang giao lại với nhau, áp đặt các quan điểm của mình với Liên Hiệp Quốc… Công việc của ngoại giao Vatican thì không thiếu.

Hiệu quả trên thực địa, các nhà đại sứ Rôma biết cách hành động trong các cuộc xung đột mà không làm cho các tác nhân cảm thấy bị tấn công. Tái bang giao giữa nước Mỹ thời Tổng thống Obama và Cuba thời Chủ tịch Raoul Castro nói lên vai trò hàng đầu của hồng y Ortega, người trung gian hòa giải chính thức giữa La Havana, Washington và Tòa Thánh.

Ngoài ra, các chuyến đi của Đức Phanxicô xác nhận tầm quan trọng trong lãnh vực ngoại giao của Vatican trên chính trường quốc tế. Năm 2015 Đức Phanxicô đi Colombia, Phi Luật Tân, Cộng hòa Trung Phi. Năm 2016 ngài đi Mêhicô, Lesbos, Hy Lạp, Armenia, Giorgia và  Azerbaigian. Năm 2017 ngài đi Ai Cập, Colombia, Miến Điện và Bangladesh. Đầu năm 2018 ngài đi Chi-lê và Pêru.

Và công việc của ngoại giao Vatican thì không thiếu…

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc:

Trung quốc: “Trao đổi văn hóa trước quan hệ ngoại giao”
Với Bắc Hàn, Vatican theo đường lối “ngoại giao qua nghệ thuật”
«Ngành ngoại giao Vatican là ngành ngoại giao hàng đầu cực mạnh của thế giới»