Làm thế nào để có lòng quảng đại trong đời sống hàng ngày

2461

Làm thế nào để có lòng quảng đại trong đời sống hàng ngày

fr.aleteia.org, Claire de Campeau, 2018-01-01

Chúng ta có thể nào làm cho lòng quảng đại thành một nghệ thuật sống, một thói quen trở thành hiển nhiên không? Sau đây là các chỉ dẫn để chúng ta buộc mình mỗi ngày phải quảng đại hơn và làm gương cho con cái.

Xã hội hiện đại của chúng ta thường bị cho là “xã hội cá nhân chủ nghĩa”, nhưng xã hội này lại rất quảng đại khi đồng loại gặp tai ương thiên nhiên, gặp thảm kịch… Tại sao chúng ta lại chờ khi có chuyện mới săn sóc người anh em, mới để nhu cầu của người anh em lên trên nhu cầu của mình? Lòng quảng đại là đức tính phải học, phải được vun trồng và chúng ta sẽ thấy, lòng quảng đại không phải chỉ giúp nhau về mặt vật chất.

Lòng quảng đại không có mức độ, mọi ơn đều mang dấu chỉ tình yêu! Chúng ta thử nghemột vài lời khuyên, có vẻ như lòng quảng đại làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, như Thánh Phaolô đã nói: “Cho thì hạnh phúc hơn là nhận!” (Cv 20, 35)

Nghĩ đến những người chỉ có ít

“Anh em phải cho họ cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng; thật vậy, vì việc đó, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em sẽ chúc phúc cho anh em trong mọi việc anh em làm và mọi công trình tay anh em thực hiện. Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em: hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em.” (Môsê, Đnl 15, 10-11)

Từ khi còn rất nhỏ, đứa bé đã có thể hiểu nó nhận rất nhiều, nhiều hơn người khác và có nhiều người sống khó khăn. Để giúp trẻ con có ý thức về việc này, cha mẹ cần giúp trẻ con có thói quen và hành động với lòng quảng đại trong những việc nhỏ.

Chẳng hạn khi gần đến lễ Giáng Sinh, khi đi thăm bệnh viện, khi đến mùa dọn nhà trong năm, cha mẹ kêu gọi trẻ con đến các gia đình quen xin đồ chơi còn tốt cho các em bé thiếu thốn. Về phần mình, cha me gom góp áo quần, vật dụng, sách vở để cùng với con cái đem đến các cơ quan từ thiện cho.

Cha mẹ kiên nhẫn giúp trẻ con làm thiệp cho anh chị em, cho bạn bè, cho người thân trong gia đình. Các em có thể vẽ hình, tặng quà, làm một hành vi tốt, cứ không phải chờ đến dịp đặc biệt mới làm, nhưng tự phát làm như một thói quen, một việc tự nhiên. Để các con có được sự thích thú khi cho, khi chia sẻ. Cho những gì mình có, đối với một số người là một chuyện khó, vì thế cần phải… học! Chúng ta càng học cho, chúng ta càng muốn cho và chúng ta càng cảm thấy có nhu cầu phải cho: đó là cái vòng đức hạnh của tình yêu. 

Các sáng kiến của lòng quảng đại 

Một sáng kiến được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây ở Napoli, nước Ý, dù sáng kiến này đã có từ giữa hai thế chiến, đó là “cà-phê chờ”. Nhiều tiệm cà-phê đề nghị bạn trả “hai ly cà-phê với giá tiền một ly”. Một người đang cần ly cà-phê có thể vào tiệm đó uống miễn phí. Sau đó sáng kiến này chuyển qua “bánh mì chờ”. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, một thói quen khác được nảy sinh do bắt chước: người dân treo áo măng-tô mình không dùng lên cành cây ngoài đường. Như thế người nào cần sẽ kín đáo đến lấy. Quà tặng ẩn danh này là quà tặng thanh cao nhất: họ không chờ gì hết, ngoài niềm vui được giúp cho người đang cần, mang nụ cười đến cho người anh em.

Trong đời sống hàng ngày, rất nhiều chuyện “ẩn danh” như thế này được thực hiện: hiến máu, để đồ ăn trước căn nhà của người láng giềng sống một mình hoặc bị bệnh, để sách vở ở các bến xe.

Không nghĩ đến “mình”, nhưng nghĩ đến “chúng ta”

Trong sự phát triển của một em bé, chúng ta đừng coi thường giai đoạn chuyển từ “mọi sự là của mình” sang giai đoạn “học sống tập thể” của trẻ con. Giai đoạn tập tành này không nhất thiết phải bắt đầu khi trẻ em đi vườn trẻ hay đến trường, các em có thể tập tành trước ở nhà.

Bà mẹ trẻ Anna cho biết: “Tôi mong các con của mình hiểu thế nào là tình anh em. Chúng tôi có một phòng chơi, mọi người vào đây chơi. Tôi cố gắng hướng các con suy nghĩ, mình đã làm gì cho anh mình, em mình chưa? Tôi cũng cố gắng giúp các con chia việc để làm, đứa đổ rác, đứa dọn bàn. Khi đi chơi ngoài công viên, tôi thường đem thêm đồ ăn để các con có thể chia sẻ với các em bé khác”. 

Tập để tặng các món quà không phải là vật chất: thì giờ, tình yêu, chú tâm

“Anh em phải cho họ cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng; thật vậy, vì việc đó, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em sẽ chúc phúc cho anh em trong mọi việc anh em làm và mọi công trình tay an hem thực hiện. Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em: hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em.” (Môsê, Đnl 15, 10-11).

Lòng quảng đại không nhất thiết chỉ ở của cải vật chất. Có lòng quảng đại là có lòng nhân lành. Lòng quảng đại có thể tự nhiên nơi một số người, nhưng nơi một số người khác thì lòng quảng đại cần phải cố gắng! Lòng nhân lành qua việc chúng ta chú tâm đến người khác dù đó là người chúng ta quen hay không quen. Thái độ của chúng ta với người chung quanh có thể thay đổi bằng nụ cười, bằng chăm chú lắng nghe, bằng cái nhìn trìu mến.

Từ lâu cô Carolina có thói quen tặng ly cà-phê cho người vô gia cư cô gặp ngoài đường. Thiện cảm này được lan truyền, bây giờ cô có đứa con trai, em bé không thể nào không đến hôn người vô gia cư em gặp ngoài đường! Dĩ nhiên không nhất thiết phải ôm hôn mọi người bên cạnh mình, nhưng chỉ cần rời máy điện thoại, tháo dây nghe ở tai, để nhìn, để nói chuyện với người bên cạnh, tất cả món quà của lòng quảng đại là ở sự hiện diện của chúng ta!

Lòng quảng đại có thể trao tặng qua thì giờ, qua lắng nghe, qua chú tâm. Nhớ đến bạn trong những ngày đặc biệt, ngày đi thi, ngày sinh nhật, Chịu khó nói chuyện với bà láng giếng lớn tuổi trong thang máy, bà khá nhiều chuyện nhưng bà… ở một mình! Có lòng quảng đại là chịu khó “hy sinh” ngày chúa nhật, thăm người cô quạnh, thăm người bị bệnh.

Chúng ta tất cả đều cảm thấy mình cần được thương, được lắng nghe, được tồn tại vì người khác. Khi chúng ta chân thành chăm chú nghe câu chuyện của người khác, khi chúng ta bỏ thì giờ nghe chuyện dù mình không thích, chúng ta sẽ thấy những việc tốt lành này thật quan trọng hơn mình nghĩ. 

Lòng quảng đại của Chúa Kitô

Chúng ta cần ý thức tình yêu của Chúa cho chúng ta, để đến lượt chúng ta, chúng ta quảng đại cho người khác và nghĩ đến lời khuyên trong Phúc Âm: “Anh chị em đã nhận nhưng không, anh chị em hãy cho nhưng không”. Cho người khác là cho Chúa Kitô, là bắt chước gương của Chúa, là đáp trả Ý Chúa như trong lời cầu nguyện của các hướng đạo sinh, trích từ kinh cầu nguyện của Thánh I-Nhã: “Lạy Chúa Giêsu, xin dạy cho chúng con có lòng quảng đại, hết lòng yêu mến Chúa, cho không đo đếm, chiến đấu không lo ngại đến tổn thương, làm việc không ngơi nghỉ, phục vụ không chờ phần thưởng, ngoài phần thưởng rằng chúng con đã làm theo Ý Chúa. Amen.”

Nếu có lòng quảng đại là chia sẻ những gì mình quý nhất, thì rao giảng Tin Mừng là một trong các hành vi đẹp nhất của lòng quảng đại! Rao giảng Tin Mừng không nhất thiết phải níu áo người qua đường… Rao giảng Tin Mừng hàng ngày là làm lan tỏa tình yêu của Chúa Kitô, là sống theo các điều răn của Chúa, là làm chứng cho tình yêu của Ngài!

Đón nhận sự sống, cố gắng cám ơn nhiều hơn, than phiền ít hơn, nói với người thân mình cầu nguyện cho họ, mời họ đến nhà ăn, dọn bàn đẹp đẽ, cười, đùa, mang niềm vui đến cho người khác qua sự hiện diện vui vẻ, bác ái của mình.

Lòng quảng đại trước hết là qua món quà đơn sơ  hàng ngày, qua chính con người chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch