Trân trọng sự phức tạp của cuộc sống
Ronald Rolheiser, 2012-12-02
Trong một bài giảng mới đây, tôi có nêu lên việc Chúa Giêsu gây sốc về cả hai khả năng, khả năng vui hưởng trọn vẹn cuộc sống và khả năng buông bỏ chính cuộc sống đó. Trong một buổi tiệc sang trọng, có một phụ nữ dùng dầu thơm lau chân Ngài với tất cả lòng thương mến, chủ nhà tỏ ra khó chịu nhưng Ngài nói cho ông biết, Ngài vui hưởng giây phút này mà không thấy có gì là tội, và Ngài cũng đã nói với họ, bí quyết sâu đậm nhất của đời sống là từ bỏ hoàn toàn trong sự tự hiến, không vương vấn ích kỷ nghĩ cho bản thân mình.
Sau bài giảng, một thanh niên đến gặp tôi và chất vấn về điểm đầu tiên: Làm sao Chúa Giêsu lại buông mình để hưởng thụ và hoan lạc như vậy? Tôi trả lời: Chính ở cái phần kia, phần năng lực từ bỏ đã làm cho Ngài làm được như vậy. Cả hai điều này dựa lẫn nhau, như hai chiếc cánh vậy. Chúa Giêsu có một năng lực đáng kinh ngạc để vui hưởng cuộc sống vì Ngài cũng mang trong mình một năng lực đáng kinh ngạc như vậy, từ bỏ chính đời sống đó. Và điều này cũng đúng với những khía cạnh khác trong đời sống và sứ vụ của Ngài: Chúa có thể lên án tội lỗi, nhưng lại thương tội nhân; cực kỳ chân tình với những người theo Ngài, nhưng cũng làm họ sốc khi thấy tình thương lớn lao Ngài dành cho những người không thuộc nhóm này; và Ngài có thể làm mọi chuyện với một mức độ tự do tối thượng mà chưa từng một ai có được, và Ngài hiểu Ngài không làm điều gì cho chính bản thân Ngài.
Và dạng phức tạp này, dạng năng lực kéo những thứ tương phản lại với nhau trong một áp lực lành mạnh, là một trong những dấu chỉ của sự cao cả vĩ đại. Các vĩ nhân làm đúng như vậy. Tôi xin đưa ra vài ví dụ:
Dorothy Day, người sẽ sớm được phong thánh, là tượng trưng chính xác cho lý lẽ này: bà vừa quan tâm đến một đòi hỏi không nhân nhượng mang tính Phúc âm đối với công bình xã hội, bà vừa quan tâm đến một đòi hỏi không nhân nhượng mang tính Phúc âm đối với các đức hạnh và việc giữ đạo. Bà vừa cấp tiến vừa mộ đạo. Thường thường người ta ít thấy ai vừa dẫn đầu đoàn biểu tình vừa lần hạt. Nhưng Dorothy làm cả hai. Đa số chúng ta không làm được. Chúng ta chỉ có thể làm được một trong hai việc này mà thôi.
Các tác phẩm của Pierre Teilhard de Chardin tiếp tục gây cảm hứng theo kiểu phân chia này cũng vì một lẽ tương tự. Ông có năng lực để cùng lúc kéo lại với nhau hai tình yêu gần như đối nghịch nhau. Ông nói là ông được sinh ra với hai tình yêu nhạy cảm và không phai mờ được: Một tình yêu dành cho Thiên Chúa và nhận thức về một thế giới ngoài thế giới này mà ông chẳng bao giờ có thể phản bội, đồng thời ông cũng có một tình yêu ngang như thế dành cho thế giới vật chất với các vẻ đẹp và hiện thực của nó. Với ông, cả hai đều là những sự thể thực không chối bỏ, cả hai đều khiến ông kinh ngạc, và ông cố gắng để sống sao cho đừng phản bội bên nào, cho dù nó sẽ tạo ra áp lực trong đời sống của ông. Nhưng điều này lại mang lại cho tác phẩm của ông một chiều sâu hiếm có. Hầu hết các tác giả khác, thế tục hay tôn giáo, chỉ tôn trọng một trong hai cực này và phỉ báng cực kia.
Chúng ta cũng thấy kiểu phức tạp này trong các tác phẩm của thánh Têrêxa Hài Đồng. Một mặt, bà hoàn toàn chú trọng đến những sự không thuộc đời này, với cái nhìn của một người xem thế gian này là phù du, mong manh, ít giá trị. Tuy nhiên, mặt khác, bà lại tỏ ra gắn kết gần như một cách không lành mạnh với những thứ tốt đẹp của thế giới này, yêu gia đình, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp. Bà có thể viết những trang hùng hồn về ước mong được chết và bỏ lại sau lưng cuốn phim mờ ảo mà chúng ta gọi là cuộc đời, đồng thời bà thấy khó chịu vô cùng nếu mỗi ngày không nhận những lời tình cảm của gia đình bà. Bà không thấy mâu thuẫn vì không có gì là mâu thuẫn. Khi được gắn với nhau, thì cả hai mong ước đều lành mạnh.
Thánh Augustine cũng cho chúng ta một ví dụ tương tự. Ngài viết hơn sáu ngàn trang bản thảo, trong những trang này, có những trang ngài đề cập đến những cảm xúc tiêu cực về tình dục, một kinh nghiệm đã giúp ngài trở lại; có những trang ngài nói đến những điều cốt lõi của hầu hết thần học chính thống phương Tây cho đến tận mười bảy thế kỷ sau. Ngài có thể chịu rất nhiều áp lực. Đáng buồn thay, chúng ta không được như ngài, thay vào đó chúng ta chỉ bốc và chọn cho mình những phần những mảnh suy tư của ngài để rồi làm tổn hại đến nhãn quan tổng thể của ngài.
Carlo Carretto, ngòi bút thiêng liêng người Ý vừa mới mất gần đây, cũng cho thấy ông có khả năng gắn kết những chân lý tưởng như đối nghịch nhau dưới áp lực. Thật hiếm khi được thấy trong cùng một con người kết hợp lòng mộ đạo với tinh thần bài đạo, trung thành mãnh liệt với giáo hội và phê phán giáo hội cũng mãnh liệt. Đối với ông, hai điều này dựa vào nhau. Mỗi một điều được lành mạnh là nhờ có điều kia hiện diện bên cạnh nó.
Những tư tưởng lớn và những con người vĩ đại trân trọng sự phức tạp một cách đúng đắn. Rõ ràng nhất là nơi Chúa Giêsu. Nơi Ngài là toàn bộ chân lý trong toàn bộ phức tạp của nó. Đáng tiếc thay, chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu lại không xứng đáng với Ngài. Đó chính là lý do vì sao ngày nay lại có đến hàng trăm phái Kitô giáo khác nhau. Đó cũng là lý do vì sao có những phái tự do và bảo thủ cả trong giáo hội lẫn ngoài xã hội của chúng ta. Chúng ta cảm thấy dễ khi mang những những phần nho nhỏ của chân lý hơn là phải chịu áp lực để trung thành với toàn cảnh rộng lớn hơn của chân lý đó.
Nhưng sự đơn giản và trong sáng không phải lúc nào cũng là bạn hữu của chúng ta.
J.B. Thái Hòa dịch