Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo, chương 4, Andrea Tornielli
Cha Bergoglio nhớ lại những giây phút sống với gia đình: “Chúng tôi chơi bài birsca và các loại bài khác. Cha tôi chơi basket ở câu lạc bộ San Lorenzo, thỉnh thoảng cha dắt chúng tôi đi. Còn với mẹ thì mỗi buổi chiều thứ bảy, chúng tôi ngồi nghe opéra với bà qua đài Radio del Estado (bây giờ là Radio National). Chúng tôi ngồi quay quần chung quanh máy, bà kể cốt truyện trước khi vở opéra bắt đầu cho chúng tôi nghe. Trước khi nghe một đoạn hay, bà báo trước: “Nghe kỹ nhé, họ sắp hát một đoạn rất hay.” Đối với tôi, đó là giây phút hạnh phúc được thưởng thức loại nghệ thuật này bên cạnh mẹ và các em. Và kỷ niệm trong nhà bếp: “Sau khi sinh đứa con thứ năm, mẹ tôi bị liệt giường nhưng sau đó bà được hồi phục. Nhưng khoảng giữa thời gian đó, khi chúng tôi đi học về, chúng tôi thấy bà ngồi gọt khoai tây, bà để các gia vị bên cạnh, bà giải thích cho chúng tôi phải trộn như thế nào, phải nấu ra sao vì chúng tôi không biết gì, bà nói: “Bây giờ con để cái này, cái kia vào son, rồi đặt lên lò…” Cứ thế chúng tôi học nấu ăn. Anh em chúng tôi ai cũng biết nấu ăn, ít nhất là món milanesa.
Khi làm giám mục, cha ít có thì giờ nấu ăn nhưng “khi ở Colegio Máximo de San Miguel, ngày chúa nhật không có bà bếp nên tôi nấu cho các sinh viên.” Cha nấu ăn ngon không? “Chúa tôi, tôi chưa bao giờ giết ai vì thức ăn của tôi…”
Bà Maria Elena, em gái của giáo hoàng trả lời phỏng vấn báo La Repubblica về cuộc sống gia đình như sau: “Tôi là em út, anh Jorge hơn tôi 12 tuổi, trước khi sinh tôi, mẹ tôi mất một người con trai. Khi tôi 13 tuổi thì cha tôi chết vì bị nhồi máu cơ tim. Nhưng cho đến năm 1959, gia đình chúng tôi là một gia đình hạnh phúc. Trước hết, chúng tôi là một gia đình Ý, ở đây người Argentina gọi là “Tanos.” Tôi còn nhớ tính cách thiêng liêng của những ngày chúa nhật, trước hết là đi lễ ở nhà thờ San José, sau đó là bữa ăn trưa rất lâu. Những bữa ăn này rất trịnh trọng, có đến 6 hoặc 7 món ăn. Có cả món tráng miệng. Chúng tôi nghèo nhưng luôn luôn giữ phẩm cách và trung thành với truyền thống nước Ý. Mẹ tôi nấu ăn rất ngon. Bà làm bột tươi, các món ăn truyền thống Ý như cappelletti (ravioli) với nước xốt cà chua, món cơm Ý kiểu của người Piémont, gà nướng lò. Bà hay nói trước khi lấy ba tôi, bà còn chưa biết luộc trứng. Rồi bà nội Rosa, người bỏ Piémont ra đi năm 1929 vì chống phát-xít bày cho mẹ tôi nấu vài món. Đối với chúng tôi, bà nội Rosa là một nữ anh hùng, bà rất can đảm. Tôi không bao giờ quên câu chuyện bà kể, ở Ý, bà đã dám lên tòa giảng để lên án chế độ độc tài Mussolini và phát-xít.”
Em của giáo hoàng cũng kể các nét giống nhau của tân giáo hoàng và người cha. “Ba Mario làm kế toán và là người duy nhất trong gia đình đi làm việc. Khi ông đến Argentina, ông đã có bằng nhưng họ không chấp nhận bằng cấp đó nên ông phải làm việc trong nhà máy. Nhưng ông có thể ký các văn kiện mà người khác làm. Và cũng vì thế ông không được trả lương cao như đáng lẽ phải được.”
“Đó là một người vui tính và ông làm cho tôi nghĩ rất nhiều đến anh Jorge Mario. Ông không bao giờ giận và cũng không bao giờ đánh con cái. Đó là điểm khác biệt lớn giữa các gia đình di dân Ý và gia đình Argentina. Người đàn ông có uy quyền trong gia đình nhưng không hung tính. Chúng tôi, và cả anh Jorge, khi làm chuyện gì sai, chúng tôi rất sợ ánh mắt của cha. Nhiều lúc tôi thích bị đánh còn hơn chịu đựng ánh mắt khinh chê làm cho tôi cảm thấy bị hạ thấp. Cha tôi rất yêu mẹ tôi, ông hay tặng quà cho bà. Khi đi làm về, cha lén lén cầm tay tôi đi ra khỏi nhà để mua một cái gì nho nhỏ cho mẹ tôi. Anh Jorge làm tôi nhớ cha mẹ tôi. Anh làm tôi nhớ mẹ vì anh cũng nấu ăn rất ngon: anh làm món mực nhồi tuyệt vời. Nhưng anh làm tôi nhớ cha tôi nhiều nhất. Ngày chúa nhật, cha mang việc về nhà làm. Cha để một khối tập sách kế toán trên bàn và mở máy quay đĩa, căn nhà nhỏ của chúng tôi ngập tràn âm nhạc. Cha nghe opéra và thỉnh thoảng nghe các bài hát phổ thông nước Ý. Tất cả ngày chúa nhật đều đầy tiếng nhạc cổ điển. Bây giờ anh Jorge cũng như cha: anh thích opéra và một vài bài tango. Thỉnh thoảng anh cũng nghe Edith Piaf. Và cũng như bố, anh là người duy nhất trong anh em chúng tôi ủng hộ đội San Lorenzo.”
Gia đình Bergoglio không phải là một gia đình dư dã nhưng họ không thiếu gì. “Ở nhà, chúng tôi không vứt gì. Mẹ tái dùng lại áo quần cũ của chúng tôi, ngay cả áo quần của cha tôi. Mẹ sửa, may lại các áo quần bị hư cho chúng tôi mặc. Có lẽ từ đó anh em chúng tôi có tính thanh đạm. Nhưng cũng có một giới hạn. Cha tôi không thích ăn một món hai lần, vì thế các đồ ăn dư, mẹ tôi sáng chế ra một món khác. Mẹ có tài chế biến.”
Còn trẻ, anh Jorge chơi đá banh với các đứa con trai khác cùng tuổi trong xóm. Anh thích chơi thể thao. Lớn lên anh mê điệu tango. Năm 12 tuổi, anh quen Amalia, một cô bạn gái ở gần nhà. Bây giờ cô vẫn còn sống trong khu vực đó, con cháu đầy đàn. “Anh luôn luôn pha trò nhưng rất lịch sự.” “Gia đình chúng tôi làm chúng tôi xa nhau,” họ thấy hai đứa còn quá trẻ để thương nhau. Amalia không xem quan hệ của mình là nghiêm túc: “Thật tình là không! Chúng tôi là những đứa con nít và câu chuyện của chúng tôi hoàn toàn ngây thơ. Chúng tôi cùng lớn lên với nhau và khi chúng tôi 12 tuổi, chúng tôi mới thật sự gặp nhau nhiều hơn.” Bà nói đến một tuổi thơ ấu bình dị và êm dịu: “Chúng tôi chơi với nhau trên vĩa hè hay ở các công viên gần đó. Chiều nào chúng tôi cũng chơi với nhau.” Theo bà, khi lên tuổi vị thành niên, Jorge đã muốn đi tu, có một lần anh nói với tôi: “Nếu em lấy anh thì anh sẽ không làm linh mục!” Như thế chắc chắn ý tưởng đi tu đã lởn vởn trong đầu nhưng phải chờ vài năm sau anh mới quyết định. Thực ra, Jorge Bergoglio kể một câu chuyện khác về hoàn cảnh đưa đẩy cha quyết định đi tu và vào Dòng Tên.
Nguyễn Tùng Lâm dịch