Một bài học trong tình huống không ngờ tới

352

Một bài học trong tình huống không ngờ tới

Ronald Rolheiser, 2012-07-29

Giá như! Chúng ta thường xuyên nghe những câu nói đầy hối hận cay đắn: Giá như! Giá như tôi để ý trước! Giá như tôi chú ý hơn! Giá như tôi có thể gặp lại người đó, thậm chí chỉ năm phút thôi! Giá như ngay lúc đó tôi không có mặt ở đó! Giá như cơn bão không xảy ra ngay khi tôi đang ở trên xa lộ! Giá như tôi không uống thêm ly đó! Giá như tôi rời bữa tiệc sớm hơn mười phút! Giá như!

Tất cả chúng ta đều sống với những nỗi hối hận nhất định và với cái biết cay đắng rằng giá như mình đã để ý hơn hoặc kiên nhẫn hơn hoặc dũng cảm hơn hoặc yêu thương hơn ở một thời điểm nhất định thì cuộc sống của chúng ta hẳn sẽ rất khác. Giá như chúng ta có thể có lại những phút giây nhất định của đời sống mình, để làm lại khác hẳn.

Gần đây tôi có một phút giây như vậy. Đó chẳng phải là một giây phút trong đại cục lớn lao gì, nhưng theo cái cách nhỏ nhoi của nó, nó thật sự chứa đựng tất cả sức công phá của niềm hối hận cay đắng chất chứa mà chúng ta cảm thấy khi chúng ta nói: Giá như!

Chuyện gì xảy ra? Tôi bị mất một chiếc va-li (trong đó có hộ chiếu, Thẻ Xanh, máy tính xách tay, các quyển nhật ký cá nhân và các kế hoạch trong hai năm qua, và rất nhiều giấy tờ và hình ảnh cá nhân) khi tôi đang mua vé tàu điện ngầm ở Đường Tàu Điện Ngầm London. Tôi là người du hành có kinh nghiệm và thường mang chứng hoang tưởng về chuyện cảnh giác với hành lý, nhưng, như bất kỳ ai từng mất một cái ví hay va-li (hay, chắc chắc còn bi thảm hơn, mất một đứa bé) ở một nơi công cộng đều biết, chỉ mất một vài giây thiếu chú ý là thảm họa giáng xuống.

Trong trường hợp của tôi, chuyện xảy ra như thế này: Tôi chỉ vừa bước xuống khỏi tàu sau khi phát biểu tại một hội nghị, và trong khi chăn giữ kỹ lưỡng ba món hành lý của mình như thể chăn chiên, tôi đi một cầu thang cuốn để xuống tàu điện ngầm. Tôi đang tìm cách mua vé tàu điện ngầm mà cái máy tự động thì không hợp tác, và chỉ cần sự phân tâm nhỏ đó, trong một khoảng thời gian có lẽ chỉ một phút: tôi không nghĩ tới các hành lý của mình. Khi tôi nhìn xuống để xách, thì va-li của tôi đã biến mất. Mất một lúc tôi mới nhận ra điều gì đã xảy ra, và khi tôi chạy đi tìm nhân viên an ninh, tim tôi rơi tõm vào cái ý thức đầy đau đớn là chuyện đã quá muộn rồi, tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy được những gì ở trong cái va-li đó nữa. Khi tôi ngồi với viên cảnh sát, làm bản tường thuật về vụ việc, tôi cứ vô tình tự nói mãi với mình: Giá như! Giá như tôi không bị mất tập trung! Giá như tôi giữ hộ chiếu và thẻ xanh bên mình! Giá như tôi có thể vặn ngược đồng hồ cho chạy lại 10 phút đó của đời mình! Giá như!

Tất cả chúng ta ai cũng từng trải qua như vậy, theo những cách lớn nhỏ khác nhau!

Bài học là gì? Tôi, hay bất kỳ ai, có thể học hỏi được điều gì từ những phút giây như thế?

Trước hết, chúng ta cần học cách nhìn nhận mọi việc trong cái nhìn toàn cảnh. Đôi khi một giây phút bất cẩn có những hậu quả to lớn không thể nào thay đổi được, như trường hợp mất một đứa bé hay một tai nạn nghiêm trọng cướp đi mạng sống; nhưng trong trường hợp của tôi, nó chỉ có nghĩa là mất vài vật dụng cá nhân, một ít tiền, và một thời gian gần hai ngày (đến các Đại sứ quán để làm lại hộ chiếu và thẻ xanh). Đó là một điều bất tiện khó chịu mà xét trong đại cục thì căn bản chỉ như một vết muỗi đốt. Trước lúc chết, chắc tôi cũng chẳng nhớ gì tới vụ việc này. Nhưng vào thời điểm đó, chẳng dễ dàng gì mà nhìn nhận được như vậy. Trong chính giây phút đó, ta dễ dàng đánh mất góc nhìn toàn cảnh.

Thứ hai, những vụ việc như thế này là nhằm dạy lòng kiên nhẫn. Dục tốc bất đạt! Nó cũng khiến ta nhất thời bất cẩn và gây ra các sự cố. Điều đó đã xảy ra với tôi bởi vì lúc đó tôi hấp tấp. Tôi đã muốn mua vé ở quầy khách hàng, nhưng ở đó có cả dãy người đang đợi, và, mặc dù tôi chẳng có lịch làm việc gì cấp bách, tôi vẫn quá thiếu kiên nhẫn nên không thể xếp hàng đợi. Tôi cố tiết kiệm năm phút, và sự thiếu kiên nhẫn đó cuối cùng làm tôi mất gần hai ngày xếp hàng tại các Đại sứ quán và văn phòng Di trú, bên cạnh những thứ khác. Hy vọng bài học này thấm thía.

Cuối cùng, những vụ việc như thế này là nhằm dạy chúng ta thừa nhận và tha thứ cho những việc bất ngờ. Về mặt triết lý, việc bất ngờ có nghĩa là chúng ta sống với những giới hạn và những điều bất toàn, khác với Chúa độc lập và hoàn hảo. Đối với chúng ta, bất cứ ai trong chúng ta đều sẽ có những giây phút sao lãng, bất cẩn, rủi ro, thiếu kiên nhẫn một cách ngu ngốc, và lầm lẫn đạo đức. Triết gia Leibnitz đã nói điều nổi tiếng này – chúng ta không sống trong những vũ trụ toàn hảo khả dĩ.

Như vậy, luôn luôn sẽ có những cái ví bị mất, những va-li bị đánh cắp, những vật quý gia truyền bị làm vỡ, và, tệ hơn nhiều, những tai nạn bi thảm dẫn tới mất mát những đứa trẻ và những mạng sống. Cũng đôi khi sẽ có những giây phút bất cẩn về mặt đạo đức mà chúng ta sẽ thấy hối hận cay đắng. Chúng ta không phải là Chúa. Chúng ta gặp nhiều điều không ngờ.

Vì vậy nếu lần tới có ai đó vô tình đánh rơi và làm bể cái bình hoa vô giá của bạn, thì đừng đáp lại bằng cái cau mày trừng phạt kiểu như nói: Làm sao anh có thể vụng về đến thế! Anh đã làm một việc kinh khủng! Thay vào đó, hãy làm cho ông già Leibnitz tự hào, hãy trao một nụ cười đầy hiểu biết kiểu như nói: Giờ thì anh cũng có điều không ngờ tới!

J.B. Thái Hòa dịch