Đức Gioan XXIII, Giáo hoàng tốt lành thật tốt lành

370

Đức Gioan XXIII, Giáo hoàng tốt lành thật tốt lành

Aleteia, Elisabeth de Baudoüin, 24-4-2014

Ngài rất sáng suốt, trong tất cả mọi mặt. Các lời hay ý đẹp của ngài khẳng định một điều đã được mọi khẳng định từ lâu: một ông thánh buồn là một ông thánh ‘đáng buồn!’

Buổi tham luận về việc phong thánh ngày thứ tư 23-4 vừa qua do Tòa Thánh tổ chức là buổi đặc biệt nói về «Đức giáo hoàng Gioan tốt lành» do Đức ông Battista Angelo Pansa, một chuyên gia về Đức Gioan XXIII và Giáo hữu Guido Guso, người đã đi theo Đức Giuseppe Roncalli trong mười năm cuối cùng của ngài.

Bài tham luận của họ nói đến những lời nói và hành động của cố Giáo hoàng (mà một vài đoạn có thể ký tên «Phanxicô»), có những bài được biết nhiều, có những bài được biết ít hơn, ngoài khía cạnh đôi khi có tính cách giai thoại nhưng tất cả đều nói lên: lòng tốt và quả tim nhân hậu của một người cha, đặc sủng ngôn sứ của ngài, lòng thờ kính Đức Mẹ và tính hài hước của người đơn sơ này, người không tự cho mình là quan trọng.

Về tính hài hước của ngài, Đức ông Pansa kể một chi tiết lý thú: khi Angelo Roncalli còn nhỏ, gia đình gọi Angelo là Angelino có nghĩa là thiên thần nhỏ. Khi là giáo hoàng, ngài mập ra và ngài tự trào: bây giờ người ta phải gọi tôi là Angelone, thiên thần bự! 

Tôi muốn là linh mục để lo cho người nghèo

Đức ông Pansa nêu ra trong một lá thơ, ngài nhắc đến động lực đi tu của ngài khi còn trẻ. Ngày 16-2-1901, ngài được 20 tuổi và đã là chủng sinh, ngài viết thư cho gia đình và bạn bè: «Tôi không muốn làm linh mục để người ta kính phục, để kiếm tiền, để sống thoải mái, để có danh dự hay vui thú… nhưng để làm điều tốt cho người nghèo với tất cả phương tiện nào có thể có được».

Các con viết thư nhanh cho gia đình để gia đình biết giáo hoàng cầu nguyện cho họ nghe

Đức ông Pansa cũng nói đến hai hành động mà Đức Gioan XXIII đã làm khi mở đầu triều giáo hoàng của mình, hai hành động chưa từng có (vào thời đó) và có tính ngôn sứ: đi thăm một bệnh viện – «mà các trẻ em xem tôi là ông già Noel», ngài nói đùa – và đi thăm nhà tù Regina Caeli ở Rôma. Đức ông nhắc lại lời các tù nhân nói đã làm xúc động cả ở trong và ngoài nhà tù: «Vì các con không thể nào đến thăm cha nên cha đến thăm các con (…) Các con viết thư nhanh cho gia đình để gia đình biết giáo hoàng cầu nguyện cho họ nghe

Cùng một tràng chuỗi cho Điện Cẩm Linh và cho Tòa Bạch ốc

Ngài dấn thân và quyết tâm hành động cho hòa bình, Đức ông Pansa kể lại chi tiết do con gái của Chủ tịch Khroutchev kể: Nhân dịp họ đến gặp ngài ở Vatican, Đức giáo hoàng tặng cho hai đứa con của họ hai tràng hạt. Sau này, nhân dịp đến Tòa Bạch Ốc, bà ngạc nhiên thấy cũng cùng xâu chuỗi này treo trong phòng của cô Caroline Kennedy, con gái Tổng thống Mỹ. «Ngài muốn kết hiệp Đông-Tây qua tràng chuỗi», Đức ông Pansa nói.

Mẹ Maria, Mẹ là niềm tin tưởng của con

Trong phần kết luận, Đức ông Pansa nhấn mạnh đến lòng tôn kính Đức Mẹ đặc biệt của Đức Gioan XXIII. Những lời cuối cùng của ngài là những lời mà khi còn là chủng sinh ngài đã học để yêu thương «Đức Bà của lòng tin tưởng» và từ đó đi theo ngài suốt đời. «Mẹ Maria của con, Mẹ là niềm tin tưởng của con, Mater mea, fiducia mea», đó là lời nói cuối cùng của ngài, ngày 3-6-1963.

Còn quỳ xuống… trước Mình Thánh Chúa

Còn về phần mình, «giữa hàng ngàn giai thoại mà ông muốn kể», Guido Gusso chỉ muốn kể vài giai thoại thú vị, ví dụ: «Ngày bầu chọn, Đức giáo hoàng chấp nhận tôi quỳ gối trước mặt ngài. Nhưng ngày hôm sau, ngài cầm tay tôi và nói: chúng ta làm một thỏa thuận. Buổi sáng, con hôn nhẫn của cha và nói chào cha buổi sáng, buổi chiều, con hôn nhẫn của cha và nói chào cha buổi chiều. Và nếu con muốn quỳ gối thì con cứ quỳ… (và ngài mở cửa nhà nguyện Piô XII, chúng tôi bước vào)… trước Mình Thánh Chúa.»

Nếu con bị dứt phép thông công thì ta cho con lại

Guido Gusso kể, vào cuối buổi họp mật nghị Đức Gioan XXIII vừa mới được bầu chọn, ông xin ngài để đi ra ngoài một chút và hồng y Tisserand nói sẽ dứt phép thông công nếu ông ra ngoài! «Tôi đến than phiền với giáo hoàng, ngài nói với tôi: con nói với Hồng y, nếu ngài dứt phép thông công của con thì ta cho con lại» ông Guido Gusso cảm động nhớ lại.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch