2017-11-13
Linh mục Ron Rolheiser, OMI
Chúa Giêsu bảo rằng đến tận thế, chúng ta sẽ được phán xét theo cách chúng ta đối xử với người nghèo khi còn sống. Nhưng ngay cả trong đời này, khi không vươn tay đến người nghèo, thì chúng ta cũng có thể phải trả giá rồi.
Và trong quyển Lòng thương xót Công chính [Just Mercy], Bryan Stevenson đã chỉ ra mối nguy đó: “Tôi tin rằng tiêu chuẩn đích thực cho sự tận tâm của chúng ta với công lý, với đặc tính của xã hội mình, với luật lệ, công bằng và bình đẳng, không thể đong đếm bằng cách chúng ta đối xử với người giàu, người có quyền, và có địa vị trong chúng ta. Tiêu chuẩn thật sự cho nhân cách của chúng ta nằm ở cách chúng ta đối xử với người nghèo, người bị ruồng rẫy, bị cáo buộc, bị bỏ tù, bị lên án. Khi để người khác bị đối xử tệ bạc, thì chúng ta cũng là đồng lõa. Thiếu đi lòng nhân ái, có thể hủy hoại đạo đức của một cộng đồng, một quốc gia. Nỗi sợ và cơn giận có thể khiến chúng ta muốn báo thù, công kích, và bất công, cho đến khi tất cả chúng ta đều khốn khổ vì thiếu vắng lòng thương và tự lên án mình cũng như lên án tha nhân.”
Điều tôi cần nêu bật ở đây là những gì chúng ta gây ra cho mình khi không có lòng nhân ái với người nghèo. Chúng ta tàn phá đạo đức của mình. Như Stevenson nói, Thiếu đi lòng nhân ái là hủy hoại nguyên tắc đạo đức, của mỗi cá nhân, gia đình, giáo hội và quốc gia. Làm sao lại thế?
Thánh Augustino dạy rằng chúng ta không bao giờ trung tính về đạo đức, hoặc theo đường đức hạnh hoặc theo đường đồi bại. Chúng ta không bao giờ có thể trung tính, ổn định cả. Không có sự trung tính về đạo đức cả, Chúng ta đi lên hoặc tụt dốc. Và ai ai cũng vậy. Không tiến thì lùi.
Và thái độ của chúng ta về công lý và người nghèo cũng vậy. Hoặc chúng ta vươn tay ra với người nghèo và bận tâm hơn về họ, hoặc chúng ta vô thức làm chai đá tâm hồn và ngày càng xem nhẹ những vấn đề của người nghèo, ngày càng xa cách họ. Nếu chúng ta không tích cực bảo vệ công lý và người nghèo, thì chắc chắn đến một lúc, chúng ta sẽ toàn tâm gạt ra khỏi đầu những vấn đề đói nghèo, kỳ thị, bất bình đẳng và bất công.
Một điều thú vị là trong dụ ngôn Ngày Phán xét, khi Chúa Giêsu tách chiên với dê, dựa theo cách họ đối xử với người nghèo, thì cả hai nhóm, những người làm đúng và những người làm sai, không nhóm nào biết thật sự mình đã từng làm gì. Nhóm người công chính nói rằng họ không biết khi phục vụ người nghèo là đã phục vụ Chúa Kitô, và nhóm người sai lầm biện hộ rằng nếu biết đó là Chúa Kitô, thì họ đã tiếp đón giúp đỡ tử tế rồi. Chúa Giêsu nói với họ, chuyện đó chẳng quan trọng. Tinh thần môn đệ trưởng thành hệ tại ở hành động, bất chấp thái độ có ý thức của chúng ta ra sao.
Và chúng ta cần cảnh giác, không chỉ với thái độ có ý thức của mình mà còn với việc chúng ta làm. Chúng ta có thể hết sức thật tâm, tử tế mà bịt mắt không thấy công lý và người nghèo. Chúng ta có thể là những người đạo đức, sốt sắng, hào phóng, nồng hậu, nhưng lại bịt mắt mình để trở thành một người chuộng chủ nghĩa ưu việt một cách sai trái, kỳ thị một cách kín đáo, vô tâm với môi trường, và bảo vệ những đặc quyền đặc lợi của mình. Chúng ta vẫn là những người tốt, nhưng thiếu đi lòng nhân ái trong một khía cạnh đời sống là chúng ta đạo đức què quặt rồi.
Chúng ta có thể là người tốt nhưng lại có những chai đá trong tim, vì chịu ảnh hưởng của những nhóm người quanh mình chẳng hạn. Trong bất kỳ nhóm nào, hoặc chúng ta nói chuyện về những cách hữu hiệu để thu lại khoảng cách giàu nghèo, hoặc chúng ta một cách vô thức, nói về nhu cầu cần bảo vệ khoảng cách đó. Một kiểu thì mở rộng, kiểu kia thì thu hẹp tấm lòng của chúng ta. Thiếu lòng nhân ái sẽ biến một trái tim độ lượng thành một trái tim thủ thế.
Chúng ta đều có những người bạn quý mến và cho chúng ta thấy mình là người tốt lành, rộng lượng, và có nhân cách. Và chắc chắn đúng là thế. Nhưng một sự khẳng định từ những người đồng hội đồng thuyền với chúng ta, có thể là một tấm gương méo mó. Tấm gương thực thụ chính là cách mà những người khác biệt với chúng ta về tính khí, tôn giáo, chủng tộc, chính trị nhận định về chúng ta. Người nghèo thấy gì về chúng ta? Người tị nạn thấy chúng ta tốt lành đến mức nào? Các chủng tộc khác thấy chúng ta có lòng nhân ái thế nào?
Và còn tấm gương của Chúa Giêsu, khi Ngài cho chúng ta biết phán xét sẽ dựa theo cách chúng ta đối xử với người nghèo, và phép thử cho sự tốt lành ở việc chúng ta có yêu thương địch thù của mình hay không.
Thiếu đi lòng nhân ái trong bất kỳ khía cạnh đời sống nào, thì phép tắc đạo đức của một cộng đoàn, một quốc gia, một giáo hội sẽ bị băng hoại, và nó còn biến lòng quảng đại của chúng ta thành thủ thế.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch