Giáo hoàng có phải là ngôn sứ?

167

Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Băng-la-đét về Rôma, 2 tháng 12-2017

religion-gaulmyn.blogs.la-croix.com, Isabelle de Gaulmy, 2017-12-03

Trong chuyến đi Miến Điện và Băng-la-đét (từ 27-11 đến 2-12-2017) Đức Phanxicô đã không dùng chữ “Rohingya” khi ngài ở đất Miến Điện. Như thế đủ cho một số người cho rằng ngài quá cẩn thận mà theo họ là vì quá lo lắng cho lợi ích ngoại giao.

Chiều thứ bảy, Đức Phanxicô đã đặt mọi chuyện vào đúng chỗ của nó. Trực tiếp nói đến chữ “Rohingya” là phản tác dụng, ngài giải thích: “Tôi thấy, nếu tôi dùng chữ này trong các bài diễn văn chính thức, tôi sẽ làm cho họ khó chịu”.

Quan tâm đến tiến trình đối thoại, ngài mong có cuộc đối thoại thẳng thắn với các tướng lãnh Miến Điện hơn là công khai chỉ trích họ, sẽ ảnh hưởng đến cộng đoàn công giáo nhỏ của Miến Điện. Sau đó, ở Băng-la-đét, ngài đã có cuộc gặp rất cảm động với người Rohingya, ngài đã lên án các tổn thương mà dân tộc thiểu số Rohingya đã phải gánh chịu. 

Từ Đức Piô XII đến Đức Phanxicô

Nhưng phải đi ngược về lịch sử xa hơn: sự “thất vọng” và tranh cãi sau đó cho thấy có một ngộ nhận sâu xa về vai trò của giáo hoàng. Bởi vì, là giáo hoàng có phải là ngôn sứ không? Không. Trong lịch sử Giáo hội nhưng cũng trong thần học của Giáo hội, người ta không đòi hỏi giáo hoàng trước hết phải là nhà ngôn sứ. Trách vụ của giáo hoàng là đảm trách đơn vị hợp nhất của Giáo hội, giúp anh em mình làm chứng đức tin của họ. Hình ảnh ngôn sứ mà chúng ta thấy trong Kinh Thánh, “tố cáo điều không chịu thấu, và loan báo điều chưa hình dung” thì không ở trong thứ trật này.

Trên thực tế, chỉ vào hậu bán thế kỷ 20 người ta mới thấy hình ảnh theo tinh thần ngôn sứ của các giáo hoàng mới được khẳng định: kể từ cuối thế kỷ 19, sự mất dần dần mọi quyền lực trần thế mới cho các giáo hoàng có được tự do trong lời nói và một quy chế đặc biệt của một vương quốc không Quốc gia. Người ta có thể trách Đức Piô XII không cương quyết trong việc chống nazi. Nhưng đúng hay sai, chắc chắn Đức Piô XII không xem mình có chức vụ của một ngôn sứ, nhưng chức vụ làm đơn vị hợp nhất cho người công giáo trong một giai đoạn giao động.

Đức Gioan XXIII là giáo hoàng đầu tiên hiểu từ nay lời của giáo hoàng có sức mạnh lớn đến như thế nào, nhất là trên chính trường quốc tế, đối với một Giáo hội “chuyên ngành trong vấn đề nhân đạo”, như người kế vị của ngài là Đức Phaolô VI đã nói về ngài. Đức Gioan-Phaolô II đã đóng vai trò ngôn sứ này rất nhiều và Đức Phanxicô còn nhấn mạnh hơn về chiều hướng này. Chúng ta có thói quen mong chờ ở các giáo hoàng các hành vi mạnh để tố cáo điều mà các người khác không dám làm. Một hiện tượng mà hệ thống truyền thông đã làm mạnh thêm, mà các giáo hoàng mỗi chữ, mỗi lời vang dội trên toàn thế giới, đi theo với nhân cách cá biệt, triệt để của họ.

Sự tiến triển này không phải là không có bất trắc: trước hết, như chúng ta thấy vào tuần vừa qua, qua chuyến đi Miến Điện và Băng-la-đét, sẽ tạo ra một mong chờ quá độ đối với các giáo hoàng, và dĩ nhiên sẽ nuôi dưỡng một hình thức thất vọng nào đó. Nhất là, đối với người công giáo, họ dễ dàng dựa trên giáo hoàng mà họ mong chờ để ngài tố cáo tất cả các căn bệnh của xã hội. Giáo hoàng không độc quyền làm ngôn sứ, ngược lại là khác! Ngôn sứ là ơn gọi của tất cả những ai đã được rửa tội.

Marta An Nguyễn dịch 

Xin xem thêm: 

Đức Phanxicô: “Tôi khóc khi xin lỗi người Rohingya”

“Với người Rohingya, tôi đã khóc”

Đức Phanxicô nói với người Rohingya ở Băng-la-đét: “Xin anh chị em tha thứ cho sự dửng dưng của thế giới”

Đức Phanxicô xin sự giúp đỡ khẩn cấp quốc tế cho người Rohingya