Bài thứ hai trong loạt bốn bài Mùa Vọng về cầu nguyện
Một trong những lý do chúng ta cần cầu nguyện là để không ngã lòng. Ai trong chúng ta cũng đã từng bị ngã lòng. Chúng ta ngã lòng khi thất vọng, mệt mỏi, sợ hãi, và bất lực trước các sỉ nhục của cuộc sống hợp lại để làm tê liệt năng lượng, bẽ gãy khả năng chịu đựng, vắt kiệt lòng can đảm và làm cho chúng ta trầm uất, yếu ớt.
Nữ thi sĩ Jill Alexander Essbaum cho chúng ta một ví dụ thấm thía về điều này trong bài thơ Lễ Phục Sinh. Chiêm nghiệm về niềm vui cần được Lễ Phục Sinh mang đến cho đời sống chúng ta, bà chia sẻ rằng thay vào đó, Lễ Phục Sinh có thể là thời gian thất bại của chúng ta vì việc ăn mừng niềm vui này có thể làm nổi bật thêm những khiếm khuyết trong đời sống của chính chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy: Tất cả những ai tôi từng yêu thương đều sống hạnh phúc nhưng đơn giản họ đi qua khỏi tầm với của tôi.
Và cảm giác này có thể làm chúng ta, hoặc suy sụp trong cay đắng hoặc quỳ xuống cầu nguyện; hy vọng là chúng ta cầu nguyện.
Trong kinh thánh có nhiều ví dụ về các nhân vật nam cũng như nữ, khi họ bị tê liệt do sợ hãi, ngã lòng, hay cô đơn, họ lên núi cao hay quỳ gối cầu nguyện. Tôi xin nêu lên hai ví dụ mang tính minh họa rõ nét.
Chúng ta có một ví dụ về việc cầu nguyện để không ngã lòng nơi tiên tri Êlia khi ông bị đe dọa vì lời nói tiên tri của mình. Êlia là nhà tiên tri chân chính và can đảm, nhưng có một lúc trong quá trình mục vụ, ông cực kỳ nản lòng. Dân của ông không còn nghe thông điệp tiên tri của ông, ông chứng kiến một vài tiên tri bạn phải tử nạn, và thông điệp của ông đã làm cho Jezebel, người phụ nữ quyền lực nhất vương quốc khó chịu, bà phái người đi tìm ông để giết. Để chạy trốn khỏi Jezebel, Êlia lên núi Horeb. Tuy nhiên, khi rút vào hang, ông đối diện với tiếng nói của Chúa, Chúa hỏi ông làm gì ở đây. Êlia thú nhận ông quá phiền muộn, sợ bị mất mạng, và bị ngã lòng. Sau khi thú nhận nỗi sợ hãi, Êlia rút vào hang tối, ngồi bất động trong nỗi sợ hãi và trầm uất. Nhưng qua âm thanh của làn gió dịu nhẹ, Chúa đã quyến dụ ông ra cửa hang, nơi Êlia một lần nữa thú nhận nỗi trầm uất và sợ hãi của mình; nhưng lần này là dưới dạng lời cầu nguyện. Và, qua việc cầu nguyện đó, ông lấy lại sức mạnh của trái tim, ông xuống núi, sẵn sàng đối diện với sứ vụ của mình với tất cả mối nguy hiểm đi kèm, với lòng can đảm và nguồn năng lượng mới mẻ.
Khi tất cả sức lực tiêu tán hết, Êlia đến bên Chúa với tấm lòng yếu ớt của mình, và hành động đó đã làm mới trái tim ông.
Chúng ta cũng thấy ví dụ này nơi Chúa Giêsu khi Ngài cầu nguyện ở Vườn Giếtsêmani, đối diện với sự thương khó và cái chết của mình. Đó là lúc suy thoái nhất trong cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giê-su: Dân chúng không còn nghe Người, các cơ quan thẩm quyền tôn giáo đang cấu kết với chính quyền dân sự để giết Người; số ít những môn đồ thân cận, những người còn lắng nghe thông điệp của Người, lại không hiểu được, và Người cảm thấy vô cùng cô độc, “một hòn đá bị ném xa khỏi mọi người”. Vì vậy, để khỏi ngã lòng, Người đã quỳ gối cầu nguyện, cầu nguyện tha thiết đến “đổ mồ hôi máu”, nhưng lời cầu nguyện cuối cùng đã kết thúc trong an ủi, với “một thiên thần từ thiên đường xuống để tăng sức mạnh cho Người”. Người đem trái tim tan nát, bị bội bạc, đầy sợ hãi và bị cô lập đau đớn của mình vào trong cầu nguyện, và Người đã được tiếp sức mạnh, được trao thức ăn cần thiết để có lại được lòng can đảm.
Và như vậy, Chúa Giê-su tương phản với các tông đồ. Ở chính giây phút đó, họ cũng nản lòng, cô độc và sợ hãi. Nhưng họ đã ngủ quên khi Người cầu nguyện, và giấc ngủ của họ, như Phúc âm ngụ ý, không chỉ có nghĩa đen. Chúng ta được biết, họ “ngủ quên đơn giản là vì muộn phiền”. Căn cốt, họ quá trầm uất đến nỗi không thể nào thức tỉnh lại trước sức mạnh trọn vẹn của cuộc đời họ. Sự ngã lòng này đã làm họ tê liệt trong sợ hãi, và rốt cuộc khi họ hành động thì họ lại hành động theo những cách trái ngược với những gì Chúa Giê-su đã dạy họ. Họ dùng tới vũ lực rồi chạy trốn. Họ không thể nào đối diện sự thống khổ đang treo lơ lửng như Chúa Giê-su bởi vì họ đã không cầu nguyện như Người cầu nguyện. Họ đã ngã lòng.
Cho dù chúng ta là ai, giàu đến cỡ nào hay may mắn như thế nào, thì cũng không thể nào sống hết cuộc đời này mà không có lúc này lúc khác cảm thấy bị hiểu lầm một cách cay đắng, bị phiền muộn sâu sắc, ngã quỵ trước mệt mỏi đến tê liệt, và đơn giản là ngã lòng. Chúng ta là con người, và giống như Chúa Giê-su, chúng ta cũng sẽ có những ngày cảm thấy mình như “một hòn đá bị ném xa ra khỏi mọi người”. Và điều đã bị tê liệt sâu thẳm trong chúng ta cũng chính là điều cao cả nhất trong chúng ta: khả năng tha thứ, khả năng tỏa chiếu trái tim quảng đại, hào hiệp, khả năng thấu cảm và thông hiểu, khả năng vui mừng, và khả năng can đảm của chúng ta. Sợ hãi và nản lòng, giống như Êlia, chúng ta rút vào hang tối lòng mình.
Nhưng vào những phút giây như vậy, có thể chúng ta hiểu bản thân mình theo cách sau đây: Giống Êlia, chúng ta đang ở trong hang tối, tê liệt vì đã ngã lòng; nhưng Chúa lại đang ở cửa hang, một cơn gió dịu dàng quyến dụ chúng ta trở ra lại cái nơi mà tất cả những người chúng ta thương yêu đều sẽ quay trở về trong tầm với của mình.
J.B. Thái Hòa dịch