Ngày lễ của Mẹ

186

 

Ronald Rolheiser, 2011-05-08

Trong nhiều năm qua, tôi có thành kiến với Ngày lễ của Mẹ. Tôi không chống lại tư tưởng đó, đây chỉ là mối bực bội cá nhân. Mẹ tôi qua đời cách đây 40 năm, nên chuyện tôi làm ngơ trước Ngày lễ của Mẹ từ trước đến giờ chỉ là thái độ của tôi trước bất công của vũ trụ mà tôi cảm thấy: Mọi người cứ ăn mừng, trừ tôi!

Nhưng thời gian đã chữa lành vết thương và đôi khi làm chúng ta khôn ngoan hơn. Bây giờ, vào Ngày lễ của Mẹ, tôi luôn luôn ý thức về mẹ và tìm thấy các lý do rất hay để ăn mừng. Bạn không cần phải còn sống mới nuôi nấng được một người nào đó, và đó chính là trường hợp mẹ tôi. Chúa Giêsu đã chẳng bảo rằng, chúng ta chỉ tiếp nhận cách tinh tuyền tinh thần của một người nào đó sau khi họ ra đi và tôi biết điều đó đúng. Bốn mươi năm sau cái chết của bà, tôi ý thức mẹ tôi là ai và những gì bà đã cho tôi một cách rõ ràng hơn so với suốt thời thơ ấu của tôi khi bà còn sống và tình mẫu tử của bà như đang hiển hiện ôm tôi.

Những gì anh chị em tôi và tôi giờ đây ý thức rõ ràng hơn so với khi bà còn sống, là chúng tôi rất may mắn. Chúng tôi có được một bà mẹ tốt lành. Đơn giản là như vậy. Trong những điều thiết yếu, bà đã cho chúng tôi những thứ quan trọng: An toàn, bảo bọc, cảm thấy được người khác mong muốn, cảm thấy mình là quý giá, được ăn no, mặc ấm, một cảm nhận rằng cuộc đời là đẹp, và trên hết thảy, cảm thấy chúng tôi luôn luôn ở trong vòng tay của một Chúa đáng tin cậy.

Dĩ nhiên, chẳng có điều nào trong số đó hoàn hảo. Mẹ tôi không phải là Chúa. Bà có những giới hạn, nguồn năng lượng và nguồn lực nhờ đó bà nuôi dưỡng chúng tôi cũng giới hạn. Gia đình đông người và lúc nào cũng thiếu tiền. Chúng tôi có đủ, nhưng chỉ là đủ mà thôi, không hơn. Chưa bao giờ có dư. Nó cũng đúng nếu nói về sự quan tâm và tình thương bà dành cho mỗi anh chị em chúng tôi. Bà không có thì giờ, năng lực hay niềm vui sướng xa xỉ nào để tuôn tràn lên bất cứ riêng ai trong chúng tôi, dù không ai trong chúng tôi nghĩ rằng bà thương mình như đứa con độc nhất. Tuy vậy, tất cả chúng tôi đều thấy các giới hạn của bà và sống với hệ quả của chúng cho tới hôm nay.

Nhưng các nỗ lực quá mức thường xuyên của bà cũng là một khiếu đặc biệt của bà: Giống như Chúa Giê-su, bà nhân bánh mì và cá lên gấp bội lần. Cách nào đó bà luôn luôn tìm được đủ mọi thứ, thức ăn, áo quần, sách vở, thêm một cái bánh, một dây ruy-băng hay bất cứ cái gì cho một dịp đặc biệt. Cách nào đó chúng tôi luôn luôn có những thứ chúng tôi cần, cũng giống như cách nào đó bà đã làm cho cái bàn ăn gia đình dài thêm đủ để mọi người cùng ngồi – hàng xóm, giáo viên, linh mục, người bán hàng, hoặc một ông chú sa cơ lỡ vận – người mà cứ tình cờ đến chơi nhà khi gần bữa ăn. Bà tin tưởng rằng rồi lúc nào cũng sẽ đủ, và đúng vậy thật.

Và bà là một bổ sung hoàn hảo cho cha tôi. Phim trường Hollywood hay dịch vụ hẹn hò Công giáo không thể nào sắp xếp được một cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn thế. Họ đã tìm thấy nhau, hai người tri âm tri kỷ, tại một cuộc đi chơi ngoài trời của giáo xứ, tình thương yêu và tôn trọng lẫn nhau của họ là điều mà, có lẽ hơn bất kỳ điều gì khác, đã đem lại cho chúng tôi, những người con của họ, một cảm thức manh nhất về sự an toàn, vững chãi, và đức tin. Cha tôi là kim chỉ nam về đạo đức, bà là trái tim; nhưng họ có thể hoán đổi vai trò này cho nhau và bà có thể đưa ra những thách thức về luân lý còn ông đem đến sự nhạy cảm. Dù cách nào đi nữa, họ đều làm cùng nhau, và khi họ chết, họ để lại đằng sau một gia đình còn quá non trẻ để có thể tự xoay xở một mình, họ đã cho chúng tôi những gì họ cần phải cho, tất cả những công cụ cơ bản để xây dựng cuộc sống của riêng mình và sống một cách sôi nổi, vui vẻ.

Bà chết vì căn bệnh viêm tụy tạng và đau tim, chỉ ba tháng sau khi bà đã chăm sóc cha tôi trong trận quyết chiến cả năm trời nhưng thất bại với căn bệnh ung thư. Khi cha tôi sắp chết, một người em của tôi và tôi đưa bà ra hiệu để mua một bộ áo mặc cho dịp tang lễ. Bà đã quyết định vung tay mua bộ áo đắt tiền nhất bà chưa từng mua. Khi mặc thử bộ áo, người bán hàng nói: “Bà mặc áo này trông thật tuyệt! Tôi hy vọng bà thích mặc nó!” Mẹ tôi chỉ mặc nó có hai lần, một lần trong đám tang ba tôi, và một lần trong đám tang của bà. Nhận xét trớ trêu của người bán hàng vậy mà đúng.

Không biết lý do gì, mẹ tôi không thích tên Mathida của mình. Các bà bạn gọi ngắn là Tilly lại càng làm bà không thích! Tôi không biết khi thân mật, ba tôi gọi bà tên gì nhưng tôi nghi là chẳng phải tên nào trong số hai tên này.

Các nhà nhân chủng học cho rằng mẹ của mình là mối dây cộng sinh của chúng ta với cuộc sống. Các bà mẹ phải cho chúng ta biết rằng vũ trụ này muốn có chúng ta, và chúng ta đáng yêu chỉ đơn giản chúng ta là chúng ta, rằng tình yêu thương là không cần gắng gỗ mới có được. Mẹ tôi đôi khi quá bận rộn nên không thể nuôi nấng riêng từng đứa một với cảm giác rằng chúng tôi là duy nhất, là xinh đẹp, là quý giá; nhưng bà đã làm mẹ chúng tôi theo một cách mà chính cuộc sống và vị Chúa tạo dựng cuộc sống đó đã đem lại cho chúng tôi món quà quý giá đó.

J.B. Thái Hòa dịch