Họ đã không hiểu chuyện các ổ bánh mì! Phúc âm đã dùng lời lẽ đó để nói về đám đông mà Chúa Giê-su đã cho ăn một cách thần kỳ với năm ổ bánh mì và hai con cá. Họ đã ăn, nhưng họ không hiểu gì. Họ không hiểu điều gì?
Câu chuyện như sau: Chúa Giê-su đã giảng cho đám đông, hàng ngàn người. Nhưng họ đến từ nơi xa, và sau đó, trong một thời gian dài họ đã không có thức ăn. Họ đói, đói tới nỗi trên thực tế họ không đủ sức về lại làng quê cũ. Các vị tông đồ đến gần Chúa Giê-su hỏi liệu có nên tới các thành phố lân cận để mua thức ăn cho đám đông này không. Chúa Giê-su nói họ hãy xoay xở để cho những người này ăn. Các tông đồ phản đối vì họ có quá ít thức ăn, hầu như không có gì. Chúa Giê-su hỏi họ thật sự có được gì. Họ trả lời: “Chỉ năm ổ bánh và hai con cá.” Và họ hỏi: Chừng đó thì đâu có đủ cho quá nhiều người như vậy?
Phương trình ở đây thật là vô phương giải quyết: quá ít thức ăn, quá nhiều người.
Vậy là Chúa Giê-su bảo họ đem bánh và cá tới cho Người. Người làm phép thức ăn và bảo các tông đồ phân phát cho hàng ngàn người đang đói. Chúng ta đã biết phần tiếp theo của câu chuyện: Các tông đồ phát thức ăn, mọi người ăn thỏa thích, sau đó gom được mười hai bao vụn thức ăn còn lại. Đám đông lấy làm cảm kích, đến mức, ngày hôm sau họ theo Chúa Giê-su đi quanh hồ, hy vọng lại được ăn như thế. Về phần mình, Chúa Giê-su thấy buồn vì họ chưa hiểu: Họ đã không hiểu chuyện các ổ bánh mì.
Họ không hiểu điều gì? Có hai điều:
Thứ nhất: Mới đầu khi các tông đồ đến gần Chúa Giê-su hỏi liệu có nên đi vào các thành phố lân cận để mua bánh mì hay không, câu hỏi của họ để lộ ra họ không biết họ đang ở cạnh bánh mì của cuộc sống. Họ đang ở cạnh cái vốn là đối tượng của mọi cơn đói của thế giới, và, là cái không giới hạn, vô tận, với cái hào phóng của nó. Ấy vậy mà họ còn muốn ra đi để mua thức ăn ở một nơi khác. Bài học là: Khi bạn đang ở cạnh bánh mì cuộc sống thì không cần phải đi mua thức ăn nữa, hay mua bất kỳ cái gì, ở bất kỳ đâu! Bạn đã có mọi thứ mình cần để thỏa mãn mọi kiểu đói khát. Mong muốn đi nơi khác để mua thức ăn của các vị tông đồ đã để lộ ra việc họ chưa hiểu được điều này. Họ đã không thấy cái điều phi lý, điều mỉa mai trong yêu cầu của mình: Chúa Giê-su chính là bánh mì của cuộc sống, là thức ăn cho sự sống của thế giới, mà họ còn hỏi người liệu họ có cần đi nơi nào khác để mua cái cần để cho đám đông ăn.
Điều thứ hai họ không hiểu là ý nghĩa của phương trình này: quá ít thức ăn, quá nhiều người. Chỉ vài ổ bánh nhỏ nhoi và ít con cá là không thể nào đủ để cả ngàn người ăn. Đúng là đi ngược lại với suy nghĩ thông thường nếu bày ra những thức ăn ít ỏi một cách thảm hại như vậy trước số lượng quá đông người như thế kia. Làm thế nào năm ổ bánh mì và hai con cá lại đủ cho đám đông hàng ngàn người ăn no?
Đôi khi các nhà thuyết pháp thiện ý đã cố gắng giải thích ý nghĩa bằng cách nói rằng lời mời cùng chia sẻ của Chúa Giê-su là gom nguồn thức ăn mà mỗi người mang theo và giấu riêng, và khi ai cũng chia sẻ những gì mình có, thì ai cũng được ăn và có đủ thức ăn. Cách giảng như vậy cũng có bài học hay của nó, nhưng mấu chốt của câu chuyện lại chính ở tính chênh lệch vô phương giải quyết của phương trình này. Cốt yếu, những nguồn lực của Phúc âm dường như luôn luôn nhỏ bé tới mức vô phương giải quyết so với quyền lực của thế giới, cơn đói của thế giới, tội lỗi của thế giới, và những nguồn lực mà tự chính thế giới dường như đem lại.
Năm ổ bánh mì và hai con cá mà đủ ăn cho đám đông hàng ngàn người là dụ ngôn của Phúc âm tương đương với câu chuyện nổi tiếng trong kinh Do Thái về chàng chăn cừu trẻ Đa-vít, đứng trước kẻ khổng lồ Gô-li-át: Một chàng trai trẻ, chân trần, cầm một thứ đồ chơi của con trai – một cây ná, đứng trước một kẻ khổng lồ, một chiến binh được huấn luyện, mình bọc giáp sắt, có quân hầu đi theo mang vũ khí cho mình, cũng là một phương trình quá chênh lệch đến mức vô phương giải quyết: quyền lực quá ít ỏi như vậy mà chống lại sức mạnh quá lớn như thế kia. Nhưng chàng trai trẻ đã thắng bởi vì Chúa đứng về phía cậu. Câu chuyện mấy ổ bánh mì và cá cũng như vậy.
Chúng ta cần hiểu điều gì trong chuyện mấy ổ bánh mì? Chúng ta cần hiểu rằng chúng ta đang ở cạnh bánh mì của cuộc sống, mọi thứ chúng ta cần để cho thế giới này ăn thì ta đã có. Chúng ta không cần phải đi đâu để mua gì cả. Chúng ta đã có mọi nguồn lực; mặc dù bề ngoài những nguồn lực đó bao giờ cũng sẽ có vẻ quá nhỏ bé, vô phương, ít ỏi, vô nghĩa, lạc quan rởm. Nhìn bề ngoài, điều bất di bất dịch là chúng ta sẽ trông giống như Đa-vít đứng trước Gô-li-át, yếu ớt và thảm hại, không xứng với trọng trách đánh bại một tên khổng lồ hay nuôi ăn một thế giới đói khát, tham lam.
Thách thức ở đây là tung xúc xắc vào thực tại Phúc âm. Phúc âm có tác dụng!
Nó xứng với trọng trách này, vừa nuôi ăn cho thế giới vừa đánh bại kẻ khổng lồ. Chỉ cần chúng ta tin tưởng nó.
J.B. Thái Hòa dịch