Marco Roncalli: Tôi sẽ kể về ông bác thánh của tôi.
Roma, 23-4-2014, (Zenit.org) Salvatore Cernuzio
Marco Roncalli, người cháu họ lỗi lạc của Giáo hoàng Gioan XXIII, một trong những người viết tiểu sử xuất sắc nhất về «Đức Giáo hoàng tốt lành», ông kể các ký ức gia đình, những chứng thực và kiến thức của 30 năm nghiên cứu về ông bác vĩ đại của mình, người sẽ được phong thánh ngày 27 tháng 4 này.
Marco Roncalli chỉ là một đứa bé khi đức thánh thiện của Angelo Giuseppe, giáo hoàng Gioan XXIII tương lai, ông bác của mình đã lan tỏa ra ai cũng biết. Đức thánh thiện này như hương thơm đã ghi sâu đậm vào lòng và định hình cho cả cuộc đời của ông. Vì thế, sau khi tốt nghiệp, ông quyết định cống hiến đời mình, nghĩa là suốt 30 năm qua, ông say mê nghiên cứu nhân cách vĩ đại của vị giáo hoàng cách mạng này, người sẽ được phong thánh vào ngày 27 tháng 4 sắp tới cùng với giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đến ngày nay, Marco là một trong những người cháu xuất sắc nhất của Đức Gioan XXIII, là chủ tịch Tổ chức Giáo hoàng Gioan XXIII, là một trong những chuyên gia giỏi nhất về «Giáo hoàng Tốt lành», ông được hồng y Loris Capovilla, thư ký riêng của giáo hoàng Roncalli và cũng là người thân cận nhất với ngài hỗ trợ để hoàn thành những nghiên cứu dài kỳ, đã được xuất bản và dịch ra nhiều ngoại ngữ. Quyển gần nhất, “Giáo hoàng Gioan, Bậc thánh” được nhà xuất bản San Paolo, Ý phát hành. Quyển sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Tây Ban Nha, Đức, và Ba Lan.
Sau đây là bản dịch bài phỏng vấn của Zenit với ông Marco Roncalli.
Zenit: Việc có một vị thánh trong gia đình có ý nghĩa thế nào với ông và với gia đình ông?
Marco Roncalli: Đây là giây phút niềm vui được chia sẻ với gia đình, với giáo xứ, với giáo phận và với tất cả mọi người … Tôi có thể nhận thấy, hay đúng ra là nên nhận thấy, đó là lời kêu gọi phải có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, sự thật là nó không ở trong phạm vi của tôi hay của gia đình tôi. Theo Xavier Leon-Dufour, một tu sĩ Dòng Tên cao cả, thánh, tiên quyết phải là lời kêu gọi, lời chất vấn: «Đối với người mà tầm nhìn của họ không dừng lại nơi con người hay nơi một anh hùng, thì thánh là trở nên lời của Thiên Chúa. Họ là thành quả của Thiên Chúa. Từ địa cầu này, Thiên Chúa đã thành công khi Ngài nhào nặn nên một hữu thể mà nơi họ, ân sủng đã cao hẳn hơn sức mạnh của tự nhiên…” Tôi nghĩ câu này có thể áp dụng rất đúng vào trường hợp của Giáo hoàng Gioan XXIII.
Đức Giáo hoàng Tốt Lành, mới đầu là một giáo hoàng chuyển tiếp, rồi là nhà cách mạng, người mở rộng cánh cửa Giáo hội bằng Công đồng Vatican II, và giờ đây là Thánh giáo hoàng. Bây giờ có còn gì để biết thêm về Đức Gioan XXIII nữa không?
Đằng sau vẻ ngoài đơn giản của ngài là một sự rất phức tạp. Người ta chưa biết đủ về văn hóa của ngài, về kiến thức lịch sử của ngài, ngoài kiến thức về Giáo hội. Nhiều hành vi đại kết của ngài vẫn chưa được biết đến. Và người ta vẫn chưa biết hết về nhận thức và lòng dũng cảm khi ngài khi ngài đưa ra những quyết định quan trọng mà thường hay bị chỉ trích là ngây thơ. Vẫn còn những quãng đời của ngài cần được đào sâu, ví dụ thời chủng sinh và linh mục. Rồi còn những nghiên cứu thời trẻ của ngài, như về chủ nghĩa thực tiễn Mỹ cần phải được xuất bản, hay một vài trao đổi thư tín rất quan trọng giữa ngài với các đồng bạn, với hồng y Gustavo Testa chẳng hạn, cũng như các bài giảng thời Thế chiến I nữa.
Dù vậy, chúng ta cũng đã có rất nhiều nguồn nói về ngài rồi. Đúng vậy, không một giáo hoàng nào để lại cho chúng ta một “Lữ hành của Tâm hồn”, quyển nhật ký cả đời như giáo hoàng Gioan XXIII. Và còn vô số thư từ, bài giảng, nhiều văn bản khác nữa đã được lưu trữ. Tuy vậy, tôi có thể nói khá chắc rằng, việc xuất bản thêm những văn bản chưa được công bố sẽ cho chúng ta cái nhìn trọn vẹn hơn về một con người, một dụ ngôn thánh thiện với đức tin sắt đá vào Thiên Chúa và một lòng tin tưởng tự nhiên vào con người.
Không kể những tác phẩm của ông viết về người cụ họ vĩ đại của mình. Về phương diện cá nhân, ông khám phá ra điều gì về ngài trong các nghiên cứu của ông? Chẳng hạn, ông vừa xuất bản các trao đổi thư từ giữa Đức Roncalli và Đức Montini (Phaolô VI)…..
Đó là những lá thư nói về đức tin và tình bạn mà tôi mong muốn nhấn mạnh nơi tựa đề phụ thêm của quyển sách này (“A.G. Roncalli e G.B. Montini: Lettere di fede e di amicizia,” ed. Studium). Tuy nhiên, có những thư từ khác tôi đã được đọc, ví dụ như các thư qua lại với Schuster hay với cha Giuseppe De Luca. Chắc chắn, các mức độ có khác nhau, nhưng ngài, Angelo Roncalli, đúng là một con người của gặp gỡ: với Thiên Chúa và với mọi người.
Là một sử gia về Giáo hội, vậy theo quan điểm của ông, Giáo hội đang sống trong thời điểm nào? Và di sản của triều giáo hoàng Gioan XXIII để lại là gì?
Theo tôi, chúng ta đang sống ở mùa xuân thứ nhì của Công đồng Vatican II, như thể Chúa cho chúng ta vị giáo hoàng Ngài muốn và chúng ta đáng lý phải có… Cũng không thể quên tiền đề của «sự bỏ mình» của Đức Bênêđictô XVI, đã một cách cụ thể cho chúng ta thấy những gì đang ở dưới mắt chúng ta: đáp trả cho một nhu cầu cần lòng thương xót, và đó là từ chính yếu của triều giáo hoàng Phanxicô. Chắc chắn đây là triều giáo hoàng đầy tinh thần mục tử, giống như triều giáo hoàng của Đức Gioan XXIII, dường như chuyện này đơn giản dễ thấy hơn các triều giáo hoàng khác. Nói cho đúng, đây là triều giáo hoàng được trụ bởi một nền tảng văn hóa tốt đẹp và vững chắc, với một kiến thức về lịch sử sâu rộng và với sự gặp gỡ của rất nhiều người ở xa Rôma. Và một nền văn hóa thiêng liêng mà Đức Phanxicô thấm nhuần sâu đậm, cũng như Đức Gioan XXIII vậy.
Thực sự là nhiều người đang so sánh Giáo hoàng Phanxicô với Giáo hoàng Gioan XXIII về sự giống nhau trong phong cách giao tiếp, cách tiếp cận với mọi người, và cả tính nhẹ nhàng nữa. Ông có thấy mối dây trực tiếp nào giữa hai giáo hoàng này không?
Đúng, tôi thấy có một liên kết giữa hai vị Giám mục giáo phận Rôma, một liên kết khá rõ ràng. Và đó cũng là ấn tượng đầu tiên của tôi đối với «Bergoglio đáng kinh ngạc» này. Cả hai có nhiều điểm chung là, nét trầm lặng, yêu mến sự thật và đức ái, lo cho người nghèo theo tinh thần của Dòng Phan Sinh, họ thực sự là lương y của tình thương. Tôi thấy họ cũng giống nhau trong tinh thần lạc quan của Kitô giáo, với một niềm vui không dứt khi được gặp Chúa và mọi người, cả hai đều thấy mình gắn chặt với Giáo hội, đều ân cần chăm sóc cho những nhu cầu thiêng liêng và vật chất của mọi người, luôn luôn với một tấm lòng tôn trọng sâu sắc.
Gia đình ông và ông có nhận biết được đức thánh thiện của Đức Roncalli không?
Tôi đã nghe nói nhiều về nhân đức của ngài. Ở nhà, tôi thường nghe lời kể của những người thật sự gần gũi với ngài, làm chứng về lòng tốt, về đức ái thầm lặng của ngài, cũng như về sự tín thác không ngừng vào Thiên Chúa. Tôi còn nhớ khi còn bé, tôi đến ở cùng ông nội Giuseppe của mình, ông là em út của Giáo hoàng, tôi ở lại cả ban đêm vì bà tôi mất sớm lâu rồi. Ban đêm, ông quỳ trên bàn quỳ kê cạnh giường để cầu nguyện, và khi đến giờ ngủ, ông thường kể cho tôi nghe chuyện người anh Giáo hoàng, về thời gian cùng nhau lớn lên, về những buổi gặp nhau trước và sau khi ngài làm giáo hoàng. Cho đến tận bây giờ, cha tôi vẫn không ngừng kể lại rất nhiều chuyện về người bác, Đức ông rồi Hồng y của mình. Cha tôi đến thăm ngài nhiều lần trong thời gian ngài làm việc ở Venice, vì thời đó ông đang làm lính ở Tiểu đoàn thánh Máccô, đặc biệt ông hay đến thăm ngài vào buổi tối. Cả hai ăn cơm tối với nhau, cha tôi giúp ngài vài việc vặt. Và cha tôi cũng kể là ông bác Roncalli là một thượng phụ vô cùng điềm đạm.
Nhưng, còn hơn là các chuyện kể, ngày qua ngày khi tôi nghiên cứu quyển nhật ký «Lữ hành Tâm hồn» và các quyển sổ ghi chú hàng ngày của ngài, tôi nhận ra và lần theo rất dễ ước nguyện nên thánh của ngài. Xét đủ mọi mặt, tôi luôn nghe người ta nói về ngài là một người đích thực, một «Giáo hoàng bằng xương bằng thịt» theo lời của Mazzolari, và tôi cũng muốn người ta nhớ về ngài như thế. Thực sự, tôi nghĩ thần thoại hóa, hay ‘thờ phượng hóa’ thì không tốt cho bất kỳ giáo hoàng nào. Theo tôi, cũng như mọi người khác, Gioan XXIII cũng có những bất toàn và những sai lầm. Chắc chắn lòng chân tín, tính đơn sơ, cũng như đức dũng cảm của ngài, đã đánh động cả thế giới mà ngày hôm nay họ đang chuẩn bị nâng ngài lên bậc hiển thánh. Mặt khác, nhà thơ Ungaretti có viết về ngài, «Ngài đã làm cho thấy rõ nét thánh thiện này, vừa có tính cách riêng vừa có tính cách chung».
Theo ông, thì ông bác vĩ đại của ông có hình dung mình có ngày được phong lên bậc hiển thánh không?
Bản thân ngài, khi còn là linh mục trẻ ở Bergamo, đã viết, ngài muốn đi tìm trong các đức hạnh của các thánh «cái thực chất chứ không phải các chuyện phụ», và ngài đã ghi chú lại những câu như «bằng mọi giá phải trở nên thánh, nó phải là mối bận tâm liên tục của tôi: nhưng là một mối bận tâm thanh thản và bình lặng, không nặng nề và hung bạo.» Nói cách khác, đó là mối bận tâm của một người luôn sống «với Thiên Chúa và với những sự của Thiên Chúa», cũng như gắn chặt trọn vẹn với Lời Chúa. Đó là mối bận tâm của một Giáo hoàng, người mà một ngày nọ khi suy niệm một đoạn trong sách Phụng vụ giờ kinh nói về thánh giáo hoàng Eugene (là người ‘nhân từ, hiền lành và dễ bảo, nhưng điểm chính yếu nhất làm nên đời sống thánh thiện của ngài’), đã viết: «không tốt sao nếu ít nhất làm được như vậy?».
Tại sao tiến trình phong thánh cho giáo hoàng Gioan XXIII quá chậm, và rồi bất ngờ lại được xác nhận mà không cần chờ đợi một phép lạ thứ hai xảy ra?
Đúng là với Đức Gioan XXIII thì không cần đến phép lạ thứ hai. Tuy nhiên, hồng y Angelo Amato, trưởng Ban Phong thánh đã nói cách đây không lâu, việc phong thánh không do đặc ân, miễn trừ hay rút ngắn giai đoạn, nhưng thật ra Đức Phanxicô muốn rút ngắn thời gian để cho toàn thể Giáo hội có dịp trọng đại mừng lễ phong thánh của hai Thánh Giáo hoàng. Gioan XXIII, người khởi xướng Công đồng Vatican II, và Gioan Phaolô II, người thực hiện chất men mục vụ, linh đạo, và giáo lý cho Công đồng này. Ý của giáo hoàng Phanxicô rất rõ ràng. Việc thay đổi tiến trình phong thánh đã có từ thời giáo hoàng Wojtyla khi ngài phong chân phước cho Đức Piô IX và Đức Gioan XXIII vào năm 2000 rồi. Chắc chắn, hai Đức giáo hoàng khác nhau về cá tính, cũng như về bối cảnh lịch sử. Nhưng nếu chúng ta nhìn rõ vào các chủ đề như Công đồng hay hòa bình, thì sẽ thấy ngay điểm chung của họ, tôi chỉ đưa ra đây hai ví dụ thôi…. Thực sự cả hai là những người mang một trọng trách lớn lao, trên tư cách cá nhân cũng như hoàn vũ, đã làm thay đổi lịch sử.
J.B. Thái Hòa dịch