Con cái trong vòng chăm sóc của chúng ta

169

 

Ronald Rolheiser, 2011-01-09

Cuốn tiểu thuyết của Margaret Laurence, A Jest of God (Lời chế nhạo của Chúa) kể chuyện về hai chị em nọ: Rachel, một cô ở tuổi trung tuần, độc thân, không con cái, là giáo viên tiểu học tài năng. Người kia là bà mẹ nội trợ, dành trọn thì giờ chăm sóc con cái.

Năm tháng trôi qua mà Rachel vẫn không có đứa con ruột nào, nỗi thất vọng của cô ngày càng tăng. Ngày nào cũng như ngày nào, cô làm việc với trẻ con nhưng chúng không phải là con ruột của cô. Chúng vào lớp cô, học với cô, đi qua cuộc đời cô, nhưng rồi chúng lên lớp và sống một cuộc sống cách xa với cuộc sống của cô. Cô đau khổ sâu xa trước tính chất thoáng qua này, sự thiếu thốn không nắm một cái gì trong tay. Gần như tất cả mọi điều trong nội tâm cô đều gào thét làm sao có cho được đứa con ruột, những đứa con sẽ không đơn thuần đi qua cuộc đời cô.

Một ngày nọ cô kể nỗi thất vọng của mình với em gái, thổ lộ rằng cô đau đớn xiết bao khi thấy bọn trẻ đi qua cuộc đời mình, mỗi năm lại một nhóm khác, và chúng không bao giờ thật sự là con ruột của mình.

Em cô không hoàn toàn thông cảm với cô. Em cô nói với cô, thật ra, làm cha mẹ cũng giống vậy. Con cái của mình cũng đi qua đời mình và sống đời riêng của chúng, cách xa mình. Chúng cũng không bao giờ thật sự là con cái của mình, một người mà mình sở hữu. Bọn trẻ không bao giờ thật sự là của mình, cho dù mình có là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, hay thầy cô giáo của chúng. Chúng có cuộc đời riêng của chúng, cuộc đời mà mình không sở hữu.

Có vài sự thật quan trọng trong đó: Bọn trẻ không bao giờ thật sự là của chính chúng ta. Chúng được trao cho chúng ta, với lòng tin tưởng, trong một thời gian, đúng ra là trong một thời gian ngắn, mà khi đó chúng ta được yêu cầu làm cha mẹ, làm thầy cô giáo, làm cố vấn, làm mục sư, làm cô dì chú bác, làm người bảo trợ của chúng, nhưng rốt cuộc chúng không phải là của chúng ta. Cuộc đời của chúng thuộc về chính chúng, và thuộc về Chúa. Nhận ra được điều này vừa đầy khó khăn, vừa an ủi chúng ta.

Khó khăn xem ra còn rõ ràng hơn: Nếu chúng ta chấp nhận điều đó, thì với tư cách là cha mẹ, thầy cô giáo, người bảo trợ, có thể chúng ta sẽ ít thao túng hơn. Chúng ta có thể ít xem đứa trẻ như một vệ tinh trong quỹ đạo của riêng mình, hay như một người mà cuộc sống phải được nhào nặn như chúng ta hình dung và giống chúng ta.

Thay vào đó, nếu chúng ta chấp nhận chúng là những con người của chính bản thân chúng, thì chúng ta sẽ có thể đem lại tình thương yêu, nâng đỡ và hướng dẫn một cách ít bị vướng mắc ràng buộc hơn.

Còn an ủi thì không rõ ràng cho lắm, nhưng chính là điều tôi muốn nói ở đây: Nếu chúng ta chấp nhận bọn trẻ không thật sự là của riêng chúng ta, thì chúng ta sẽ nhận ra chúng ta không hề đơn độc trong việc nuôi dạy chúng. Tại sao như vậy?

Bọn trẻ không phải là của riêng chúng ta, mà là con cái của Chúa. Rốt cuộc, chúng ta chỉ là những người bảo trợ chúng mà thôi, tất cả chúng ta đều vậy. Chúa là người cha người mẹ đích thực, và Chúa thương yêu, chăm sóc lo lắng cho chúng hơn rất nhiều so với chúng ta thương yêu, chăm sóc lo lắng cho chúng. Bạn không bao giờ là người cha, người mẹ đơn thân, kể cả khi bạn đang một mình một bóng làm cha làm mẹ. Chúa luôn ở bên, thương yêu, chăm sóc, trìu mến, lo lắng, cố gắng truyền đạt những giá trị, cố gắng đánh thức tình thương yêu, lo lắng không biết bọn trẻ đang giao du với ai, quan tâm tới những gì chúng đang xem trên mạng, và cũng thao thức mất ngủ nhiều đêm như bạn. Nỗi lo lắng của Chúa lớn hơn rất nhiều so với nỗi lo lắng của chúng ta.

Hơn nữa Chúa có khả năng chạm tới được trái tim của con trẻ và phá vỡ lớp phân ly để đến được với con trẻ theo cái cách mà bạn là cha mẹ thường không thể làm được. Con cái của bạn có thể không chịu lắng nghe bạn, quay lưng với bạn, phủ nhận các giá trị của bạn, và rời xa mọi điều bạn bênh vực; nhưng chúng vẫn luôn luôn có một người cha người mẹ khác, là Chúa, mà chúng không thể rời xa. Chúa có thể chạm tới những nơi chốn, kể cả chính địa ngục, mà chúng ta không thể chạm tới. Chúa luôn luôn ở đó, với tình thương yêu còn nhẫn nại và nỗi quan tâm ao ước còn mạnh mẽ hơn chúng ta. Từ đó chúng ta có thể thêm dũng cảm và an ủi. Con cái của chúng ta luôn luôn được bao bọc bởi tình thương, mối quan tâm, lo lắng, và một lời mời gọi thức tỉnh trước tình yêu, mà lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ điều gì chúng ta có thể mang lại. Chúa là người cha người mẹ thực thụ và có những khả năng mà chúng ta không có.

Điều này đặc biệt quan trọng và có sức an ủi nếu chúng ta từng mất con một cách bi thảm, vì tai nạn đáng ra đã có thể ngăn chặn, vì tự tử, vì ma túy hay rượu, hay vì một nhóm bạn bè có lối sống mà cuối cùng đã dẫn tới cái chết, và với tư cách của người làm cha làm mẹ, hay người bảo trợ, bạn cảm thấy tội lỗi và tự trách mình: Tại sao tôi thất bại thê thảm như vậy trong chuyện này? Tôi phải chịu bao nhiêu phần trách nhiệm trong chuyện buồn này?

Một lần nữa, sẽ có ích nếu chúng ta tự nhắc nhở rằng cả trước đây và bây giờ, chúng ta không phải là những người cha người mẹ duy nhất ở đây, và khi người con này chết đi, dù trong tình huống bi thảm đến mấy, thì người con đó đã được đón nhận bởi những đôi tay êm ái hơn, được bao bọc trong niềm thông cảm sâu sắc hơn và được chào đón vào vòng tay cha mẹ thương yêu hơn nhiều so với chúng ta. Con của chúng ta đã rời khỏi vòng chăm sóc dưỡng dục, rời khỏi vòng chu cấp không đầy đủ về mọi mặt của chúng ta, để sống với một người cha và một người mẹ có thể mang lại sự bảo vệ, hướng dẫn và niềm vui mà chúng ta không bao giờ có thể mang lại một cách trọn vẹn.

J.B. Thái Hòa dịch